Con trẻ dù vô tư nhưng lại dễ tổn thương về tâm lý bởi những lời nói của cha mẹ. Hãy điều chỉnh cách nói chuyện và cố gắng trở thành bạn của con.
Mắng con sai cách sẽ khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến việc phát triển tương lai. Ảnh nguồn: AFP. |
Giáo dục con cái không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt là đối với những người làm cha mẹ lần đầu. Để có được những kết quả giáo dục tốt, cha mẹ phải có độ kiên nhẫn, chịu khó và nhẫn nhịn nhất định, tránh làm tổn thương con bởi lời quát mắng nặng nề.
“Con chờ bố/ mẹ về mà hỏi”
Đây là câu nói được xem là thiếu trách nhiệm mà các bậc phụ huynh thường mắc lỗi, khi con trẻ hỏi về một vấn đề nào đó. Việc “thiếu hợp tác” từ cha mẹ với những câu hỏi thắc mắc của con trẻ sẽ dần tạo thói quen khiến bé thu mình lại, không muốn đối thoại với người lớn và tự tìm câu trả lời theo ý mình.
Điều này nếu kéo lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển trong tính cách trong tương lai của trẻ.
“Bố mẹ xấu hổ vì con”
Dù con có làm sai điều gì nhưng câu nói này sẽ khiến trẻ tự ái và buồn bã khá nhiều. Đây có thể giống như một lời tuyên bố “ghét bỏ” từ bố mẹ và sẽ khiến trẻ thấy tủi thân.
Các chuyên gia tâm lý từng phân tích, trong trường hợp xấu nhất, con trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, nguy cơ dễ dàng mắc chứng bệnh trầm cảm và chậm trưởng thành.
“Con quá hư so với bạn bè”
Thay vì nói “Con quá hư so với bạn bè” thì nên cân nhắc sử dụng câu “Cha (mẹ) không hài lòng với cách ứng xử của con”. Hãy chỉ ra việc cụ thể mà bạn cần con cái sửa đổi, những sai phạm không bao giờ được lặp lại. Tránh bớt việc đưa bạn bè của con để so sánh sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ái và thiếu đi sự tự tin sau này.
Sử dụng câu nói nhẹ nhàng, đưa ra lời khuyên sẽ giúp trẻ nhận thức dễ dàng hơn trong việc sửa đổi hành vi hành động hiện tại. Bên cạnh đó, khuyến khích và gợi ý một số hành động, hành vi tốt hơn sẽ động viên con rất nhiều trong việc sửa đổi suy nghĩ, tạo nên ý thức tốt hơn trong cuộc sống thường ngày.
Theo THU LAN (LĐO)