|
Công ty TNHH Thuận Hưng đang kiểm tra thông tin, dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình ô tô gửi qua internet. Ảnh: Sơn Ca |
Đã hơn 1 năm kể từ khi Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành, nhưng để các doanh nghiệp vận tải hoàn tất các quy định, đảm bảo điều kiện hoạt động kinh doanh theo nghị định thì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Thời gian qua, mặc dù Sở Giao thông-Vận tải đã ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện các quy định về hoạt động vận tải, tiến hành lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Nghị định 91, nhưng đến nay, chỉ mới có 36 đơn vị trên địa bàn tỉnh tiến hành lập hồ sơ và đã được cấp phép. Một số doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Vận tải không đủ điều kiện kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động như: HTX Vận tải Đức Cơ, HTX Vận tải Cơ giới An Khê, HTX Vận tải Chư Sê, Công ty TNHH Hưng Thành. Theo các doanh nghiệp, Nghị định 91 được kỳ vọng sẽ đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào nền nếp, quy củ và hiện đại hơn, tránh tình trạng kinh doanh lộn xộn, thiếu tổ chức theo kiểu xe dù, bến cóc vốn tồn tại lâu nay.
Tuy nhiên, đảm bảo điều kiện “cần và đủ” khiến nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi thời hạn đã gần kề. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế- Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh: “Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp, HTX Vận tải khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép kinh doanh. Sau ngày 30-4-2011, nếu các doanh nghiệp không thực hiện các điều kiện cần thiết thì Sở sẽ ngừng cấp phù hiệu, biển hiệu, sổ nhật trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải khách, sổ liên vận đối với xe vận tải hàng hóa bằng container”.
Bên cạnh nỗ lực hoàn tất các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, việc thực hiện gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trước ngày 1-7 đang là vấn đề nóng trong giai đoạn hiện nay. Theo lộ trình thực hiện, từ ngày 1-7-2011, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đều phải gắn thiết bị GSHT. Đến ngày 1-1-2012, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị...
Đây là điều kiện bắt buộc nên hiện nay hầu hết doanh nghiệp vận tải cố định có cự ly từ 500 km trở lên như Bảy Lang, Hồng Hải, Việt Tân Phát... đang tích cực triển khai đặt hàng, lắp đặt thử nghiệm. Công ty TNHH Thuận Hưng- đơn vị vận tải khai thác tuyến Pleiku- TP. Hồ Chí Minh, Pleiku- Hà Nội đã cho lắp đặt trên 2 xe từ cuối năm 2010. Qua thời gian triển khai thử nghiệm, đến nay Thuận Hưng đã cho lắp thiết bị GSHT trên 4/16 xe ô tô (2 xe giường nằm, 1 xe ghế nằm, 1 xe ghế ngồi); giá thành của mỗi thiết bị 6-10 triệu đồng/bộ tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp. Dưới góc độ quản lý, ông Đặng Văn Hiền- Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hưng nhìn nhận: “Việc lắp đặt thiết bị GSHT đã mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp trong công tác quản lý chi phí, phương tiện, doanh thu, tiết kiệm chi phí kinh doanh đồng thời gia tăng hệ số vận hành an toàn trên mỗi chuyến xe”. Sơn Ca