Những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp thành công ở Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hưởng ứng phong trào phụ nữ tích cực lao động và sáng tạo, trên địa bàn huyện Chư Pưh đã xuất hiện nhiều tấm gương khởi nghiệp điển hình. Không chỉ từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, họ còn góp phần tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho chị em phụ nữ ở địa phương.
Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc
Giữa năm 2016, chị Trương Thị Bé (làng Phung, xã Ia Phang) đã tận dụng một số loại hạt sẵn có trong nhà đem rang xay để uống nhằm cải thiện chất lượng nguồn sữa nuôi con nhỏ. Nhận thấy hiệu quả sau một thời gian sử dụng, chị bắt đầu giới thiệu cho nhiều người cùng dùng. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đặt chị làm bột ngũ cốc. Từ đó, chị quyết định thử sức kinh doanh mặt hàng này.
“Những mẻ ngũ cốc đầu tiên của tôi gồm 9 loại hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, đậu đỏ, đậu nành, đậu ngự, đậu cua, mè đen và hạnh nhân. Sau khi rửa sạch, phơi khô, tôi đem rang củi từng loại hạt rồi xay nhuyễn, trộn lại với nhau theo một tỷ lệ dinh dưỡng thích hợp. Thành phẩm được cho vào hộp nhựa và bán với giá 150.000 đồng/kg”-chị Bé cho hay.
Ngoài giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, chị Bé còn tích cực tuyển cộng tác viên bán hàng để mở rộng thị trường. Chị cũng tham gia các hội chợ, lớp tập huấn liên quan đến phụ nữ khởi nghiệp nhằm tích lũy kinh nghiệm, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ.
Đến nay, chị Bé có khoảng 13 khách sỉ cố định và hàng trăm khách lẻ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Trung bình mỗi tháng, chị bán 300-500 kg bột ngũ cốc. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chị trồng gối vụ hơn 3 ha đậu các loại. Đồng thời, chị đầu tư hơn 30 triệu đồng mua máy rang hạt, nghiền bột.
Chị Trương Thị Bé (làng Phung, xã Ia Phang) với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng của mình. Ảnh: Mộc Trà
Chị Trương Thị Bé (làng Phung, xã Ia Phang) với sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng của mình. Ảnh: Mộc Trà
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, chị Bé đã cải tiến và bổ sung một số loại hạt vào thành phần bột ngũ cốc như: yến mạch, óc chó đỏ, óc chó vàng, hạt chia, mắc ca, hạt bí xanh, mè trắng. Nhiều dòng sản phẩm khác nhau cũng lần lượt ra đời, từ ngũ cốc dinh dưỡng tổng hợp dành cho mọi đối tượng; ngũ cốc lợi sữa dành cho phụ nữ sau sinh; ngũ cốc cho bà bầu; ngũ cốc tăng cân, giảm cân đến ngũ cốc dành cho người ăn kiêng, bị tiểu đường; trà ngũ cốc lá sen thanh lọc cơ thể... Tất cả đều được chị chế biến theo công thức riêng, nhận được phản hồi tích cực từ đông đảo khách hàng gần xa, doanh thu 150-200 triệu đồng mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Quế Trinh (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Từ một khách hàng trải nghiệm sản phẩm, tôi đã lựa chọn bột ngũ cốc của chị Bé để kinh doanh gần 4 năm nay. Cứ 3-4 ngày, tôi lại nhập 20-30 kg bột ngũ cốc về bán. Ai sử dụng đều hài lòng về chất lượng và hiệu quả. Vì vậy, tôi cũng rất an tâm khi kinh doanh mặt hàng này”.
Thành công nhờ trồng nấm rơm
Tương tự, chị Trần Thị Giơn (thôn Lương Hà, xã Ia Blứ) cũng là một tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Chư Pưh. Năm 2018, nhận thấy trồng hồ tiêu không còn hiệu quả cao, chị Giơn quyết định tìm lối đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, chị đầu tư trồng nấm rơm. Không ít lần thất bại, song chị vẫn kiên trì cho đến khi trại nấm phát triển tốt.
Chị Trần Thị Giơn thường xuyên tham gia các hội chợ để tìm kiếm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Mộc Trà
Chị Trần Thị Giơn thường xuyên tham gia các hội chợ để tìm kiếm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Mộc Trà
“Từ thành công ban đầu, tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ kết nối với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng quy mô trại nấm lên 5.000 m2. Tôi cũng mạnh dạn trồng thêm nấm mèo, bào ngư, linh chi; đồng thời nuôi cấy 40-50 ngàn phôi giống các loại mỗi năm để cung cấp cho những ai có nhu cầu. Nhờ cây trồng này, gia đình tôi thu nhập bình quân hơn 700 triệu đồng/năm; các con tôi cũng có điều kiện học hành hơn”-chị Giơn phấn khởi nói.
Không chỉ vươn lên làm giàu, gia đình chị Giơn còn tạo việc làm ổn định cho 5-10 lao động tại địa phương với mức lương hàng tháng trên 5 triệu đồng. Chị cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trồng nấm cho chị em phụ nữ trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chị Giơn cho biết: “Sắp đến, tôi dự định thử nghiệm trồng nấm đùi gà vì thị trường đang khá ưa chuộng. Mặt khác, việc nghiên cứu thủ tục xin đăng ký nhãn hiệu cũng rất cần thiết khi muốn nâng cao uy tín, chất lượng và niềm tin nơi khách hàng; hướng đến việc sản xuất kinh doanh bền vững”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.