Nơm nớp nỗi lo núi lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng trăm hộ dân tại TT.Đăk Glei và xã Đăk Pék (H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) đang nơm nớp nỗi lo khi sống dưới chân những ngọn đồi bị sạt trượt, lở.

Hàng trăm căn nhà ở TT.Đăk Glei nằm dưới chân những ngọn đồi có nguy cơ sạt lở ĐỨC NHẬT
Hàng trăm căn nhà ở TT.Đăk Glei nằm dưới chân những ngọn đồi có nguy cơ sạt lở ĐỨC NHẬT
Đất đá trên đồi lao xuống bất cứ lúc nào
Xã Đăk Pék và TT.Đăk Glei nằm sát bên QL14, phía sau các dãy nhà là những quả đồi khổng lồ. Trước đây, để xây nhà, người dân đã khoét sâu vào những ngọn đồi lấy mặt bằng. Do tác động của con người, những ngọn đồi bị sạt trượt, lở lói. Sau mỗi trận mưa, những tảng đất đá trên cao như muốn lao xuống bất kỳ lúc nào.
Ông A Nhoong (71 tuổi, ở thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pék) cho biết ngay trước nhà ông là quả đồi dựng đứng với những vết nứt dài. Căn nhà của ông nằm lọt thỏm dưới chân ngọn đồi đang chực chờ đổ xuống. Ngay phía sau nhà ông A Nhoong, dòng sông Pô Kô cũng đang bào dần những lớp đất bên dưới móng nhà.
“Hôm cơn bão số 9 đổ bộ, mưa liên tục kéo về khiến nước trên sông Pô Kô dâng cao. Gia đình tôi sợ đất trên đồi cao ập xuống nên kéo nhau ra nhà văn hóa thôn trú tạm. Phía trước nhà là một ngọn núi cao, phía sau lại có một dòng sông đang chực chờ sạt lở. Những hôm mưa lớn cả nhà không thể ngủ được”, ông A Nhoong nói.

Người dân TT.Đăk Glei luôn nơm nớp nỗi lo khi sống bên dưới những quả đồi lở lói ẢNH: ĐỨC NHẬT
Người dân TT.Đăk Glei luôn nơm nớp nỗi lo khi sống bên dưới những quả đồi lở lói ẢNH: ĐỨC NHẬT
Phía sau Trường mầm non trung tâm xã Đăk Pék cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn 260 học sinh cùng hàng chục thầy cô giáo nơi đây cũng đang nơm nớp nỗi lo đất trên đồi ập xuống. Cô giáo Trần Thị Tuyết, Phó hiệu trưởng trường này, cho biết ai cũng lo lắng về ngọn đồi phía sau có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. “Mấy ngày trước, trong cơn bão số 9, đất đá trên đồi đổ ập xuống khu nhà ở của nhân viên và chỗ bếp ăn nhà trường. Ngay cạnh khu vực bếp ăn nhà trường đã có bức tường bê tông lớn nhưng đất đá sạt lở làm gãy luôn cả bức tường. Vì quả đồi phía trên có rất ít cây cối nên mỗi khi mưa lại xảy ra sạt lở”.
Mong nhà nước có phương án hỗ trợ
Bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pék, cho biết cơn bão số 9 để lại hậu quả vô cùng lớn. Địa hình của xã một bên là vực, một bên là núi nên khi mưa thì vừa gây sạt lở lớn lại vừa gây ngập sâu. Cả xã có 7 tuyến đường đều bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn xã có tới 137 hộ bị ảnh hưởng nặng, 2 điểm trường bị sạt lở. Riêng điểm trường mầm non của xã tại thôn Đăk Rang thì sạt lở đất chỉ cách lớp học 2 m. Tại thôn 14B, có tới 35 căn nhà bị sạt lở và ngập nước.
“Vị trí thôn 14B có trường mầm non và nhiều nhà dân lọt thỏm dưới vùng sạt lở của ngọn đồi cao hàng chục mét. Những ngày mưa bão tất cả những nhà dân đều phải di dời đến nơi an toàn”, bà Lý nói.
Tại TT.Đăk Glei tình trạng sạt lở cũng đang đe dọa người dân. Chị Phạm Thị Thương (31 tuổi, ở đường A Khanh, TT.Đăk Glei) cho biết gia đình chị đã nhiều đêm không ngủ vì nỗi lo sạt lở. Những đêm mưa lớn cả gia đình chị phải đem tài sản dồn về phía trước căn nhà để đề phòng.
Chị Thương nói: “Nhà dưới chân đồi, ngày nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ. Gần đây thấy mảng đất sạt lở, chúng tôi dự định thuê máy móc đào đi nhưng vướng quy định vì đưa máy móc vào là sợ vi phạm luật khoáng sản. Chúng tôi chỉ mong nhà nước có phương án hỗ trợ người dân”.
Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND H.Đăk Glei, cho biết địa hình ở Đăk Glei vô cùng hiểm trở, một bên là thung lũng, một bên là núi cao vực sâu. Người dân bao lâu nay sống dưới chân núi, chân đồi luôn phải đối mặt với cảnh sạt lở mỗi khi mưa lớn. Đến nay huyện vẫn phải trông chờ vào tỉnh, vì vấn đề lớn nhất là kinh phí. Nguy cơ sạt lở đất với những quả đồi hàng ngàn mét khối đổ sụp xuống nhà dân là điều mà huyện rất trăn trở.
“Chúng tôi đã báo cáo với UBND tỉnh Kon Tum về việc này. Hiện tại để đảm bảo an toàn, huyện thường tổ chức di dời người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn khi những cơn bão bắt đầu xuất hiện”, bà Thanh cho biết.
Nứt núi, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp
Ngày 11.11, ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê (H.Con Cuông, Nghệ An), cho biết chính quyền xã vừa tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân dưới chân núi ở bản Bủng Xát vì núi bị nứt. Vết nứt này xuất hiện ngày 30.10 vừa qua, sau khi có mưa lớn kéo dài. Ban đầu vết nứt rộng khoảng 1 m, chạy trên núi với chiều dài khoảng hơn 200 m; hiện phần núi bị nứt đã dịch chuyển xuống phía dưới khoảng 2 m. Vết nứt đã xé toạc triền núi, có nguy cơ đổ ập xuống khu dân cư phía dưới. 
K.Hoan
Sạt lở núi, 2 người thoát chết
Ngày 11.11, UBND xã Sơn Long, H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Khoảng 19 giờ ngày 10.11, trên đường Trường Sơn Đông, đoạn thuộc thôn Ra Pân, xã Sơn Long, trong lúc anh Đặng Như Ý (21 tuổi) và anh Trần Phú Vinh (19 tuổi, cùng ngụ xã Tam Quang, H.Núi Thành, Quảng Nam) đang chạy xe máy đi thăm người thân ở xã Ngọc Tem, H.Kon Plong (Kon Tum), thì gặp lúc núi bị sạt lở, đất đá đổ từ trên xuống ập vào người và xe máy. Hai anh Ý và Vinh liền bỏ xe dưới đống đất đá rồi bỏ chạy thoát thân, sau đó vào nhà dân ở bên đường xin trú ngụ qua đêm.
Cũng trong sáng 11.11, kiểm tra hiện trường vụ sạt lở, UBND H.Sơn Tây xác định có khoảng hơn 10.000 m3 đất đá đã đổ ập xuống đoạn đường nói trên. Vụ sạt lở cũng làm nhà ông Võ Quang (ở khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân) bị sập tường nhà, thiệt hại khoảng 70%; gây ách tắc giao thông trên đường Trường Sơn Đông. 
Phạm Anh
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm