Nở rộ đại lý ô tô ở Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, hãng xe hơi Nissan (Nhật Bản) đã mở đại lý tại TP. Pleiku. Sự xuất hiện của đại lý này đã góp phần làm thị trường ô tô nhập khẩu ở Pleiku thêm phong phú, đa dạng. Hiện tại, trên địa bàn thành phố không chỉ có mặt khá nhiều đại lý của các hãng xe tên tuổi trên thế giới mà ngay trong một hãng cũng có nhiều phân khúc để phục vụ người mua.
Hàng chục hãng xe hơi trên thế giới mở đại lý tại TP. Pleiku, bao gồm các hãng của Hàn Quốc như Hyundai, Kia, Ssangyong, của Nhật như Toyota, Honda, Mazda, Nissan, Mitsubishi, của Mỹ như Chevrolet, Ford, của Pháp như Renault… Thị trường ô tô Phố núi chỉ còn thiếu đại lý của những hãng xe thuộc hàng đỉnh của Đức và Anh như BMW, Mercedes, Volkswagen, Rolls Royce… mà thôi. Những dòng xe của các nước sản xuất ô tô như Ấn Độ, Malaysia đang bắt đầu nhập ồ ạt vào thị trường Việt Nam nhiều khả năng cũng sẽ mở đại lý tại Pleiku trong thời gian tới.
Showroom Mazda Gia Lai (ảnh internet)
Showroom Mazda Gia Lai (ảnh internet)
Theo như người viết bài này tìm hiểu, muốn đầu tư mở đại lý cho một hãng ô tô phải có số vốn không dưới 20 tỷ đồng. Nếu mở đại lý các dòng xe sang thì số vốn bỏ ra còn cao hơn nhiều. Đồng vốn bỏ ra không hề nhỏ nhưng tại sao các đại lý ô tô tại Pleiku vẫn đua nhau mọc lên?
Trả lời câu hỏi này, một người bạn của tôi hiện làm đại lý cho một hãng xe nổi tiếng của Nhật cho biết, khoản lợi nhuận trước hết đại lý được hưởng chính là khoản chiết khấu 4-9% giá trị xe mà các hãng áp dụng. Nếu hãng xe có tên tuổi, được nhiều người ưa chuộng, bán được nhiều thì mức chiết khấu phổ biến là 4-6%; còn những hãng kém tên tuổi, ít người mua, số lượng bán ra không nhiều thì mức chiết khấu cao hơn, khoảng 7-9%. Như vậy, nếu bán chiếc xe trị giá 1 tỷ đồng thì đại lý đã được hưởng ít nhất 40 triệu đồng. Một đại lý bán khoảng trăm chiếc xe/năm thì mức chiết khấu là 4-5 tỷ đồng. Và tất nhiên nếu như mức bán ra hàng mấy trăm, thậm chí hàng ngàn chiếc xe thì khoản tiền nhận về cao ngất ngưởng?
Làm đại lý hãng xe ô tô không chỉ hưởng mỗi chiết khấu mà còn có nhiều khoản thu khác nữa. Cụ thể, mỗi chiếc xe bán ra, hãng đã chi trả thêm tiền bảo dưỡng xe. Rồi còn tiền sửa chữa, thay dầu nhớt, thay thế lốp, phụ tùng ô tô…thường cao hơn giá gốc rất nhiều. Chẳng hạn như chiếc mâm đúc hợp kim 16 inch cho xe hạng C, một doanh nghiệp FDI Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam bán 1 triệu đồng. Nhưng khi đóng thương hiệu hãng xe tên tuổi vào và về đến đại lý thì giá bán lẻ chiếc mâm đúc này tăng lên trên 3 triệu đồng. Đó mới chỉ là mâm xe. Nếu như xe sang chính hãng mà mất chìa khóa thông minh hay bị hỏng túi khí… thì tiền phải bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí có loại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Song song với sự xuất hiện của các đại lý ô tô thì các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tư nhân cũng nổi lên và bắt đầu có dấu hiệu cạnh tranh hoạt động với các đại lý. Trên các tuyến đường: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành, Lê Thánh Tôn, Lý Thái Tổ… đều có các cơ sở sửa chữa, trung tu, đại tu ô tô. Chủ một cơ sở có tiếng trên đường Phan Đình Phùng cho biết đã chi nhiều tỷ đồng để mua sắm, nâng cấp các thiết bị máy móc sửa chữa ô tô như: cầu nâng, phòng máy sơn sấy, máy cân bằng động bánh ô tô, máy chẩn đoán lỗi, máy chỉnh mâm…
Nhiều đại lý ô tô cùng hiện diện ở một địa phương là dấu hiệu đáng mừng. Bởi nó chứng tỏ sức mua của thị trường và qua đó cũng thể hiện đời sống vật chất của người dân đã được nâng cao, nhu cầu đi lại và hưởng thụ cũng cao hơn trước.
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Tới thời của xe 'xanh'

Tới thời của xe 'xanh'

Ứng dụng công nghệ xanh là xu hướng tất yếu, buộc các hãng xe bảo thủ như Subaru, Honda... cũng phải nhanh chóng chuyển đổi.

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

36.585 xe ô tô được bán ra trong tháng 9

(GLO)- Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 9-2024, tổng doanh số ô tô của các đơn vị thành viên bán ra thị trường Việt Nam đạt 36.585 xe (tăng 45% so với tháng 8-2024).