Nơi thắp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

11 giờ trưa 24/4/1972,  sau 8 tiếng quyết liệt, thần tốc tấn công, quân ta làm chủ hoàn toàn trung tâm cứ điểm E42-Tân Cảnh. Cờ giải phóng tung bay ngay tại  nơi được Mỹ- Ngụy mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên.

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của Mỹ - Ngụy ở Tây Nguyên, mở rộng vùng giải phóng và cùng với chiến thắng Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút quân khỏi Việt Nam.

Đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh huyện Đăk Tô vẫn giữ trong mình nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi trước, góp sức trong công tác giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, xứng đáng với truyền thống cách mạng của cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hằng năm, Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các buổi gặp mặt truyền thống, ngoại khóa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn của đất nước. Qua đó, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc, góp phần hun đúc lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tin và tự hào của thế hệ trẻ.

Ông A Bông - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Tô cho biết: “Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh luôn được Hội Cựu chiến binh Đăk Tô chọn làm địa điểm để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, giúp các em học sinh, hiểu được những chiến công to lớn mà quân và dân huyện Đăk Tô đã góp phần làm nên, trong đó có chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh”.


 

Thăm Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Ảnh: TH
Thăm Tượng đài Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh. Ảnh: TH


Đến thăm di tích, được tham quan, nghe thuyết trình về lịch sử ngay tại đây, đoàn viên, thanh thiếu nhi càng thấm thía hơn về hoạt động cách mạng cũng như sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ và nhân dân trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Đây là hình thức giáo dục trực quan, sinh động giúp các bạn trẻ tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Em Phạm Ngọc Bình- học sinh lớp 11B, Trường PTTH Nguyễn Văn Cừ, huyện Đăk Tô chia sẻ: “Thông qua các buổi tìm hiểu và các hoạt động ngoại khóa trên trường lớp, em thấy Di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh rất là ý nghĩa và thiêng liêng. Em rất tự hào và khâm phục ông cha đã hy sinh thân mình để bảo vệ độc lập cho đất nước. Là thế hệ trẻ ngày nay, chúng em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức sao cho xứng đáng với công lao của các anh hùng đã hy sinh vì đất nước”.

Có thể khẳng định, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đã trở thành niềm tự hào về truyền thống đấu tranh của nhân dân các dân tộc Kon Tum nói chung, huyện Đăk Tô nói riêng; là "địa chỉ đỏ" giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ.


https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/noi-thap-lua-truyen-thong-cho-the-he-tre-23201.html

Theo Thanh Huyền (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.