Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố bạn tiếp tục tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM vừa ký ban hành Kế hoạch khẩn số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Nghị quyết 86 của Chính phủ từ ngày 15-8 đến ngày 15-9.
Tại Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM đưa ra mục tiêu phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trước ngày 15-9.
TP HCM tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp cùng đồng hành, chung tay, chia sẻ trong cuộc đấu tranh với dịch bệnh Covid-19, nhất là trong việc chăm lo hỗ trợ cho người dân, lực lượng tuyến đầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị, tiêm phòng vắc-xin và điều trị cho người mắc Covid-19.
3 giai đoạn chống dịch
Kế hoạch chống dịch của TP HCM trong 30 ngày tới tại TP HCM được chia làm 3 giai đoạn với những chỉ tiêu cụ thể.
Giai đoạn từ ngày 15-8 đến ngày 22-8 năm 2021: kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19; không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; xác định chiến lược chuyển đổi "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng"; mở rộng "vùng xanh" tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.
TP HCM phấn đấu mở rộng "vùng xanh". |
Giai đoạn từ ngày 23-8 đến ngày 31-8: mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn TP HCM; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11.
Giai đoạn từ ngày 1-9 đến 15-9: duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1 và 15% người dân được tiêm mũi 2.
Nghiêm giãn cách, đảm bảo nhân sự chống dịch
Kế hoạch đưa ra 10 nhóm đầu việc mà TP HCM cần thực hiện trong 1 tháng thực hiện giãn cách sắp tới về thực hiện giãn cách; tiêm vắc-xin; xét nghiệm; thu dung và điều trị; nguồn lực; an sinh xã hội; sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa; thông tin, tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin; đảm bảo an ninh, trật tự.
Mỗi đầu việc đều đưa ra mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng và phân công cụ thể các đơn vị thực hiện.
Về thực hiện giãn cách xã hội: TP HCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16-8 đến 15-8 với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó". Tiếp tục siết chặt giãn cách xã hội một cách thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ, đặc biệt trong khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ cùng ngày; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
"Tại các khu phong tỏa, phải đảm bảo "ngoài chặt, trong chặt', tổ chức các đoàn kiếm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa" – Kế hoạch nêu rõ.
Đối với vấn đề nguồn lực, TP HCM kiến nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố tiếp tục tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch cho đến khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP cơ bản được kiểm soát; không rút nhân sự đang hỗ trợ cho TP nhưng có thể cử nhân sự thay thế luân phiên và vẫn đảm bảo đủ số lượng nhân sự đã được huy động; giữ ổn định lực lượng nhân viên y tế đã tăng cường cho các tuyến điều trị.
Lực lượng y bác sĩ tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại Trường THPT Phú Nhuận. Ảnh Hoàng Triều |
Đồng thời có chỉ đạo các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống TP HCM trở thành khu vực "Nguy cơ rất cao".
TP HCM cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vắc-xin Covid-19.
Để đảm bảo đủ nguồn để đáp ứng đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, TP HCM sẽ tiếp tục triển khai việc thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại.
Tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
|
Theo Phan Anh (NLĐO)