Nông dân Gia Lai đứng trước nguy cơ mất mùa mì do bệnh khảm lá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng chục ngàn héc ta mì trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang nhiễm bệnh khảm lá khiến người dân đối diện với nguy cơ mất mùa. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn giống sạch bệnh cho vụ tới cũng đang là nỗi lo lắng của bà con nông dân.



Hàng ngàn héc ta mì nhiễm bệnh

Theo thống kê, đến thời điểm này, huyện Krông Pa có hơn 16.283/22.938 ha mì vụ mùa bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, 3.694 ha nhiễm nhẹ, 9.922 ha nhiễm trung bình và 2.667 ha nhiễm nặng. Dịch bệnh khiến người dân lo lắng trước nguy cơ mì giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập. Bà Ksor H'Nghiêm (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) cho hay: “Năm nay, gia đình tôi trồng 1,2 ha mì. Hiện có khoảng 40% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá với mức độ nặng. Cứ đà này chắc chắn năng suất sẽ giảm 30-40%. Như vậy, trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc thì vụ này coi như không có lãi”.

 Diện tích mì của gia đình bà Ksor H'Nghiêm (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) nguy cơ giảm năng suất do bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam
Diện tích mì của gia đình bà Ksor H'Nghiêm (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) nguy cơ giảm năng suất do bệnh khảm lá vi rút. Ảnh: Lê Nam


Ông Ksor Yim-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Rmok-cho biết: Mì là loại cây trồng chịu được nắng hạn, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Vụ này, toàn xã trồng được 1.806 ha mì. Qua kiểm tra cho thấy, hơn 363 ha mì đang bị nhiễm bệnh khảm lá, dự kiến năng suất giảm khoảng 30%. Nguyên nhân là do người dân sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng.

Tương tự, gia đình chị Ksor H'Nhiễu (buôn Luk, xã Phú Cần) có gần 2 ha mì nhiễm bệnh khảm lá, lại bị ngập úng do những cơn mưa gần đây. Vì vậy, gia đình đang tập trung thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Chị H'Nhiễu cho hay: “Để tránh cây mì bị thối củ do ngập úng, tôi đành phải thu hoạch sớm, được chút nào hay chút nấy để bù lại một phần chi phí”. Còn bà Ksor H'Uét (cùng buôn) thì cho biết: “Nhà tôi có hơn 1,5 ha mì trồng ở buôn Dù, xã Ia Mlah. Năm trước, bệnh khảm lá mì ở khu vực này rất ít, tỷ lệ nhiễm cũng thấp. Nhưng hiện nay, hầu như ruộng nào cũng bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công chăm sóc hết hơn 10 triệu đồng/ha nên thu nhập sẽ giảm rất nhiều”.

Năm nay, bệnh khảm lá vi rút tiếp tục xảy ra trên một số loại giống như: KM98-5, KM98-1, KM419, KM140, HLS11. Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Nguyên nhân khiến nhiều diện tích mì bị bệnh khảm lá vi rút là do người dân tự ý sử dụng các giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng mà không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Cũng theo ông Châu, thời gian qua, Phòng đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng giống mì HLS11 vì có tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Tuy nhiên, do năng suất, hàm lượng tinh bột của giống mì này cao nên nhiều hộ vẫn trồng. “Trước tình hình bệnh khảm lá xảy ra trên diện rộng, nhiều diện tích nhiễm nặng, chúng tôi đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc để cây mì sinh trưởng, vượt qua ngưỡng bệnh và tăng cường sử dụng thuốc phòng trừ bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” của cơ quan chuyên môn. Hiện nay, nguồn giống sạch bệnh trên thị trường rất khan hiếm, giá hom giống cao, nguồn ngân sách huyện không đảm bảo để hỗ trợ cho người dân”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thông tin.

Ngoài Krông Pa, các địa phương khác cũng có nhiều diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Cụ thể, thị xã Ayun Pa có 207 ha, thị xã An Khê 137 ha, huyện Ia Pa 125 ha, Phú Thiện 129 ha, Kbang 23 ha, Đak Pơ 50 ha. Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện-cho hay: Qua công tác kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế trên đồng ruộng cho thấy, toàn huyện có 129 ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút, tỷ lệ nhiễm từ 5% đến 30%, phân bố tại các xã: Chư A Thai, Ia Sol, Ia Peng, Chrôh Pơnan, Ia Ake, Ia Piar, Ia Yeng. Giống nhiễm bệnh gồm: KM140, KM419, KM98-5. Do vậy, Trung tâm đang tăng cường hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc để cây mì sinh trưởng, vượt qua ngưỡng bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Nhân giống mì kháng bệnh khảm lá

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, bệnh khảm lá vi rút hại mì hiện chưa có thuốc đặc trị. Do đó, diện tích nhiễm bệnh tăng mạnh qua các năm. Để loại bỏ bệnh khảm lá vi rút, huyện đã nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống mì HL-S11. Đồng thời, khuyến cáo người dân không trồng các giống mì đã xác định nhiễm bệnh nặng như KM419, KM140 mà sử dụng giống K94 ít bị bệnh để trồng. Năm 2021, huyện đã hỗ trợ hơn 88 ngàn bó giống mì KM94 cho người dân trồng được hơn 880 ha. Cùng với đó, huyện thực hiện mô hình trồng giống mì KM94 trên diện tích 10 ha có áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, cho năng suất 25-30 tấn/ha. “Để ngăn chặn sự lây lan bệnh khảm lá vi rút, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn quy trình canh tác, quy trình sản xuất giống mì sạch bệnh tới các xã, thị trấn. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn, vận động người dân chuyển đổi các giống mì bị nhiễm bệnh sang trồng giống KM94. Ngoài ra, sau khi trồng khảo nghiệm 2 giống mì mới là HN3 và HN5 cho thấy, các giống này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, cho năng suất, hàm lượng tinh bột cao và có thể kháng được bệnh khảm lá vi rút”-ông Châu thông tin.

 Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại xã Ia Rmok. Ảnh: Ngọc Sang
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện kiểm tra diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút tại xã Ia Rmok. Ảnh: Ngọc Sang


Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện thì cho hay: Để hạn chế bệnh khảm lá, Trung tâm cử cán bộ đến từng địa phương kiểm tra bọ phấn trắng phát sinh gây hại. Nếu những diện tích mì nhiễm nhẹ thì tiến hành phun thuốc để diệt trừ, tránh để bọ truyền bệnh. Đối với diện tích có tỷ lệ nhiễm dưới 50%, chúng tôi vận động người dân nhổ tiêu hủy toàn bộ số cây bị bệnh, tiếp tục chăm sóc số cây còn lại và thu hoạch sớm. Với diện tích bị nhiễm từ 50% trở lên, người dân tiến hành tiêu hủy toàn bộ số cây trên đồng ruộng, đồng thời luân canh cây trồng khác ít nhất 1 năm để cắt nguồn bệnh.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng mô hình trồng 20 ha mì giống HN3 và HN5 để từng bước tạo nguồn giống sạch bệnh cho người dân. Nếu bình quân mỗi héc ta mì có thể cung ứng giống sạch bệnh cho khoảng 10 ha vụ sau thì phải mất 4-5 năm mới phủ được 70-80% diện tích toàn huyện. Để rút ngắn thời gian, huyện vận động người dân chủ động mua các giống mì này để đưa vào sản xuất nhằm cùng với địa phương sớm đẩy lùi bệnh khảm lá vi rút. Cùng với đó, huyện khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đã bị nhiễm bệnh nặng sang trồng thuốc lá, cà chua, cà tím, bầu bí, khoai tây, ớt, chanh dây, mía.

 

 LÊ NAM - NGỌC SANG

 

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.