Những con sông nối 2 miền đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum “núi liền núi, sông liền sông”. Do vậy, nếu bày chuyện nói về núi sông giữa 2 tỉnh này thì… cả ngày không hết! Dẫu vậy, cũng xin điểm qua vài con sông nối liền giữa 2 miền đất, tức phát nguyên từ tỉnh này chảy sang tỉnh nọ và ngược lại.
Nước nguồn Gia Lai
Đầu tiên phải kể đến sông Đak Pơ Ne. Phát nguyên từ chân núi Kông Ngút thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tại làng Kon Kring (xã Kon Pne, huyện Kbang), con sông này gần như chảy toàn bộ về địa phận tỉnh Kon Tum. Tư liệu trong cuốn “Rừng Người Thượng” (Henri Maitre-in năm 1912) viết về nguồn sông này: “Sông Penè chảy xuống từ núi Kông Ngút-khối núi cũng là nơi phát nguyên sông Ayun”. Từ đây, dòng Đak Pơ Ne ngược mãi về Tây, hết địa phận xã Kon Pne của huyện Kbang thì đến xã Đak Pơ Ne thuộc huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), đến gần cuối huyện Kon Rẫy thì nhập vào dòng Đak Sơ Nghé từ chân núi Ngọc Mên (giáp ranh Quảng Nam) từ phía Bắc chảy về để bắt đầu sông lớn Đak Bla.
Cũng từ núi Kông Ngút thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn có một con sông nhỏ nữa phát nguyên rồi đổ về Kon Tum, ấy là sông Pekey. Tư liệu “Rừng Người Thượng” cho biết: “Từ chỗ Sơ Nghé hợp lưu với Pơ Ne, con sông mang tên là sông Bla (…). Bên dưới đó, phía bờ trái nó nhận thêm sông Pekey từ dãy Kông Ngút chảy xuống”. Điểm hợp lưu này ngày nay thuộc làng Kon Dxing, xã Đak Tơ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) và bên kia là xã Hà Tây, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai).
 Sông Sê San-đoạn chảy qua huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Linh
Sông Sê San-đoạn chảy qua huyện Ia Grai. Ảnh: Phương Linh
Con sông thứ 3 cần nhắc đến là Đak Pơ Tơng, cũng phát nguyên từ phía Gia Lai đổ về Kon Tum. Tư liệu “Rừng Người Thượng” viết: “Từ cửa sông Pekey, sông Đak Bla bắt đầu vào bình nguyên Rơngao, uốn lượn quanh co thất thường (…). Rồi nó nhận thêm từ mạn trái, sông Pơtơng rất đẹp chảy xuống từ núi T. Grong (…). Tại chỗ gặp sông Pơtơng, sông Bla đột ngột đổi hướng chảy về Tây”. Điểm hợp lưu này ngày nay ở làng Kon Tơ Tu (xã Đak Rơ Wa, TP. Kon Tum), sau khi sông chảy qua giữa làng Kon Mah và làng Kon Sơl Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai).
Từ Kon Tum làm “cầu nối” 2 miền
Trong khi đó, Kon Tum cũng là nơi phát nguyên 3 con sông đổ về Gia Lai. Trước tiên là sông Ba. Đã có nhiều đoàn phim tư liệu đi tìm đầu nguồn sông Ba nhưng hầu như chưa ai xác định được cụ thể nơi đầu nguồn của nó. Là cũng do người ta chưa xác định được núi Ngọc Rô “tọa lạc” ở điểm nào qua mấy dòng tư liệu cũ để lại một cách mù mờ, rằng “sông Ba bắt nguồn từ núi Ngọc Rô cao 1.549 m ở mạn Đông Bắc tỉnh Kon Tum”. Rất may mắn, trong chuyến tìm hiểu hệ thống vùng núi mang “họ Ngọc” ở Kon Tum, chúng tôi đến làng Kon Plinh (thôn 7, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thì được người dân chỉ cho ngọn núi cao tên Ngọc Ro. Do cách phát âm tiếng dân tộc thiểu số Tây Nguyên không thống nhất nên chỉ một ngọn núi mà người gọi là Ngọc Ro, người thì đọc Ngọc Rô, lại có chỗ ghi là Ngọc Rơô! Tại khu vực thôn 7 và thôn 8 này có mấy nguồn suối nhỏ chảy về hướng Đông và Đông Nam. Nguồn chảy về hướng Đông thì cắt đường Trường Sơn Đông sang phía Bắc xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thẳng hướng Quảng Ngãi, thành sông Liên (Đak Sơ Liên); có nguồn chảy về phía xã Đak Rong (huyện Kbang) rồi cắt đường Trường Sơn Đông, qua các cầu Đak Lang, Đak Phan… hợp thành đầu nguồn sông Ba. Như vậy, sông Ba phát nguyên từ địa phận Kon Tum rồi chảy hoàn toàn trên đất Gia Lai, Phú Yên rồi đổ ra Biển Đông.
Trong khi đó, sông Sê San được tính từ điểm hợp lưu giữa 2 sông lớn Đak Bla và Pô Kô trên đất Kon Tum. Các tư liệu viết: “Sông Sê San được hợp thành từ 2 nhánh chính: nhánh Pekô ở phía Tây và nhánh Bla phía Đông (…) sau chỗ hợp lưu của sông Bla với sông Pekô…” (sách “Rừng Người Thượng”). Hoặc: “(Sông Pô Kô) khi đến địa điểm dinh điền Plei Krong, quận Kon Tum, thì hợp với sông Dakbla từ phía Đông chảy sang, thành sông Ya Boolah, hay là sông Sésan” (sách “Cao Nguyên Miền Thượng”). Sông Sê San chỉ chảy trên đất Kon Tum chừng 6-7 km là đến đập thủy điện Ia Ly và chảy qua các huyện Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ của Gia Lai rồi sang Campuchia. Đoạn sông này còn được gọi “lẫn lộn” giữa Sê San và Pô Kô. (Ví dụ bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” là viết về đoạn sông Sê San thuộc khu vực xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).
Không thể không kể đến sông Sa Thầy, con sông bắt nguồn từ Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trên đất Kon Tum. Sông chảy trên đất Việt Nam men theo biên giới Việt Nam-Campuchia, qua các huyện Sa Thầy và Ia HDrai (tỉnh Kon Tum) rồi đổ vào sông Sê San tại địa phận huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Từ đoạn này trở đi sông mang tên Sê San hoặc Pô Kô hay có khi còn được gọi là “Sông biên giới”.
Dĩ nhiên, trên thực tế còn có những suối nhỏ khác nữa cũng “nối hai miền đất” như vậy, ở đây chỉ điểm qua 6 nguồn sông suối có nhắc tên trong các tư liệu xưa nay mà chúng tôi từng có dịp tham quan thực địa. Những nguồn sông suối ấy (và các núi non khác) đã làm nên một thành ngữ nằm lòng của người dân nơi đây: “Kon Tum-Gia Lai: Tuy hai mà một”!
 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm