Những người "xà beng, cuốc xẻng..."

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơn mưa chiều cuối mùa rớt lại làm tôi và anh Lâm Văn Dương-Tổ trưởng tổ dân phố 4 (phường Hội Phú, TP. Pleiku) dù vội cũng chưa tới được nhà anh Bùi Văn Đợi, nhưng kịp đến nhà anh Nguyễn Văn Tuấn gần đó (đường Lê Thị Riêng, TP. Pleiku). Tận dụng ánh ngày chưa tắt, anh Tuấn tra thêm mấy chiếc cán tre vào lưỡi cuốc mới nhập về cho kịp buổi xuất bán ngày mai.

 

Nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh

Chuyện nghề anh Tuấn kể trong buổi chiều mưa cảm giác buồn buồn nhưng cũng dào dạt cảm tình và thú vị. Người đàn ông 47 tuổi gắn bó với nghề buôn bán dao rựa này đã 15 năm. Sớm ra đời vất vả, theo nghề thợ nề một thời gian, anh bị bệnh khớp, trèo lên giàn giáo đau tay, cầm gạch, cầm bay tô trát một hồi lại càng đau dữ. “Thất nghiệp, thấy người ta làm, tôi đánh tiếng xin theo. Họ đồng ý, vậy là tôi theo nghề này từ đó đến giờ”-anh Tuấn chia sẻ.

Chỉ với 2 chiếc sọt đan bằng sắt, một khung cũng bằng sắt cố định phía sau xe máy, vài chục chiếc cuốc, xẻng, rựa, búa... trọng lượng chừng vài trăm ký cả người, xe lẫn hàng, anh Tuấn và nhóm bạn lên đường. Chia ra các ngả, người xuống Mang Yang, Đak Đoa, người lên Đức Cơ, người tách qua Chư Prông, người theo hướng Chư Pah... bôn ba, len lỏi khắp nơi. Mùa vụ nào cung ứng dụng cụ sản xuất, vật dụng đó. Ví như mùa trồng mì của bà con là tháng 2; thu hoạch cà phê là tháng 11, 12; điều là tháng Giêng, bây giờ là thời điểm thu hoạch lúa mùa..., bà con cần dao vót, cuốc chỉa, cuốc bàn, xẻng, rựa thì nhóm của anh Đợi và Tuấn đều đáp ứng. Địa bàn của nhóm giới hạn ở các huyện phía trên đèo Mang Yang. Nói vậy chứ chỗ gần cũng năm ba chục cây số, chỗ xa thì có đến cả trăm cây số mỗi ngày.

 Anh Bùi Văn Đợi chuẩn bị lên đường đi bán hàng. Ảnh: T.S
Anh Bùi Văn Đợi chuẩn bị lên đường đi bán hàng. Ảnh: T.S



Một chiếc xe máy, gia cố lốp loại tốt không ruột tráng thêm lớp keo chống thủng, thêm ít đồ sơ cua dọc đường, chỉ cần vậy là có thể đến với một cái nghề kiếm sống như nhóm của anh Tuấn. “Đứng ở ngã ba, ngã tư các làng vùng sâu, vùng xa, mỗi sáng nếu “vô mánh” có thể kiếm 400-500 ngàn đồng sau khi trừ chi phí xăng xe, cơm nước”-anh Tuấn nói. Khi bà con lên xe công nông đi làm đồng, lên rẫy thì cũng là lúc người bán thu gom đồ đạc quay về.

Buôn bán, làm ăn lâu dài với bà con, quan trọng nhất là trung thực, không được gian dối là đúc kết của anh Đợi. Nếp sống, nếp nghĩ, văn hóa người bản địa có vẻ từ lâu đã thấm sâu vào những người này. Họ chẳng những rành tiếng đồng bào mà còn cả phong tục, tập quán. Địa bàn thân thuộc của anh Tuấn là các làng xã Biển Hồ (TP. Pleiku) và xã Glar, Hnol (huyện Đak Đoa). “80% người dân Glar biết tôi, cả số điện thoại”-giọng anh Tuấn chắc nịch.

Dẫn tôi lại đống hàng ngổn ngang, anh Tuấn giảng giải: “Dao nhỏ dùng vót nan đan gùi, vách liếp, có giá 30-50 ngàn đồng/cái, cuốc nhỏ 25 ngàn đồng (dùng cho trẻ con hay để cào cỏ gốc cây hồ tiêu), cuốc lớn loại tốt 400 ngàn đồng/cái, cuốc chỉa 130-300 ngàn đồng/cái, búa bửa củi 60-120 ngàn đồng/lưỡi, xẻng 75-200 ngàn đồng/cái... Mỗi món lãi dao động 5-50 ngàn đồng. “Hàng hóa phải đảm bảo, nếu phát hiện lỗi của người bán thì khắc phục miễn phí”-anh Tuấn nói thêm.

Nghề không nhiều người lựa chọn

Mỗi sáng, nép bên đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku) đoạn gần trụ sở Công an phường Hội Phú có chừng 5-7 chiếc xe máy gắn giỏ nào là dao rựa, cuốc xẻng... Nhóm của anh Tuấn, Đợi, vợ chồng Vinh, vợ chồng Lý, anh Thễnh... gần như hôm nào cũng cà phê tại đây trước khi chia nhau lên đường tỏa về các nơi. Hình ảnh hàng xe máy chở đầy cuốc xẻng, dao rựa làm lụng trở nên quen thuộc và có phần vui vui trong mắt người mỗi sớm mai.

Chịu khó chịu khổ nhưng các anh đối mặt với khó khăn ngày một nhiều thêm. Nếu trước kia dư dả, hư hỏng lưỡi dao lưỡi cuốc có thể mua cái mới thay thế thì nay bà con nhờ lò rèn đánh sửa, khắc phục. Cái thời “một người bán vạn người mua” đã không còn, xã hội bây giờ có xu hướng nhà nhà, người người khởi nghiệp, kinh doanh. Thôn làng đồng bào nào giờ ít nhất cũng vài hàng quán án ngữ đầu hoặc cuối làng, cái rựa con dao dĩ nhiên không thiếu. Rồi hàng hóa nhập ngoại, trong nước về nhiều. Các cơ sở trui rèn công nghệ, máy móc hiện đại ở khu vực Hàm Rồng (TP. Pleiku), chợ Đak Đoa mọc lên, làm đai cuốc đúc giá rẻ khiến những người buôn bán nhỏ như nhóm của anh Tuấn rất khó cạnh tranh.

Trong nhóm, anh Đợi là người thâm niên trong nghề lâu nhất, chừng 20 năm. Anh Đợi cho hay, có một thời gian, khi nông sản được giá được mùa, nghề ít ai biết này thực ra là nghề buôn may bán đắt, sắm được cả chỉ vàng mỗi ngày! Đổ hàng ra bán chỉ vài chục phút là hết ngay. Vì người bán ít, người mua nhiều. Anh phải lên lịch gom hàng và phân phối cụ thể cho từng nơi mà cũng không đáp ứng hết. Kết hợp mua bán hàng, trao đổi, mùa nào thức ấy, mùa sầu riêng mua/đổi sầu riêng, mùa đậu đỗ mua/đổi đậu đỗ..., anh mang về cho vợ bán kiếm lời. Từ khó khăn, gia đình anh Đợi đã thành đủ ăn, thêm phần tích lũy, 3 đứa con đều ăn học tử tế.

Khác với nhiều người đang sống được với nghề, anh Tuấn có phần vất vả. Ở cạnh nhà mẹ nhưng lọt thỏm phía sau, lâu rồi anh Tuấn chưa thể hoàn chỉnh ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của mình. Nhỏ hẹp, chật chội, vợ chồng anh và 4 đứa con đang chen chúc trong diện tích hơn 30 m2. Mấy năm nay, vợ anh chẳng may bệnh nặng, phẫu thuật đến 5 lần mà chưa thuyên giảm. Món nợ vay mượn chữa bệnh cho vợ cả trăm triệu đồng vẫn còn treo. Trong khi đó, đứa con thứ 2 trí tuệ kém phát triển, gia đình cũng chưa thể đưa đi thăm khám, kiểm tra nguyên nhân. “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. May mắn là được gần anh em đỡ đần sớm tối. Chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm khi có đoàn từ thiện thì dành cho chai dầu ăn, thùng mì tôm, ký đường; cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Nhà chùa vẫn dành cho gia đình tôi sự yêu thương từ bi quý báu. Có sức khỏe để bán buôn nuôi sống gia đình, chữa bệnh vợ con, đó là mong ước của tôi”-anh Tuấn tình thật.

...Đã hẹn cà phê sớm để cả nhóm tranh thủ lên đường nhưng sáng nay chỉ có anh Đợi, Lý, Sang mà không thấy anh Tuấn và anh em khác. Có phần thắc mắc thì anh Đợi phỏng đoán hôm nay trời đẹp nên có thể anh Tuấn đã tranh thủ lên đường. Thôi thì mừng một ngày mới và chúc anh em “ăn nên làm ra” với cái nghề còn có người cần, cho mình thu nhập nhưng không ít “trần ai cuốc chỉa” này.

 

 THẤT SƠN

 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:

 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy

 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.