Niềm vui bên những cây cầu mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những cây cầu nối đôi bờ sông Đăk Bla không chỉ mang lại vẻ đẹp mới cho không gian đô thị mà còn rút ngắn khoảng cách, đem lại lợi thế, giúp các thôn làng, xã phường trên địa bàn thành phố ngày càng khởi sắc.

 

Những cây cầu vừa là điểm nhấn cho không gian đô thị vừa mở ra kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc. Ảnh: HT
Những cây cầu vừa là điểm nhấn cho không gian đô thị vừa mở ra kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc. Ảnh: HT



Chỉ về cây cầu Trung tâm hành chính, cô Y Vi ở làng Kon Hra Ktu, xã Chư Hreng nói rằng, trước đây, cô chẳng mấy khi qua trung tâm thành phố. Thế nhưng, từ ngày có cây cầu mới, từ Chư Hreng ra phố chỉ mất dăm phút chạy xe máy nên cô hay cùng gia đình qua đó để mua đồ đạc phục vụ cho việc sản xuất.

Cô Vi kể: Mình sinh ra và lớn lên ở Kon Tum. Mình nhớ, năm 2009 thành lập thành phố, thành phố vẫn còn nghèo lắm, đường xá chưa đẹp đẽ như bây giờ. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Có cầu mới, vừa đẹp, vừa thuận tiện, mình qua phố dễ dàng hơn, mua bán cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Không riêng cô Y Vi, ở xã Chư Hreng, ai nấy đều phấn khởi trước sự đổi thay của từng thôn, làng ở xã cũng như ở các phường nội thị. Không phấn khởi sao được khi thu nhập bình quân của người dân đã đạt 41 triệu đồng/người/năm; 80% các tuyến đường ở thôn, làng đều được nhựa hóa, bê tông hóa.

Ông Đào Văn Chinh - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng vui mừng nói rằng, từ việc khó khăn trong đi lại, sản xuất, nay đường sá, cầu cống phát triển, người dân thuận tiện trong đi lại mua bán, sản xuất nên đời sống thay đổi rõ rệt. Ông cho biết, cây cầu Trung tâm hành chính đã kết nối giữa các vùng, khu dân cư, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung và người dân trên địa bàn xã nói riêng. Đường sá phát triển, cầu thông xe, ngoài việc làm nông, người dân trên địa bàn xã còn chuyển sang trồng rừng, làm du lịch, kinh doanh nên thu nhập tăng lên. Cùng với đó, nhận thức của người dân cũng thay đổi theo hướng tích cực.

Không riêng người dân ở xã Chư Hreng, người dân ở phường Nguyễn Trãi cũng vui mừng trước sự thay đổi rõ rệt của thành phố. Nhìn về phía cây cầu bắc qua sông Đăk Bla trên khu vực đập tràn từ Ngục Kon Tum sang phường Nguyễn Trãi chuẩn bị hoàn thành, bà Nguyễn Thị Sương ở tổ 1, phường Nguyễn Trãi phấn khởi nói: Kon Tum nay khác xưa nhiều lắm rồi! Cầu này mà thông xe, cảnh sắc hai bên bờ sông sẽ thay đổi nhiều hơn nữa.

Sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, 75 năm qua, bà Sương chứng kiến thành phố vươn lên trong gian khó. Bà kể, trước đây, muốn buôn bán, người dân chỉ có cách đi bộ, gánh hàng hóa về phía cầu Đăk Bla để ra trung tâm thị xã. Bây giờ, khu đô thị phía nam Đăk Bla sầm uất, đường nhựa thẳng tắp, việc mua bán dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt, bây giờ, khi cầu xây lên, người dân bên này sông Đăk Bla cũng có điều kiện để nâng cao đời sống.

Chung niềm vui mừng, người dân ở xã Vinh Quang và xã Đoàn Kết cũng ngày đêm ngóng trông cây cầu nối giữa xã Vinh Quang và Đoàn Kết sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ông A Laih, xã Vinh Quang nói rằng, ruộng lúa, rẫy mì của nhà ông đa số đều nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết. Hàng ngày, việc qua khu vực sản xuất rất khó khăn. Ông mong cầu hoàn thành, để việc đi lại sản xuất thuận tiện hơn.

Còn người dân tại xã Đoàn Kết thì cho rằng, những cây cầu nối đôi bờ Đăk Bla đã rút ngắn khoảng cách, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc giao thương, mua bán nông sản, không chỉ thế, còn đem lại lợi thế phát triển cho địa phương. “Những cây cầu nối đôi bờ đã giúp giá trị đất được nâng cao, mở ra thêm cơ hội phát triển về mọi mặt cho người dân. Chúng tôi thật sự rất vui mừng” - ông Nguyễn Văn Hùng, xã Đoàn Kết bộc bạch.

Từ một cây cầu Đăk Bla - huyết mạch nối vào thành phố, đến nay, những cây cầu mới nối đôi bờ dòng sông chảy ngược vừa là điểm nhấn cho không gian đô thị, vừa mở ra kỳ vọng về sự phát triển vượt bậc cho thành phố trẻ.           


https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/niem-vui-ben-nhung-cay-cau-moi-23307.html

Theo HOÀI TIẾN (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null