30 năm gắn bó, linh mục Nguyễn Văn Khi đã mang đến cho những cụ già cô độc một mái ấm hạnh phúc vào những ngày tháng cuối đời
"Cha cố ơi!", "Cha cố có khỏe không?", "Cha cố hết bệnh chưa?", "Cha cố có nhớ con không?"... Những câu hỏi như thế cứ liên tục vang lên khi linh mục Nguyễn Văn Khi, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM, bước vào căn phòng ở Nhà dưỡng lão tình thương Tân Thông (huyện Củ Chi).
Tuổi già không buồn tủi
Nhà dưỡng lão xây dựng đơn giản mà khang trang, sạch sẽ. Khung cảnh thoáng mát và êm ả, thỉnh thoảng vang lên tiếng nói cười huyên thuyên của các cụ. Những cụ già 70, 80 tuổi không nhớ tên mình, không nhớ mình ở đâu nhưng nhắc đến linh mục Nguyễn Văn Khi là họ biết. "Cha cố thương chúng tôi lắm!" - họ thường nói về ông như thế.
Cụ Nguyễn Thị Nga kể lúc trước bà không nhà, không người thân nên sống nhờ nhà một người bạn. Nhưng cũng không thể ở nhờ mãi nên khi biết có Nhà dưỡng lão tình thương Tân Thông, bà đã chủ động xin đến đây.
"Lúc đầu, tôi khó ở lắm, lạ chỗ, lạ người, chẳng quen ai. Cha cố đến động viên miết. Mặc dù bận nhiều việc nhưng lúc nào cha cũng dành thời gian hỏi thăm. Hổm rày cha cố bị bệnh nhưng vẫn xuống. Nhờ tình thương yêu, động viên của cha cố mà giờ tôi yên tâm sống những ngày cuối đời ở đây" - cụ Nga nói.
Linh mục Nguyễn Văn Khi hỏi thăm, chăm sóc người già tại Nhà dưỡng lão tình thương Tân Thông
Mọi người đều có hoàn cảnh na ná nhau nên dễ cảm thông và chia sẻ. Không nhớ hết nhưng cụ Nga cũng biết tên, tuổi nhiều cụ. Có cụ vừa mới đến hoặc chẳng may qua đời. Có nhiều cụ lang thang, không ai thu nhận nhưng đến đây, cha cố chưa bao giờ từ chối. "Tuổi già nhưng không cô đơn, không buồn tủi bởi nơi đây có cha cố, các nữ tu và mấy bà bạn sớm hôm cùng mình" - cụ Nga bộc bạch.
Nữ tu Trần Thị Linh tự hào gọi cha cố là ông ngoại bởi xem cha cố như người thân. Tuy công việc chăm sóc các cụ nửa tỉnh nửa mê không hề đơn giản nhưng các nữ tu chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ hay muốn chuyển chỗ khác. "Cha cố luôn dạy chúng tôi yêu thương và phục vụ, người nào khổ hơn mình thì mình lo. Nhìn và cảm nhận những việc cha cố đã làm cho các cụ già neo đơn, chúng tôi thấy sự yêu thương hiện diện ở nơi đây" - nữ tu Trần Thị Linh chia sẻ.
30 năm gieo hạt yêu thương
Là người sáng lập Nhà dưỡng lão tình thương Tân Thông, linh mục Nguyễn Văn Khi không khỏi bùi ngùi, đứt quãng nhiều lần khi kể về quãng đường thăng trầm 30 năm của nhà dưỡng lão.
Khởi đầu từ tháng 8-1988, trong lúc đi làm mục vụ của linh mục chánh xứ Tân Thông, ông đã gặp đôi vợ chồng già sống đơn chiếc trong một túp lều ở bờ ruộng. Hình ảnh ấy khiến ông day dứt và suy nghĩ phải làm gì đó giúp họ. Sau cuộc gặp gỡ trên, linh mục Nguyễn Văn Khi đã bàn với giáo xứ tìm những cụ già neo đơn về chăm sóc. Giáo xứ đón đôi vợ chồng già và 3 bà lão neo đơn về ở tạm trong 5 căn nhà lá nhỏ. Các cụ tự phục vụ về ăn, ở với sự hỗ trợ của bà con giáo xứ Tân Thông.
Bốn năm sau, do bất cẩn trong sinh hoạt, các cụ bà gây ra trận hỏa hoạn. Trong chớp mắt, 5 căn nhà lá bị thiêu rụi, một cụ ông thiệt mạng. Không muốn sự việc đau lòng trên xảy ra lần nữa, linh mục Nguyễn Văn Khi đã mạnh dạn đề nghị chính quyền bố trí một mảnh đất sau giáo xứ Tân Thông làm nơi an cư cho các cụ.
Ban đầu, nhà dưỡng lão đơn sơ, còn các cụ già được chăm sóc theo kiểu đơn giản, đau ốm gì cũng chỉ cạo gió. Khi nào trong nhà dưỡng lão hết tiền, hết gạo, linh mục lại đi mua chịu. Biết linh mục làm điều tốt nên bà con ai cũng sẵn lòng bán, có người vừa bán vừa cho, có người cho không. Rồi nhiều người mang tiền đến.
"Chính những tấm lòng hảo tâm ấy đã giúp nhà dưỡng lão duy trì, vượt qua những thời điểm khó khăn, sóng gió tưởng chừng phải từ bỏ" - linh mục Khi nhớ lại.
Khi có chút tiền, ông thay nền đất thành xi-măng rồi thay vách lá bằng tường. Cứ thế, những mái tranh ban đầu dần được thay thế bằng nhà xây có mái tôn, cơ sở khang trang hơn trước, các cụ không bị mưa gió.
Chỗ ở đã xong nhưng linh mục Nguyễn Văn Khi chưa hết nỗi lo. Không thể để các cụ tự chăm sóc nhau mãi được bởi hơn phân nửa các cụ bị liệt giường, có cụ bị mù, kém trí não, nổi bướu đầy người, ngồi lết không đứng được; có cụ bị bệnh do chất độc da cam hoặc chỉ nằm một chỗ. Khi biết chuyện, đã có khoảng 20 nữ tu tình nguyện đến nhà dưỡng lão phục vụ các cụ, trong đó có cả những nữ tu là y sĩ. Nhờ đó, các cụ được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, y tế lẫn tinh thần.
Qua 30 năm, Nhà dưỡng lão tình thương Tân Thông đã tiếp nhận, chăm sóc 204 cụ, trong đó 115 cụ đã qua đời. Linh mục Nguyễn Văn Khi cho biết các cụ ở đây từ 65 tuổi trở lên đều 3 "không": không tiền, không nhà, không người thân. "Nếu ai có 1 trong 3 điều kiện trên thì tôi sẽ không nhận" - linh mục Nguyễn Văn Khi nói.
Tuổi đã cao, linh mục Khi vẫn nhớ tên từng người, từng hoàn cảnh, thậm chí cụ này mắc bệnh gì, cụ kia khó ăn ra sao. Đến thăm phòng các cụ ở, linh mục giới thiệu cặn kẽ tên, tuổi, hoàn cảnh: "Cụ này tên Liên, cụ kia tên Miên. Chúng tôi hay gọi là Liên Miên". Cầm tay một cụ nổi mụn cóc đầy người, linh mục trấn an mụn cóc này không lây, không ngứa.
"Những điều tôi làm chẳng có gì lớn lao. Đời tu là tận hiến - hiện thân phục vụ; gắn bó, chia sẻ với người nghèo" - linh mục nói về công việc ông kiên trì 30 năm qua.
Lan tỏa tấm lòng Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi Trương Thị Mỹ Hạnh cho biết từ thiện xã hội là một trong những hoạt động hiệu quả, nổi bật nhất của đồng bào Công giáo trên địa bàn thời gian qua. Điều đó minh chứng đồng bào Công giáo luôn ý thức vai trò, trách nhiệm, "sống tốt đời đẹp đạo". Linh mục Nguyễn Văn Khi là một điển hình, một hiện thân sống động về điều đó. "Âm thầm, lặng lẽ, linh mục đã giúp biết bao cụ già neo đơn có mái ấm để nương tựa cuối đời. Một việc làm rất đáng trân trọng" - bà Hạnh nhận xét. |
Kỳ tới: Nữ cán bộ cảm hóa người lầm lỡ
Phan Anh (Người Lao Động)