Nông dân Kbang chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm gần đây, bà con nông dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) tích cực chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Anh Nguyễn Văn Hưởng (thôn 4, xã Sơ Pai) cho biết: Năm 2018, nhận thấy năng suất vườn cà phê 3 ha ngày càng giảm nên anh quyết định hạn chế đầu tư. Anh sang Đak Lak tìm mua sầu riêng giống về trồng xen trong vườn cà phê. Đến nay, 200 cây sầu riêng đã cho thu hoạch. Đầu năm 2019, anh tiếp tục mua 100 cây vú sữa Hoàng Kim và 100 cây ổi về trồng xen trong 1 ha cà phê già cỗi còn lại. “Ngoài 3 loại cây ăn quả, tôi còn tranh thủ trồng chanh dây, dứa và các loại cây ngắn ngày khác. Mỗi năm, các loại cây trồng này đã mang lại thu nhập cho gia đình hơn 350 triệu đồng sau khi trừ chi phí”-anh Hưởng phấn khởi nói. 
Năm 2019, anh Phạm Văn Hậu (thôn 2, xã Sơ Pai) cũng chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Đầu năm 2020, anh tiếp tục chuyển đổi 3 ha cà phê già cỗi sang trồng mận, hồng giòn, măng cụt và vú sữa Hoàng Kim. “Sang năm, vườn sầu riêng và vú sữa Hoàng Kim sẽ cho thu hoạch. Nếu giá cả ổn định như năm nay thì gia đình sẽ có thu nhập khoảng 700 triệu đồng”-anh Hậu kỳ vọng.
Trong khi đó, tại thị trấn Kbang, từ năm 2019, 13 hộ dân cùng nhau thành lập Tổ liên kết sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích canh tác 5,5 ha. Ông Tô Văn Trung-Tổ trưởng tổ liên kết-cho hay: “Tiêu chí chúng tôi đặt ra là từng bước trồng rau sạch theo hướng bền vững, không chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình nghiêm ngặt về trồng rau sạch. Vì vậy, các sản phẩm rau sạch của tổ được khách hàng tin dùng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Mỗi ngày, tổ cung cấp ra thị trường 650 kg rau, quả; thu nhập bình quân mỗi hộ trên 16 triệu đồng/sào/năm”.
Ông Tô Văn Trung (thị trấn Kbang) tham gia sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cao. Ảnh: Minh Phương
Ông Tô Văn Trung (thị trấn Kbang) tham gia sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cao. Ảnh: Minh Phương
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, toàn huyện có hơn 523 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước; 30 ha rau, cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, huyện đã hình thành 23 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 708 ha, trên 1.150 ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp. Cùng với đó, huyện xây dựng vườn ươm cây giống với quy mô 5 ha, chuyển đổi 42,5 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn và trên 1.707 ha diện tích mía kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, năm 2021, UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp triển khai thực hiện 9 mô hình, dự án tại 11 xã, thị trấn với 751 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện hơn 2,7 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ 37 hộ người Bahnar làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong) sản xuất lúa nước tại cánh đồng mới khai hoang; giúp 35 hộ dân xã Đông trồng 6,53 ha lúa nước chịu phèn tại cánh đồng Tu Choai; nhân giống 2 ha mì KM94 phòng bệnh khảm lá vi rút tại vườn ươm của huyện; trồng thí điểm cây cam ruột đỏ, quýt hồng tại 2 xã Kon Pne, Đak Rong; trồng dứa không mắt tại làng Hà Đừng 1 (xã Đak Rong).
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ một phần kinh phí cho 313 hộ tại các xã: Sơn Lang, Đak Rong, Krong, Kon Pne, Sơ Pai, Tơ Tung trồng hơn 168 ha mắc ca, dổi xanh; hỗ trợ xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả tại xã Sơ Pai, Sơn Lang; cải tạo vườn tạp tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đak Hlơ, Nghĩa An, Kông Lơng Khơng… Ông Bùi Trọng Lượng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: “Đến nay, hầu hết cây trồng của các dự án, mô hình đều sinh trưởng tốt. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để dự án, mô hình đạt hiệu quả cao nhất”.
Trao đổi với P.V, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Song hành với việc chuyển đổi cây trồng thì đầu ra cho sản phẩm cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Ủy ban nhân dân huyện đã làm việc với một số doanh nghiệp để liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, định hướng và khuyến cáo người dân khi chuyển đổi cây trồng phải gắn với việc hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy, thị trường tiêu thụ, đặc biệt chú trọng đến chuỗi liên kết và hợp tác trong sản xuất. “Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ cho những mô hình cây ăn quả sản xuất theo hướng VietGAP để đăng ký xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng cũng như tạo ra sản phẩm OCOP. Hy vọng những mô hình chuyển đổi cây trồng sẽ góp phần tạo nên giá trị nông sản, giúp người dân từng bước phát triển sản xuất bền vững”-ông Tình nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.