Cách nay 60 mùa xuân, trong phần kết bài nói tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/Đảng ta là đạo đức, là văn minh".
Để xứng danh và ngang tầm như vậy, là vì Đảng chỉ có một mục tiêu, lý tưởng: Phấn đấu cho lợi quyền của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng sao cho Đảng “là đạo đức, là văn minh”, mà ở đó, “đoàn kết và thanh khiết” chính là một trong những chuẩn mực giá trị của Đảng cách mạng. Trước đó, khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, về thăm tỉnh Thanh ngày 20-2-1947, trong “Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” 2 .
Chính trị mà Hồ Chí Minh xây dựng như vậy thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, mang giá trị đạo đức và văn hóa của Đảng cầm quyền, hợp xu thế phát triển của dân tộc, thời đại và thuận lòng dân. Ở đó, đoàn kết trở thành hạt nhân của tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, là một chiến lược của Đảng chứ không phải thủ thuật chính trị. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người. Do vậy phải luôn luôn đề cao tinh thần đoàn kết nhất trí. Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ và khẳng định ý nghĩa to lớn của bài học đại đoàn kết. Các anh hùng hào kiệt của dân tộc với lòng yêu nước thương dân và biết phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, đã làm nên những chiến công hiển hách, đánh bại kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, xây dựng giang sơn gấm vóc phú cường.
Từ ngày thành lập đến nay, nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được những thắng lợi to lớn. Qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt những lúc hiểm nghèo, cách mạng gặp khó khăn, những người cộng sản đã nêu gương sáng về sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý là nòng cốt cho việc xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, toàn xã hội và đoàn kết quốc tế. Đấu tranh để xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là quy luật vận động, phát triển và trưởng thành của Đảng. Vì thế, Hồ Chí Minh đã chỉ dạy mỗi đảng viên và chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết trong Đảng hướng đến đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế là vấn đề chiến lược của cách mạng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đúc kết bài học lớn của cách mạng Việt Nam: “Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: Đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là truyền thống quý báu và là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta”.
Cơ sở để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là dựa trên nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết trên cơ sở mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đoàn kết trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Phương cách để xây dựng, gia tăng sức mạnh đoàn kết trong Đảng là đề cao thực hành dân chủ rộng rãi; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; ra sức trui rèn đạo đức cách mạng đi đôi với phòng chống chủ nghĩa cá nhân.
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ, là tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Vì thế Người luôn đòi hỏi và chỉ dạy: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng” 3. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén của Đảng. Đề cao tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng. Đấu tranh tự phê bình và phê bình phải sao cho “đúng” và “khéo”, phải thành thật, đúng mực, nhưng nghiêm túc, phải có lý có tình và trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phê bình và sửa chữa để đi tới đoàn kết, thống nhất, muốn thế “Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới. Phải thực hành chữ Bác-Ái” 4.
Đạo đức liêm chính là một giá trị văn hóa của Đảng cách mạng. Xây dựng Đảng về đạo đức chính là đòi hỏi đề cao đức thanh liêm, sự gương mẫu của người cán bộ, đảng viên đối với dân và trước dân. Nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có chỉ số rất cao về đạo đức và thực hành đạo đức cách mạng; phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, ít lòng ham muốn về vật chất, không màng danh lợi và không sa vào vòng danh lợi. Đó phải là những người có bản lĩnh “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, có dũng khí đứng ngoài vòng danh lợi, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đứng ở đỉnh cao quyền lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ hành xử như một người có chức quyền hay đam mê quyền lực và luôn tránh xa vòng danh lợi. Người tuyệt nhiên không ham công danh phú quý và luôn thực hành mẫu mực như “một người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận”. Trước lúc đi xa, Người chỉ “tiếc rằng” không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa và Người vẫn đau đáu làm thế nào để “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, để giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, thật xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Chính trị là đoàn kết và thanh khiết, đòi hỏi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải “từ trong quần chúng mà ra và phải trở lại nơi quần chúng”. Đó là một nền chính trị chính tâm và thân dân, với đòi hỏi rất cao ở sự nêu gương về đoàn kết và đạo đức thanh khiết của người cán bộ, đảng viên. Như Bác Hồ đã chỉ dạy: Mỗi “cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân” và đồng thời “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân” 5. Người cán bộ, đảng viên phải luôn là một mẫu hình, mực thước của đạo đức cách mạng - đạo đức ấy phải là đạo đức hành động, đạo đức gắn liền với pháp luật, với kỷ luật và kỷ cương. Đó phải là những người có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, luôn thấu hiểu và quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy và thừa nhận cán bộ, đảng viên đó là người lãnh đạo của họ. Muốn vậy, người cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm, đã nói thì phải làm, đã hứa với dân thì phải giữ đúng lời hứa và quyết tâm thực hiện bằng được. “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được” 6. Vì thế, có lỗi thì chân thành và dũng cảm xin lỗi nhân dân, biết khuyến khích dân góp ý phê bình cán bộ, đảng viên; luôn tự răn, tự sửa mình. Dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó không chỉ là một phương châm chiến lược, một phương lược cầm quyền, mà còn là vấn đề có tính quy luật đối với sự tồn tại, phát triển và trưởng thành của Đảng.
Đã chính tâm và thân dân, thì phải luôn luôn “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư”, “quang minh chính đại”, luôn kiên định về lập trường, suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết và trước hết. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, người cán bộ sẽ xử lý hài hòa các mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc mà Đảng và nhân dân giao phó, dù bất luận hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng phấn đấu để hoàn thành.
Một Đảng liêm chính cũng tức đòi hỏi mỗi đảng viên của Đảng liêm chính, thanh khiết, thật “trong sạch, không tham lam” 7, “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa” 8. Đó phải là một cơ thể sống có sức đề kháng cao, miễn nhiễm với mọi thói hư tật xấu, tránh xa được căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân và luôn kiên quyết đấu tranh với những kẻ “bất liêm”. Vì “tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì” 9. Người xưa từng nói: “Phải chính tâm tu thân” mới có thể “trị quốc bình thiên hạ”. Hồ Chí Minh từng dẫn lại lời của Khổng Tử: “Người mà không liêm không bằng súc vật”, cũng như lời của Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy” và chỉ rõ: “Mọi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam có tội với dân với nước” 10.
Nói đến chính trị, đến văn hóa lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt” 11. Bác đã từng cảnh tỉnh rằng, có những người trong đấu tranh cách mạng đầy gian khổ hy sinh thì rất vững vàng, kiên định, có công trạng, được người đời ca tụng, nhưng khi cách mạng thành công rồi, có chút quyền lực trong tay nhưng do kém tu dưỡng đạo đức cách mạng, tha hóa, hủ bại, kiêu ngạo, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, hách dịch với quần chúng, “cấp cao thì quyền to, cấp nhỏ thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp”dĩ công vi tư“12. Người nào không miễn nhiễm được với thứ vi trùng hiểm độc của chủ nghĩa cá nhân, không dám từ bỏ đặc quyền, đặc lợi, để vì dân, thì người đó sẽ mặc nhiên phủ định mình trước nhân dân. Bởi vậy, rèn luyện cán bộ, đảng viên - một công việc gốc của Đảng, đòi hỏi Đảng phải luôn chăm lo giáo dục toàn diện và thường xuyên đội ngũ của mình biết đề cao cảnh giác và tránh xa được các”cạm bẫy“, không rơi vào hủ bại, tha hóa, đánh mất mình trước những”viên đạn bọc đường".
Một Đảng trong sạch, liêm chính không chỉ quan tâm rèn luyện cán bộ, đảng viên của mình luôn thực hành như vậy, mà còn phải có đủ dũng khí và quyết tâm cao, “có gan thừa nhận khuyết điểm” và sửa chữa khuyết điểm, luôn ra sức chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”: Xây là xây đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chống là chống “lên mặt quan cách mạng”, chống chủ nghĩa cá nhân. Cùng với coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng, là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm trị, nghiêm minh với mọi hành vi bất liêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì” 13.
Dạy bảo cán bộ, đảng viên phải sao cho nghiêm minh, công tâm, nhưng cũng phải rộng lòng khoan thứ, độ lượng và phải rất nhân văn. Theo Hồ Chí Minh, trong xây dựng Đảng, “cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi thì có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng” 14. Cho nên nghiêm khắc nhưng cần phải có một “độ lượng vĩ đại”, để cán bộ sửa chữa được sai lầm, khuyết điểm.
Hành trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang 90 năm qua, với trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã chứng tỏ rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng luôn đấu tranh để tự đổi mới, tự chỉnh đốn, luôn đề cao đoàn kết và thanh khiết, từng bước trưởng thành. Thực hành chính trị đoàn kết và thanh khiết, từ việc nhỏ đến việc lớn theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, để Đảng trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao, để giành được sự tin yêu của nhân dân, đó cũng chính là một phẩm chất trung tâm cốt lõi và là một phương lược trong văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
PGS,TS Đỗ Xuân Tuất
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và
các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí
Nghiên cứu Hồ Chí Minh
(Dẫn nguồn: baothanhoa.vn)
_____________________________
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H,2011, tập 12, tr404.
2 Sđd, Tập 5, tr.75; 3 Sđd, Tập 15, tr.622; 4 Sđd, Tập 6, tr.131; 5 Sđd, Tập 6, tr.127; 6 Sđd, Tập 8, tr.98; 7 Sđd, Tập 6, tr.126; 8 Sđd, Tập 5, tr.292; 9 Sđd, Tập 5, tr.293; 10 Sđd, Tập 6, tr.127; 11 Sđd, Tập 15, tr.292; 12 Sđd, Tập 6, tr.127; 13 Sđd, Tập 6, tr.127; 14 Sđd, Tập 5, tr.324.