Nỗi lo dòng sông Pô Kô bị lấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một đoạn sông Pô Kô qua thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) bị lấp dòng khiến nhiều người dân bày tỏ sự lo lắng.

Trước sự việc này, ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu đơn vị đổ lấp dòng sông nhanh chóng trả lại hiện trạng ban đầu.

Thời gian qua, một đoạn của lòng sông Pô Kô qua thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei bị lấp với chiều dài cả trăm mét khiến nhiều người dân nơi đây lo lắng. Theo ghi nhận thực tế, dưới chân kè chống sạt lở của sông xuất hiện bãi đất đá dài khoảng 100m, có đoạn rộng nhất lấn ra lòng sông khoảng 30m; mặt đất cao hơn dòng chảy Pô Kô trên 1m. Việc đổ đất đá này khiến dòng chảy bị nắn dòng về phía bãi bồi bên kia sông. Điều đáng nói hơn, lượng đất đá cao hơn đất sản xuất của người dân phía bên kia lòng sông đã khiến nhiều người dân lo lắng trong mùa mưa tới hoa màu sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng chảy bị thay đổi.

Ông A Nheo (thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei) cho biết, mùa mưa lũ trên sông Pô Kô tại đây chảy xiết. Phía thượng nguồn đổ về thành lũ ống, lũ quét khiến cho cây cối, hoa màu, đất đai của người dân bị cuốn trôi. Nếu lấn dòng ra giữa sông như vậy thì lũ về sẽ xói lở bãi bồi bên kia và nguy cơ cuốn hết hoa màu của người dân trong mùa mưa là khó tránh khỏi.

Còn ông A Hơn (trú tại thị trấn Đăk Glei) cũng bày tỏ sự lo lắng: "Bây giờ phía thôn Đông Sông bị bồi lấp thải cao hơn, nắn dòng nước hướng về vườn cây phía bãi bồi chúng tôi. Vài năm nữa rồi bãi bồi mất đất dần thôi".

Đoạn sông Pô Kô bị lấp khá rộng. Ảnh: P.N

Đoạn sông Pô Kô bị lấp khá rộng. Ảnh: P.N

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô có chiều dài hơn 1,9km, với tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng công trình chống sạt lở đê, phòng chống lụt bão cấp bách. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Tuấn Dũng là đơn vị thi công. Dự án được triển khai từ năm 2009, đến năm 2013 thì tạm ngừng vì nguồn vốn bố trí dự án gặp khó khăn. 6 năm sau, năm 2019, dự án tiếp tục bố trí hơn 11,8 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục cần thiết còn lại nhằm phát huy hiệu quả. Nhà thầu thi công đã tổ chức thi công các hạng mục còn lại và hoàn thành vào cuối năm 2021, đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho địa phương sử dụng. Để bảo vệ kè, năm 2023, nhà thầu thi công đã phải mua đất đá, đổ xuống lòng sông ở chân bờ kè nhằm bảo vệ kè không bị sạt lở khi mùa mưa lũ.

Ngay sau khi các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh về tình trạng lòng sông Pô Kô đoạn qua thị trấn Đăk Glei bị lấp, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra và làm rõ. Ngày 25/6, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh), UBND huyện Đăk Glei, UBND thị trấn Đăk Glei, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Công ty TNHH Tuấn Dũng và các đơn vị liên quan cùng tiến hành kiểm tra thực tế. Ngày 27/6, Sở Tài nguyên Môi trường đã có báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý vụ việc.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra khẳng định, khối lượng đất, đá đổ xuống lòng sông Pô Kô do đơn vị thi công là Công ty TNHH Tuấn Dũng thực hiện để làm đường thi công nhằm khắc phục mái kè do bị sạt lở mùa mưa lũ năm 2022. Đơn vị này cũng thừa nhận việc đổ đất đá trên để bảo vệ kè.

Qua quan sát hiện trường mực nước sông hiện tại thấp nên không làm cản trở dòng chảy sông Pô Kô. Tuy nhiên vào mùa mưa lũ khi mực nước sông dâng cao có thể sẽ làm cản trở dòng chảy sông Pô Kô. Đây có thể được xem là biện pháp tích cực, phù hợp làm giảm thiểu thiệt hại có thể do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, việc đổ đất, đá phải được thu dọn và trả lại hiện trạng ban đầu trước khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đề xuất UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo Công ty TNHH Tuấn Dũng (đơn vị thi công) có trách nhiệm thu dọn, vận chuyển khối lượng đất, đá nêu trên ra khỏi vị trí, khu vực công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô và trả lại hiện trạng ban đầu. Nếu Công ty không thực hiện nội dung đã thống nhất trong biên bản làm việc liên ngành thì tiến hành xử lý theo quy định.

Đoàn cũng đề nghị UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý các hạng mục xây dựng chồng lấn trên phạm vi công trình Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với các dự án có phát sinh chất thải xây dựng đang triển khai thi công trên địa bàn, tránh để trường hợp nêu trên tái diễn.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.