(GLO)- Ngày 29 và 30-6, tại xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ án Trần Cảnh Vinh cùng đồng bọn gây ra cái chết của một chiến sĩ Công an thuộc Đội Cảnh sát Điều tra Công an huyện Krông Pa.
Nhóm trai làng hung hãn
24 bị can bị đưa ra xét xử. Ảnh: L.V.N |
Vụ án có 24 bị can, gồm: Trần Cảnh Vinh (SN 1995), Phạm Văn Sang (SN 1998), Đặng Văn Hải (SN 1994) bị truy tố về tội "Giết người" và "Cố ý gây thương tích". Các đối tượng Nguyễn Hữu Tuân (SN 1997), Nguyễn Quang Linh (SN 1999), Nguyễn Trọng Quân (SN 1998), Vũ Đình Viên (SN 1992), Nguyễn Duy Thắng (SN 1992), Nguyễn Văn Phú (SN 1991), Nguyễn Khắc Tuyến (SN 1997), Hà Văn Thêm (SN 1997), Uông Ngọc Huy (SN 1996), Nguyễn Văn Khánh (SN 1993), Đặng Văn Cường (SN 1992), Nguyễn Duy Chiến (SN 1990), Nguyễn Văn Đại (SN 1986), Ngô Mạnh Cường (SN 1991), Trần Văn Cao (SN 1998), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1994), Phạm Xuân Dũng (SN 1994), Nguyễn Văn Đức (SN 1990), Trần Quốc Hường (SN 1990), Trần Văn Lãm (SN 1992), Nguyễn Hữu Luân (SN 1991) bị truy về tội "Cố ý gây thương tích". Các bị can trên cùng trú tại thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm.
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, tối 21-10-2015, các đối tượng trên có mâu thuẫn với nhóm thanh niên thôn Chư Đông, xã Chư Gu, huyện Krông Pa nên đã chuẩn bị hung khí phục tại Km 95 trên quốc lộ 25 để trả thù. Khoảng gần 22 giờ cùng ngày, anh Nguyễn Thành Trung điều khiển xe máy chở anh Nay Plong (đều là cán bộ Công an huyện Krông Pa) đi đến thì bị nhóm của Đại, Dũng, Chiến, Đức, Trường, Lãm, Phú, Cường, Hường dùng cây gỗ, dao, mã tấu, đá ném. Anh Trung đi xe máy vượt qua thì bị nhóm của Sang, Hường, Khánh, Tuấn, Thắng, Viên đứng (bên trái đường) dùng dao, đá, ná bắn ném, còn Vinh dùng búa chẻ củi ném trúng vào đầu anh Plong làm vỡ mũ bảo hiểm.
Tiếp đến nhóm của Hải, Tuân, Quân, Linh, Tuyến, Thêm, Cao, Huy dùng đá, cây gỗ, dao ném trúng người anh Trung và anh Plong làm anh Trung loạng choạng tay lái. Khi chạy sang bên trái đường thì anh Plong ngã xuống đất, nằm ở trước cổng nhà ông Trần Văn Đạo. Thấy vậy, Vinh, Sang, Hải, Quân, Khánh chạy đến, Vinh cầm búa rìu bằng hai tay dơ lên đánh một nhát vào đầu, Sang dùng dao chém vào đầu, Hải cầm cây gỗ tròn đánh vào lưng anh Plong. Hậu quả làm anh Nay Plong chết do “Vỡ lún sọ do vật tày”, anh Nguyễn Thành Trung bị thương tích tổn hại 11% sức khỏe.
Bị cáo phản cung
Bị cáo Sang, Hải, Vinh (từ phải qua). Ảnh: L.V.N |
Tại phiên tòa xét xử, ba bị cáo đều phản cung khi cho rằng những lời khai của mình trước đó là không đúng sự thật do bị đánh đập, ép cung. Theo Trần Cảnh Vinh, sau khi bị nhóm thanh niên của thôn Chư Đông, xã Chư Gu đập phá xe tại quán bida thì y đi về nhà cầm một chiếc rìu bổ củi ra quốc lộ 25 tụ tập với các thanh niên cùng làng khác nhằm đánh trả thù. Sau khi thấy xe của anh Trung chở theo anh Plong đi gần tới thì Vinh cùng các đối tượng khác ném hung khí về phía anh Trung. Khi chiếc xe đi qua thì Vinh chạy đi tìm chiếc rìu rơi ở ven đường rồi tiếp tục đuổi theo. Đang trên đường đuổi theo thì Vinh gặp Khánh, Quân, Sang, Hải chạy ngược lại thì hỏi tại sao. Sang bèn nói “Nó chết rồi” nên cả nhóm chạy quay lại ai về nhà nấy nên Vinh chưa đến được nơi anh Plong nằm.
Trong đêm, Vinh bị bắt lên Công an huyện và tại đây, Vinh cho rằng bị cán bộ điều tra đánh đập và bắt phải nhận hành vi dùng búa bổ củi đập vào đầu anh Plong. Trong nhiều lần làm việc với Cơ quan Điều tra, Vinh đều bị đánh đập và ép cung. Trong buổi đối chất với các bị cáo còn lại, Vinh cho biết mới đầu không nhận tội nhưng bị đánh đập ép phải nhận. Tại buổi dựng lại hiện trường, Vinh cho biết cán bộ điều tra ép Vinh phải thực hiện lại hành vi dùng búa đập vào đầu anh Plong khi anh Plong đã ngã xuống. “Bị cáo không thực hiện nhưng điều tra viên bảo ở Công an huyện khai gì thì cứ làm như thế. Trước đó bị cáo bị đánh sợ quá nên đành phải làm theo”. Trong những lần làm việc với điều tra viên, Vinh có nói là không nhận và do bị đánh ép nên mới nhận thì cán bộ điều tra nói không có gì làm chứng, không ai làm chứng nên không ghi vào các biên bản lời khai. Vinh cũng nói rằng: “Cáo trạng của Viện kiểm sát là không đúng sự thật”.
Bị cáo Hải và bị cáo Sang cũng khẳng định các bản lời khai trước đó là không đúng sự thật và lời khai tại phiên tòa mới đúng sự thật. Hải khai rằng: “Lúc bị bắt lên huyện bị cáo bị ép, đánh nhiều quá và bị bức cung nên khai nhận tội và khai cả thấy Vinh đánh”. Về phía Sang, Sang thừa nhận do sợ bị nặng tội nên đổ tội qua cho Vinh, khai rằng thấy Vinh dùng búa đập vào đầu anh Plong. “Ở huyện do bị phạm trong trại và giám thị đánh nên tinh thần bị cáo không ổn định, khai lung tung. Tối hôm đó bị cáo chỉ thấy Hải dùng gậy đánh vào người anh Plong lúc anh đã ngã còn khi đang chạy ngược lại mới thấy Vinh chạy lên chứ Vinh không có mặt tại chỗ anh Plong nằm.
Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có sự thông cung giữa các bị cáo nhằm trốn tránh trách nhiệm. Các bị cáo khai rằng dùng nhục hình là không có cơ sở vì mỗi buổi làm việc đều có nhiều người tham gia chứng kiến, giám sát. Luật sư bào chữa cho các bị cáo lại cho rằng, các cáo buộc của Viện Kiểm sát với Trần Cảnh Vinh có điểm không phù hợp với dấu vết tại hiện trường, theo kết quả của giám định pháp y vết thương dẫn đến cái chết của anh Plong.
Tuy nhiên, sau khi xem xét hồ sơ của vụ án cùng diễn biến tại phiên tòa xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh đã xác định tội danh và hành vi của các bị cáo như trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Những lời phản cung của các bị cáo, Tòa án khẳng định do các đối tượng quanh cho chối tội, thiếu trung thực. Qua đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Trần Cảnh Vinh mức án chung thân, Phạm Văn Sang 18 năm tù, Đặng Văn Hải 17 năm tù, các bị cáo còn lại chịu mức án từ 3 năm 6 tháng đến 2 năm tù. Bên cạnh đó, các bị cáo còn bồi thường thiệt hại cho gia đình anh Nay Plong gần 210 triệu đồng tiền chi phí mai táng và tổn thất tinh thần cùng 1,5 triệu đồng/tháng tiền cấp dưỡng cho con gái của anh Nay Plong đến khi cháu 18 tuổi.
Lê Văn Ngọc