Với các thành quả của kỷ nguyên công nghiệp 4.0, xe ô tô trong tương lai sẽ không chỉ là cỗ máy thuần cơ khí mà còn đi kèm hàng loạt công nghệ hiện đại.
Công nghiệp ô tô đang bước vào kỷ nguyên mới?
Năm 1913, Henry Ford giới thiệu dây chuyền lắp ráp xe hơi, và điều này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai nói chung và sự phát triển của ngành ô tô nói riêng. Sau một thế kỷ, giờ đây, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), ngành công nghiệp ô tô lại một lần nữa tạo nên sự thay đổi đáng kể, tinh giản hoạt động và đem đến cơ hội kinh doanh mới.
Cụ thể, với quan điểm ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển theo bốn xu hướng chính gồm: Tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Các xu hướng này hứa hẹn sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ô tô truyền thống có thể bị "thay thế".
|
Công nghệ đã giúp năng suất lao động tốt hơn, sản xuất chính xác với kỹ thuật nâng cao hơn và sản phẩm tạo ra thông minh, an toàn hơn. |
Nếu trước đây, các yếu tố quyết định sự khác biệt của những chiếc xe là động cơ, hộp số, bộ dẫn động, vô lăng điều khiển và xăng dầu… thì ngày nay, ô tô giống như một chiếc máy tính. Phần mềm và điện đã thay thế chức năng của các yếu tố cơ học, con người và nhiên liệu. Điều đó khiến cho ô tô không còn là cỗ máy bốn bánh thuần cơ khí mà được trang bị hàng loạt các ứng dụng công nghệ giúp lái xe an toàn hơn, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D trong chế tạo sản phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot,…
Việc nắm bắt kịp thời các thành quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có thể coi là chìa khóa, cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam trong thời gian tới nhằm thực hiện thành công quá trình công nghệ hóa, ông Thành đánh giá.
|
Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như: Google, Tesla, Uber, Apple... đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành. |
"Có thể nói rằng đại đa số sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. Các nhà sản xuất xe hiểu rằng xe hơi không còn là "lãnh địa bất khả xâm phạm" của họ nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ. Rất nhiều công ty chưa từng tham gia sản xuất xe như: Google, Tesla, Uber, Apple... đều đã lên kế hoạch phát triển xe tự hành" - ông Thành chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Đàm-Chủ tịch Tập đoàn VAST Group nhận định, các nhà nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất ô tô đang tập trung phát triển công nghệ theo 3 xu hướng chính và sẽ gắn kết với nhau để tạo thành một khối cùng phát triển trong tương lai không xa bao gồm: Công nghệ thiết kế, chế tạo và sản xuất phần cứng hợp với thời đại; công nghệ phần mềm điều khiển thông minh và sử dụng trí tuệ nhân tạo; công nghệ kết nối và giao tiếp.
Công nghệ giúp những chiếc xe hơi sẽ có thể “trò chuyện” với nhau
Sự kết nối trong ngành công nghiệp ô tô là quá trình áp dụng công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, nghiên cứu và vận hành. Điều này mang lại năng suất lao động tốt hơn, sản xuất chính xác với kỹ thuật nâng cao hơn và sản phẩm tạo ra thông minh, an toàn hơn.
|
Công nghệ kết nối và giao tiếp sẽ là hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong tương lai của nền công nghiệp 4.0. |
Theo ông Nguyễn Nam Khang - Bộ Quản lý Sản phẩm – Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, Daimler hiện đang nghiên cứu phát triển hầu hết các dòng sản phẩm xe thông minh, áp dụng công nghệ tân tiến và sử dụng năng lượng điện. Đó là những chiếc xe du lịch, xe chở khách và cả xe tải. Đồng thời, Daimler cũng hoàn thiện các nghiên cứu về những yếu tố kết nối vận hành trong xu hướng xe tương lai như các thiết bị kết nối, trạm sạc, các công nghệ thông minh, tự hành trên xe...
“Xu hướng chủ đạo mà các nhà sản xuất ô tô đã và đang nhìn nhận dựa trên sự phát triển của công nghệ với cuộc sống. Sẽ đến lúc nào đó, những chiếc xe hơi có thể “trò chuyện”, giao tiếp với nhau, kết nối với các hệ thống công cộng khác và trở thành những “người bạn” thân thiết với con người” - ông Nguyễn Thanh Đàm-Chủ tịch Tập đoàn VAST Group cho biết.
Theo ông Đàm, công nghệ kết nối và giao tiếp sẽ là hướng công nghệ phát triển mạnh mẽ trong tương lai của nền công nghiệp 4.0. Mỗi chiếc xe hơi trong tương lai sẽ được tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) để trở nên thông minh và an toàn hơn. Chúng có khả năng giao tiếp với nhau, kết nối với các thiết bị hiện đại và các cơ sở hạ tầng khác thông qua IoT (mạng lưới thiết bị kết nối Internet) để trở nên tiện lợi hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Chủ tịch iBosses Việt Nam (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông), lại dẫn chứng về chiếc xe thông minh tại Việt Nam hiện nay như sau: “Người lái có thể chọn điểm đến, xe sẽ chạy theo con đường thông minh nhất có thể do IT điều khiển bằng GPS, tốc độ 40 km/h, mũi xe không chạm nhau quá 3 giây, kết cấu gọn nhẹ, có thể chui vào các tòa nhà, xe chở tối đa 6 người chỉ nặng dưới 500 kg, trạm dừng xe gọn khoảng 5 m2, chạy điện không tiếng ồn và ô nhiễm...”.
Theo ông Hòa, chiếc xe thông minh này sẽ giải quyết vấn nạn mất cân bằng giao thông tại Việt Nam hiện nay với thực trạng 70% sử dụng xe 2 bánh, tốc độ giao thông rất chậm, thiếu bãi đỗ xe, không thể mở rộng đường để đáp ứng nhu cầu giao thông tăng rất nhanh, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn.
Gia Linh/VOV.VN