(GLO)- Phong trào xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hội viên Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm qua đã được cán bộ, hội viên Cựu chiến binh đồng tình hưởng ứng, nhờ đó mỗi năm đã có hàng chục ngôi nhà mới được trao tận tay hội viên đảm bảo tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, khung cứng, mái cứng.
Ngôi nhà mà gia đình cựu chiến binh Phạm Văn Đích (thôn Ninh Hòa, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông) sống trước đây được làm bằng thưng ván, mái lợp tôn nhưng do sử dụng lâu năm mà chưa được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Thưng ván mục nát, ngôi nhà nhìn xiêu vẹo và có khả năng sập bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa lũ. Song vì già yếu, phần do kinh tế gia đình quá khó khăn nên mãi đến năm vừa qua, được sự giúp đỡ của các cấp Hội Cựu chiến binh, giấc mơ về một ngôi nhà chắc chắn để “che nắng, tránh mưa” của cựu chiến binh này mới được toại nguyện.
Ảnh: Anh Huy |
Cũng giống như đồng đội của mình, nữ cựu chiến binh Ksor Phơk (làng Myah, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) đã từng sống nhiều năm trong căn nhà mà bốn bề chỉ được quây tạm bằng những tấm tôn rách. Ngày nắng thì nóng hầm hập, ở trong nhà mà ngỡ ngoài trời vì ánh sáng rọi khắp nhà; còn ngày mưa muốn tìm một chỗ khô ráo để che tránh cũng khó. Dành dụm nhiều năm nhưng bà vẫn chưa đủ tiền để dựng lại ngôi nhà cho chắc chắn, dù nhỏ. Những tưởng đến cuối đời giấc mơ về ngôi nhà mới vẫn chẳng thể thực hiện nhưng được sự giúp sức của Hội Cựu chiến binh tỉnh, bà đã được toại nguyện khi bước sang tuổi 64…
Đây chỉ 2 trong hàng trăm ngôi nhà đã được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ xây dựng từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội” do cán bộ, hội viên trong tỉnh đóng góp trong nhiều năm qua. Chỉ với 20 ngàn đồng/hội viên/năm, nhưng “góp gió thành bão”, số tiền ấy đã kịp thời giúp đỡ cho nhiều hội viên nghèo vượt qua khó khăn, yên tâm ổn định cuộc sống. Là một trong những huyện có tỷ lệ đóng góp quỹ “Nghĩa tình đồng đội” đạt cao, ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Chư Prông, chia sẻ: Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các hộ gia đình khi phải sống trong những ngôi nhà tạm, năm 2015, thay vì vận động hội viên đóng góp vào quỹ “Nghĩa tình đồng đội” 20 ngàn đồng/người thì Hội đã phát động mỗi hội viên đóng 25 ngàn đồng; riêng cán bộ Hội thì đóng 200 ngàn đồng/người. Phong trào đã được cán bộ, hội viên hưởng ứng nhiệt tình và số tiền mà Hội thu được là 98 triệu đồng. Hội đã chuyển về quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh tỉnh 64 triệu đồng (đạt 106,54%), số còn lại, Hội trích 15 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà đồng đội cho cựu chiến binh Trần Thị Thanh (xã Ia Drăng). Theo ông Mai Khắc Tuấn, mục tiêu mà Hội Cựu chiến binh huyện đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ xóa xong 18 nhà dột nát còn lại.
Nói về phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên cựu chiến binh nghèo, ông Hoàng Xuân Khoát-Trưởng ban Kinh tế Hội Cựu chiến binh tỉnh, cho biết: Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm, Hội đã hỗ trợ xóa được 40 nhà dột nát cho hội viên từ nguồn quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Riêng năm 2015, cán bộ, hội viên trên toàn tỉnh đã đóng góp vào quỹ “Nghĩa tình đồng đội” được 630 triệu đồng, dự kiến số tiền này sẽ hỗ trợ cho 63 hộ gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và vẫn đang sống trong những căn nhà dột nát. Bên cạnh đó, Hội cũng đã liên hệ với Hội Cựu chiến binh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và dự kiến đến cuối năm 2015, Hội này sẽ hỗ trợ kinh phí để xây dựng 10 căn nhà cho hội viên. Ngoài ra, Hội cũng vận động 14 Câu lạc bộ “Cựu chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi” của các huyện, thị xã, thành phố, mỗi câu lạc bộ sẽ hỗ trợ xóa một nhà dột nát cho hội viên. Điển hình, đến nay đã có câu lạc bộ sản xuất-kinh doanh giỏi của huyện Chư Prông vận động được 33 triệu đồng và đang tiến hành rà soát, chọn hộ gia đình để hỗ trợ xây dựng nhà từ số tiền trên.
Cũng theo ông Khoát, phong trào xóa nhà dột nát cho hội viên còn được Hội đưa vào nghị quyết chuyên đề về “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình”, trong đó “2 xóa” gồm: xóa nhà dột nát, xóa nghèo. Đồng thời, Hội cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động hướng về cơ sở, kịp thời giúp đỡ những gia đình hội viên nghèo, gia đình chính sách… Tuy nhiên, hiện nay số hội viên vẫn đang phải ở trong những ngôi nhà tạm, nhà cũ kỹ còn khá nhiều-304 hộ, tập trung nhiều ở các huyện: Kông Chro, Kbang, Krông Pa… Vì vậy, thời gian tới, vẫn cần lắm sự chung tay giúp sức từ cán bộ, hội viên và các tấm lòng hảo tâm để có thể tri ân với những người đã từng cống hiến cho quê hương, đất nước.
Anh Huy