Nhiều địa phương ở Đác Lắc thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, Đác Lắc đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô hạn năm 2018-2019, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước mặt và mực nước ngầm sụt giảm mạnh. Do vậy, thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong tỉnh không chỉ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng mà hàng nghìn hộ dân cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống.
 
Nhiều hộ dân ở xã Cư Ebur, thành phố Buôn Ma Thuột phải bỏ tiền ra thuê người khoan giếng lấy nước sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm của mùa khô này. Ảnh: Nguyễn Công Lý
Chị Trương Thị Thúy Tình ở thôn Trung, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp cho biết: Nhiều năm nay gia đình chị vẫn sử dụng nguồn nước giếng khoan từ độ sâu 45m để phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu cho cây trồng. Thế nhưng, từ đầu năm 2019 đến nay, giếng khoan của gia đình đã cạn kiệt, không thể bơm tưới và sinh hoạt được nên đành bỏ không. Dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình chị phải vay mượn 18 triệu đồng để thuê người khoan thêm một giếng nước mới sâu 90m, nhưng nguồn nước từ giếng khoan mới này cũng không ổn định, chỉ bơm được khoảng 30 phút là nước giếng đã cạn. “Hiện nay đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô Tây Nguyên, thời tiết nóng bức, không biết giếng có đủ nước để sinh hoạt, sản xuất và cho gia súc uống qua mùa khô này không?”, chị Thúy lo lắng nói.
Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Nguyễn Văn Đông cho biết: Do nắng nóng kéo dài, mưa đến muộn hơn so với nhiều năm trước nên đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có trên 1.230 hộ dân tại các xã Ja Lốp, Ia R’vê, Ea Rốc, Cư Kbang, Ya T’Mốt, Ea Lê và thị trấn Ea Súp bị thiếu nước sinh hoạt. Đa số các hộ thiếu nước sinh hoạt đều sử dụng giếng đào, nước suối, sống ở vùng khan hiếm về nguồn nước. Một số hộ có giếng khoan nhưng cũng đã cạn kiệt do mực nước ngầm tụt giảm mạnh.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân và đàn gia súc trên địa bàn, UBND huyện Ea Súp đã chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng, khơi sâu giếng đào, tăng cường tích trữ, tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, UBND huyện Ea Súp cũng đã quyết định trích kinh phí từ nguồn dự phòng của huyện tạm ứng cho các xã tiến hành rà soát, khoan giếng, xây bể chứa cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân và gia súc ở những vùng khô hạn nặng. Đồng thời UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương chủ động phương án cấp nước lưu động bằng xe bồn, hỗ trợ người dân vùng sâu, khan hiếm về nguồn nước đủ nước sinh hoạt trong thời điểm nắng nóng gay gắt này.
Không riêng tại huyện Ea Súp, tình trạng khô hạn kéo dài cũng khiến hàng nghìn hộ dân tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, Ea H’leo và thành phố Buôn Ma Thuột cũng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết, cứ đến mùa khô là giếng đào của gia đình lại bị cạn kiệt nước. Để có nước sinh hoạt, hàng ngày gia đình bà phải đi mua từng bình nước lọc về để nấu ăn và uống, còn nước tắm giặt, cho gia súc uống phải đi hơn 3 km mới xin được. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Buôn Đôn Trần Thị Thủy cho biết, đến thời điểm hiện tại toàn huyện có gần 2.000 hộ dân và năm điểm trường tại hai xã Tân Hòa và Cư Knia thiếu nước sinh hoạt. Phòng NN&PTNT huyện đã đề xuất với UBND huyện Buôn Đôn trích kinh phí hỗ trợ xây dựng 10 giếng khoan để cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân và các điểm trường trên địa bàn.
Còn đối với gia đình ông Ma Yin ở buôn Kdun, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột lâu nay sử dụng nước từ giếng đào sâu 30m, phục vụ nước sinh hoạt cho gia đình và các hộ dân lân cận. Nhưng bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô năm nay, giếng nước của gia đình ông đã cạn trơ đáy 10 ngày nay. Để có nước sinh hoạt, ông Ma Yin đã bỏ tiền ra thuê người khoan một giếng sâu 100m để kiếm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt gia đình, tưới nước cho cây trồng. Theo ông Ma Yin, để khoan một giếng phải mất một tuần, chi phí khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, việc khoan giếng cũng may rủi, nếu gặp đá bàn không tìm được mạch nước ngầm không chỉ mất tiền, mất công mà còn không có nước để sinh hoạt.
Theo phản ảnh của người dân thì từ giữa tháng 3 đến nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đã xảy ra tại các phường trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột như Tân Tiến, Thống Nhất, Thắng Lợi, Tân Thành... Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải thức cả đêm chầu chực bơm từng giọt nước lên bồn dự trữ.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Lắc Mai Trọng Dũng cho biết: Do tác động của El Nino, dự báo tình trạng hạn hán sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới, tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh. Để chủ động ứng phó với khô hạn, Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai công tác ứng phó với hạn hán trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019. Đối với các khu vực khan hiếm nguồn nước, công tác chống hạn cần ưu tiên theo thứ tự nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Các địa phương chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác chống hạn, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, vận động các hộ dân, cụm dân cư có giếng khoan chia sẻ nguồn nước đối với các hộ dân, vùng bị thiếu nước. Đặc biệt cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt lưu động cho các hộ dân, nhất là người dân ở vùng sâu khan hiếm nguồn nước, bị thiếu nước sinh hoạt do hạn hán gây ra.
Nguyễn Công Lý (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm