(GLO)- Cách đây 5 năm, 10 năm, thậm chí là thời gian cách xa hơn nữa, trên một vài con phố nhỏ xinh của Pleiku đã có sự góp mặt của những “ô chợ”-là những sạp hàng cung ứng gần như đầy đủ các loại nhu yếu phẩm hàng ngày cho mỗi một gia đình. Thậm chí trên một đoạn ngắn có thể có đến 2-3 ô chợ như vậy. Mỗi sáng sớm, chỉ cần dành mươi phút hòa mình trong cảnh bán mua xôn xao tiếng cười ấy, ta lại có thêm những cảm nhận mới về đời sống thường ngày của Phố núi Pleiku.
Sạp hàng của chị Sương luôn được người dân trên đường Hoàng Văn Thụ tin tưởng chọn mua. Ảnh: Thái Bình |
Một chiếc dù cỡ lớn, có nơi là mảnh bạt giăng kỹ càng; hàng hóa được bày trong giỏ, trên những tấm nilon, có nơi là những mảnh gỗ được chủ nhân đóng thành tấm, rộng khoảng 10-15 m2; dựng ngay trước nhà hay bên vỉa hè…; vậy là đã thành một “ô chợ” nhỏ. Gọi là “chợ” cũng bởi, ở đây bán hầu hết các mặt hàng phục vụ cho những bữa cơm thường nhật của mọi gia đình, từ rau củ quả đến thịt, tôm, cua, cá các loại. Đi dọc các tuyến đường của Phố núi, từ Hoàng Văn Thụ, Wừu, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Đường đến Trường Chinh, Lê Duẩn…; đâu đâu cũng có những sạp hàng phong phú và tươi mới hàng hóa đang đợi chờ những mối khách thân quen.
Làm quen với chị Sương bằng cách là khách hàng của chị tại sạp hàng trước số nhà 52, Hoàng Văn Thụ, chúng tôi nhận được những nụ cười tươi và lời chào đon đả: “Em mới mua lần đầu phải không, lựa hàng vào chiếc rổ trước mặt đó, đủ hết rồi chị tính tiền”. Vừa dứt lời chị đã mau mải quay sang những khách hàng bên cạnh: “Bà Hai, hôm nay có tôm ngon bà ạ”. “Ừ, bà thấy rồi, mua thêm lạng tôm về nấu canh bầu, bầu hôm qua vẫn còn”. “Dạ, để con chọn tôm tươi cho bà. Chị Hương xem còn muốn mua thêm gì giùm em không…”. “Mai nhé, hôm nay rau thịt thế đủ rồi…”.
Lắng nghe câu chuyện ấy, tự nhiên chúng tôi thấy mến yêu hơn người phụ nữ đã có gần 10 năm chọn góc phố này làm nơi bươn chải để chăm lo cho cuộc sống gia đình. Thấy chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến chuyện giá cả, mặt hàng nào cũng hỏi thăm, bà Hai (nhà ở 46, Hoàng Văn Thụ)-một khách hàng thường xuyên của chị Sương nói: “Tôi mua ở đây từ khi cô Sương bắt đầu bán, hồi đầu cũng kỳ nèo giá, cũng so sánh với hàng ngoài chợ dữ lắm nhưng giờ thì không cần nữa bởi luôn biết hàng của cô ấy tươi, ngon, giá phải chăng, lại không sợ thiếu cân thiếu lạng…”. Còn với chị Sương thì: “Bán hàng mà nói không coi trọng chuyện lờ lãi thì không đúng, nhưng với tôi, việc được khách hàng tin tưởng, đến với mình hàng ngày quan trọng hơn. Vì vậy, khi cất hàng từ chợ đêm, tôi lựa những mối hàng quen, ngon, giá cả phải chăng, sao cho khi bán lại cho khách, hàng của tôi cũng ngang với giá ở ngoài chợ, lúc bán thì thêm chút ớt, chút hành hoa cho khách, khách quen thì có thể bán chịu để giữ bạn hàng”.
Các sạp bán hàng được người dân tin tưởng chọn mua như sạp của chị Sương góp mặt nhiều hơn ở khu vực gần Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và dọc các tuyến đường: Võ Trung Thành, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Đường (phường Ia Kring)…; khách hàng chủ yếu là sinh viên. Chị Ngân-một người bán hàng trên đường Võ Trung Thành cho biết: “Cứ chừng 7 giờ sáng là tôi bắt tay vào sắp xếp những bó rau, rổ củ quả, cá thịt các loại và đầy đủ các loại gia vị để sinh viên tha hồ lựa chọn cho bữa trưa, bữa chiều. Tôi luôn cố gắng tìm những mối bỏ tất cả các loại thức ăn từ thịt, cá, rau củ quả… có giá rẻ nhất để bán lại cho các bạn sinh viên với giá cả vừa với túi tiền mà vẫn đảm bảo tươi, ngon và an toàn”.
Đối với các sinh viên, những sạp hàng bán thức ăn gần trường hay gần khu nhà trọ luôn mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm được thời gian và phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên. Bạn Đàm Thị Phương (sinh viên năm 3, Khoa Giáo dục Mầm Non, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) cùng bạn chung phòng trọ đang chọn mua thức ăn ở một sạp hàng trên đường Nguyễn Đường vui vẻ nói: “Những sạp hàng thế này rất tiện lợi cho chúng em, đặc biệt là những ngày phải học hai buổi, có ít thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi. Đã gần 3 năm chọn những sạp hàng để đi chợ nên em thấy các loại thức ăn cũng rất phong phú, tươi ngon, chúng em cũng được đổi món thường xuyên chứ không nhàm chán như nhiều người vẫn nghĩ”.
Thái Bình-Nguyễn Giang