Nóng chuyện truy quét cát tặc trên Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Là tỉnh rộng lớn nhất Tây Nguyên với hơn 500 kilômet đường sông, năm nào các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng bắt giữ, xử phạt hàng trăm vụ khai thác cát sỏi trái phép, thế nhưng hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra.
 
Lực lượng chức năng cẩu phương tiện khai thác cát trái phép về nơi tạm giữ
Ngăn ngừa nạn  “bảo kê”
Việc khai thác cát sỏi trái phép, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ môi trường nhiều năm qua đã trực tiếp dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, phát sinh nhiều hệ lụy an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến việc canh tác và cuộc sống bình yên của cư dân nhiều huyện sống ven đôi bờ sông Krông Ana, Krông Nô, hai nhánh sông phía thượng nguồn của dòng sông Sêrêpôk, gây bức xúc dư luận.
Mới đây, ngày 12/4/2019 Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 142 kết luận của  Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát tại các địa phương. Qua đó, Chính phủ yêu cầu các tỉnh thành tăng cường công tác thanh kiểm tra, quy hoạch lại việc khai thác, cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông, thu hồi cát từ các dự án nạo vét khơi luồng, đề xuất biện pháp giải quyết báo cáo lên Chính phủ trước ngày 31/10/2019.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn số 3228 về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, giao UBND các huyện Cư Kuin, Krông Bông, Krông Ana, Lắk, Krông Pắk, Ea Kar, Ea Súp, M’đrắk kiên quyết và xử lý xóa bỏ các bến bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn trước ngày 31/7/2019. Trong công văn này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Ry Niê Knơng đặc biệt lưu ý: Địa bàn nào còn để xảy ra tình trạng này “hoặc có cán bộ , công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu và điều chuyển bố trí công tác khác”.
 
Ca nô Cảnh sát áp sát tàu của “cát tặc”
Chiều ngày 4/5/2019 Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi,  kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh.
Dẹp cát tặc -  Cần, nhưng chưa đủ!
Trước đó, phóng viên Tiền Phong đã được cùng tham gia tuần tra trên sông Krông Ana cùng đội Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk). Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 phương tiện giao thông thủy các loại. UBND tỉnh từng cấp phép cho 20 doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên các tuyến sông thuộc tỉnh. Tuy nhiên, do để xảy ra nhiều sai phạm, 10 doanh nghiệp trong số đó đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, rút giấy phép khai thác.
Ngay trong ngày 3/5/2019, chiếc ca nô của đội Cảnh sát đường thủy có phóng viên cùng đi đã phát hiện  một chiếc tàu đang hút cát gần bờ tại khu vực cấm trên sông Krông Ana. Đại uý Lưu Thanh Tùng, đội trưởng đội Cảnh sát đường thuỷ và các cán bộ cùng đi đã lập biên bản hiện trường, cấp báo Phòng Cảnh sát môi trường cử lực lượng phối hợp cấp tốc từ thành phố Buôn Ma Thuột tới nơi để xử lý. Đây là tàu của một thành viên hợp tác xã khai thác cát đã bị đình chỉ hoạt động, đang khai thác cát lậu. Số lượng cát đã hút lên tàu ước khoảng 25 m3. Tại hiện trường, lái tàu Lê Tiến Hậu không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì như chứng chỉ lái tàu, giấy chứng nhận đăng ký tàu hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Được biết một trong những vấn đề bất cập, gây khó khăn cho quá trình xác lập các hành vi vi phạm, là cả tỉnh tới nay vẫn chưa có đoạn sông nào được UBND tỉnh, Sở GTVT tổ chức công bố tuyến giao thông đường thủy nội cấp cấp tỉnh, cấp quốc gia. Mặt khác, phần lớn các tàu, thuyền đang hoạt động trên các tuyến sông, hồ trên địa bàn tỉnh trước đây đều do dân tự phát đóng, không theo quy chuẩn nào về thiết kế an toàn kỹ thuật, rất khó để nhà chức trách cấp chứng nhận đăng kiểm.
Do địa phương chưa xây dựng được các âu tàu để neo đậu, tạm giữ các loại phương tiện thủy vi phạm, nên với loại tàu có thể tích lớn, khối lượng từ vài chục tấn trở lên, việc cưỡng chế, vận chuyển phương tiện về nơi tạm giữ rất khó khăn. Năm 2018 lực lượng chức năng đã tốn cả trăm triệu đồng để cẩu và chuyển một con tàu “cát tặc” từ huyện Krông Bông về phố. Rồi lại tiếp tục tốn công của để bảo toàn vật chứng, chờ thực hiện quy trình xử lý theo đúng quy định.
Trong 2 năm 2017-2018, các lực lượng phối hợp tỉnh Đắk Lắk đã lập biên bản hơn 240 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hơn 200 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 230 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có bằng thuyền trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn lái tàu; Không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Không có giấy chứng nhận đăng ký; Không trang bị đủ dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu sinh; Phương tiện không đảm bảo v.v... Số tiền phạt thu về không “thấm” gì so với quá nhiều hệ lụy mà “cát tặc” gây ra.
Hoàng Thiên Nga (TP)

Có thể bạn quan tâm