Thực tế những gói kích cầu của Chính phủ đã tạo điều kiện rất nhiều cho các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai duy trì, phát triển sản xuất để vượt qua khủng hoảng, qua đó hàng ngàn lao động có thêm công ăn việc làm ổn định. Và công nhân, tài sản hữu hình của doanh nghiệp đang có vị thế riêng với nhiều cơ hội sinh kế.
Nhiều cơ hội cho người lao động
Hiện Gia Lai có trên 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là nơi giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung lao động tỉnh ta phần nhiều là lao động phổ thông, quá trình đào tạo nghề chỉ qua thực tế. Đây là một điều kiện thuận lợi để các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh có hướng đào tạo để học viên sau khi học nghề ra có việc làm ngay. Thực tế, nhu cầu gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo lâu nay chưa được đánh giá đúng tầm nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đối với người lao động.
Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Cao su Chư Prông. Ảnh: Đức Thụy |
Theo ước tính của các cơ quan chức năng, hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 ngàn người bước vào độ tuổi lao động. Để đáp ứng nhu cầu này, qua nhiều kênh, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo sát sao để giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số. Tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), nơi tập trung hơn 30 doanh nghiệp đang hoạt động luôn có nhu cầu tuyển lao động lành nghề vào làm việc với mức lương ổn định. Hiện các doanh nghiệp ở đây luôn luôn tạo việc làm ổn định cho trên dưới 2.000 công nhân. Hầu hết những công nhân ở đây đều có thu nhập khá, dao động từ khoảng 1,5-4 triệu đồng/tháng/người. Chị Lựu, một công nhân của Công ty Thiên Phúc sản xuất bao bì có nhà máy tại khu công nghiệp này cho biết: “Thu nhập của tôi được Công ty tính 55 ngàn đồng/ngày (7,5 giờ). Đây là số tiền chưa phải là cao so với một số công ty khác nhưng nếu biết co kéo cũng tạm đủ sống. Đối với người lao động như chúng tôi, niềm mong ước lớn nhất là có việc làm ổn định…”.
Một Chủ doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Đa tâm sự: Nếu không quan tâm đến công nhân của mình là vô tình doanh nghiệp tự đào thải mình trong cuộc chơi trên thương trường. Bởi vậy, chăm lo đời sống của người lao động cũng chính là sự sống còn của doanh nghiệp. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, dĩ nhiên người lao động đáng được hưởng đúng với công sức mà họ bỏ ra.
Công nhân chưa gắn bó với doanh nghiệp
Cũng tại Khu Công nghiệp Trà Đa, nhiều công nhân không muốn ký hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp mà chỉ muốn làm thời vụ. Bởi vào mùa thu hái cà phê hay tưới cà phê, nhiều chủ vườn sẵn sàng trả công gấp hai lần so với công của doanh nghiệp trả. Trừ những doanh nghiệp lớn, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm đa số ở tỉnh ta) cùng có chung tâm trạng là lo ngại người lao động không ổn định tư tưởng, nhảy cóc từ nơi này sang nơi khác khi công việc tạm thành thục, hoặc khi doanh nghiệp khác cùng mặt hàng sản xuất cần gấp nhân công hậu đãi tiền công hoặc ra yêu sách hay vô kỷ luật, đặt doanh nghiệp vào tình trạng khó xử.
Ông Thân Trọng Vinh- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Khoa có nhà máy sản xuất đá granite ở Khu Công nghiệp Trà Đa cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi luôn có trên dưới 50 công nhân và hầu hết đều muốn gắn bó với doanh nghiệp. Để duy trì điều này thực sự là rất khó nếu không có một chiến lược giữ người hẳn hoi. Ngoài chế độ lương (dao động từ 1,8-4 triệu đồng/người/tháng), chúng tôi còn có những quan tâm khác đến tận gia đình người lao động để họ yên tâm làm việc tại doanh nghiệp… Đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh ta qua thực tế điều tra của các cơ quan chức năng đều có công ăn việc làm, thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên tác phong làm việc, ý thức công việc vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Nhưng quan trọng nhất là vẫn tồn tại thực trạng thiếu nhiều lao động có chất lượng cao khiến doanh nghiệp phải mỏi mắt tìm mỗi khi tuyển dụng.
Trần Hiếu