Những ngày tháng Tư, đến thăm Bảo tàng Lâm Đồng, hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trong phần trưng bày “Quân và dân Lâm Đồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” như tái hiện sinh động cuộc kháng chiến vệ quốc hào hùng trên đất này cách nay tròn nửa thế kỷ, khiến người xem bồi hồi xúc động.

Mỗi hiện vật như một nhân chứng gắn với từng con người, từng sự kiện trải dài trên mảnh đất Lâm Đồng - Tuyên Đức, từ nội thành đến chiến khu; từ học sinh - sinh viên, Nhân dân Đà Lạt đến đồng bào các dân tộc thiểu số vùng lên đánh Mỹ. Đó là lá cờ Đảng do đồng chí Trương Ngọc Châu may để chuẩn bị cho ngày thành lập Chi bộ An Hòa năm 1966; cờ Tổ quốc do mẹ đồng chí Ba Tư tặng đồng chí Minh; bức thêu “Việt Nam thống nhất” của đồng chí Huỳnh Chín thêu trong nhà lao Đà Lạt năm 1968 với những bông hoa vòng quanh bản đồ Việt Nam trải dài hình chữ S và 4 con chim bồ câu mang khát vọng hòa bình, thống nhất.

Cuộc kháng chiến đi đến ngày toàn thắng là thành quả của sức mạnh đoàn kết, quân và dân một lòng, chia ngọt sẻ bùi, những hiện vật ẩn chứa những câu chuyện: Đó là những hộp, ống thuốc Tây do học sinh - sinh viên tiếp tế cho cách mạng; nắp hầm bí mật của nhà bà Trần Thị Cúc ở Ngô Quyền, TP Đà Lạt dùng để nuôi giấu cán bộ; bếp dầu của chị Lan ở Đa Trung, Phường 3, TP Đà Lạt dùng để nấu thức ăn tiếp tế cho cán bộ dưới hầm bí hầm; nồi của bà Bùi Thị Nhạn ở Đức Trọng dùng để tiếp tế thức ăn cho cán bộ cách mạng tại Tuyên Đức từ năm 1966 - 1975; cối và chày của đồng bào dân tộc K’Ho ở xã K’Long dùng để giã gạo tiếp tế cho cách mạng từ 1968 - 1975; chóe của ông K’Sợt ở Cô Gia, Đức Trọng dùng để đựng gạo tiếp tế cho cách mạng từ năm 1970 - 1975; đôi dép cao su của ông Lê Luyến, xã Đại Lào dùng khi đi tiếp tế lương thực cho đơn vị T29 trong căn cứ từ 1965 - 1968; hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà bà Hồ Thị Nghi ở Trại Hầm, Đà Lạt; xe đạp của ông Lê Quốc Khánh - học sinh Trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt sử dụng để làm giao liên trong nội thành từ năm 1967 - 1968.

Một số hiện vật của tù chính trị như: cờ giải phóng, túi thêu, sổ tay thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Sổ tay của đồng chí Mai Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Di Linh từ 1970; nhật ký của bác sĩ Nguyễn Thị Tấn ở Trạm xá X1 từ năm 1962; nhật ký của dũng sĩ Trần Văn Đính thuộc Đội công tác 870; sổ tự tu của anh hùng liệt sĩ Lê Thị Pha (1942 - 1975) từ 1969 - 1973 cùng hình vẽ những bông hoa một người phụ nữ kiên trung, gan dạ, quả cảm. Bút tích của một thế hệ với những dòng chữ in dấu thời gian, màu mực đã phai, nhưng lý tưởng cao đẹp quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì không bao giờ bị xóa nhòa đã gây cho hậu thế niềm xúc động.

Hình ảnh, hiện vật sống động tái hiện cuộc sống chiến đấu của bộ đội trong chiến khu như hình ảnh Đơn vị Đặc công Đại đội 5, Tiểu đoàn 840 triển khai chiến đấu; Đơn vị nữ Pháo binh 8/3; quang cảnh các chiến sĩ về dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Khu VI; chiến sĩ Tiểu đoàn 200C trên đường ra trận; Tiểu đoàn 186 lên sa bàn chuẩn bị cho trận đánh. Đó là các hiện vật như: Chụp đèn của đồng chí Nguyễn Văn Phố - Phó Tỉnh đội Tuyên Đức dùng để che ánh sáng đèn khi làm việc trong hầm ở chiến khu; cây xà bu, lá bép, hạt gấm là 3 loại thức ăn chính của các chiến sĩ Tiểu đoàn 186 trong những năm gian khổ tại chiến trường Lâm Đồng. Đặc biệt, Tổ hợp tượng tái hiện cảnh sinh hoạt của các chiến sĩ trong chiến khu cách mạng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” cho thấy cuộc sống gian khổ nhưng đầy lạc quan.

Cuộc đấu tranh trên mọi chiến trường, mọi mặt trận qua phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh năm 1966 - 1967 và chống bầu cử độc diễn của Mỹ - Thiệu tại Đà Lạt năm 1971; hình ảnh đội quyết tử học sinh, sinh viên Đà Lạt năm 1966 tại khu Hòa Bình; học sinh, sinh viên đốt Đài Phát thanh Đà Lạt năm 1966; hình ảnh Nhân dân Đà Lạt biểu tình phản đối Mỹ - Ngụy đàn áp học sinh, sinh viên năm 1966 với dòng biểu ngữ “Tổ quốc ghi ơn, sống anh dũng, chết vẻ vang”; hình ảnh đêm không ngủ của học sinh, sinh viên và nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Tuyền tự thiêu tại chùa Linh Sơn để phản đối chiến tranh vào 4 giờ sáng ngày 23/6/1966 gây tiếng vang lớn trong phong trào học sinh, sinh viên toàn miền Nam lúc bấy giờ…
Các loại vũ khí thô sơ tự tạo cùng những đồ dùng đơn sơ là minh chứng cho sự kiên cường vượt qua khó khăn của quân và dân Lâm Đồng chiến đấu và chiến thắng. Đó là bàn chông của đồng bào dân tộc Mạ, Thôn 1, xã Lộc Bắc (Bảo Lâm) dùng chống địch càn quét bảo vệ buôn làng; xà gạc của đồng chí K’Gây rèn và dùng trong thời gian chỉ huy du kích tại Bun Go, Đạ Huoai từ 1963 - 1975; dao của đồng chí K’Gú tự rèn để chặt tre vót chông, làm vũ khí bảo vệ buôn làng từ năm 1961 - 1975...
Cùng với cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, trận đánh tập kích vào Đà Lạt tháng 5/1970 (chiến dịch TK70) là trận đánh lớn, đánh chiếm nhiều mục tiêu, trụ lại 2 ngày 2 đêm, đánh địch phản kích, đón đánh quân tiếp viện, đã diệt gần 1.000 tên địch, phá hủy 17 xe quân sự… đã giáng cho địch một đòn choáng váng. Hiện vật gây chú ý nhất là đuôi máy bay HUIA của Mỹ bị du kích K’Vét xã Lộc Bắc (Bảo Lâm) bắn rơi ngày 7/7/1970 tại căn cứ Lộc Bắc; hình ảnh Đội du kích Xã 4, Lộc Lâm (Bảo Lâm) hân hoan vui mừng trước chiến công bắn rơi máy bay DC3 tại núi Đăng Rlằng.
Tấm băng rôn “Nhiệt liệt hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng” treo tại Hòa Bình ngày 30/4; lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ được treo tại khu Hòa Bình những ngày giải phóng Đà Lạt 3/4 cùng hình ảnh Nhân dân Đà Lạt hân hoan đón các chiến sĩ giải phóng từ chiến khu về tiếp quản thành phố, khiến người xem vỡ òa cảm xúc, đất nước thống nhất, non sông liền một dải.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Lâm Đồng đã ghi công 46 tập thể, đơn vị, cá nhân anh hùng, 131 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 4.000 người con ưu tú của cả nước đã đến, sống, chiến đấu và nằm lại trên đất Lâm Đồng, yên nghỉ tại các nghĩa trang.
Phần trưng bày là một bức tranh toàn cảnh chiến đấu và chiến thắng trên toàn tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức để thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, biết ơn và trân trọng giá trị của hòa bình.
Theo QUỲNH UYỂN (LĐ online)