Nhiệm vụ "bốn trong một" ở nơi F0 đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở đây, có những tiếng la hét, rồi đập phá. Nhưng cũng có giây phút tĩnh lặng, có những ánh mắt vui mừng và hàm ơn. Họ, những người nghiện ma túy đang là F1, F0 được cách ly, điều trị. Tình thương của lực lượng y tế, an ninh ở đây từng ngày giúp họ vượt qua những đau đớn, bệnh tật mà về với gia đình.

Chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân. (Ảnh: Phong Nguyên)
Chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Phong Nguyên
Gặp nhau đầu buổi sáng, câu chào đầu tiên Thiếu tá Nguyễn Văn Chí Công dành cho tôi:
- Anh đã tiêm đủ liều vaccine chưa?
Nghe tôi đáp đã tiêm đủ, em bảo:
- Vậy thì phần nào yên tâm. Chống dịch ở đây mối nguy hiểm cao gấp đôi, gấp ba những nơi khác, cho nên anh phải tuyệt đối tuân thủ các quy tắc. Bây giờ để em giúp anh mặc bộ đồ bảo hộ này vô, phải mặc thật kỹ, thật đúng mới được.
Tôi hiểu rất rõ điều ấy. Bởi khi nghe tôi nói có ý định vào đây, nhiều người thân tỏ ra ái ngại. Làm nhiệm vụ ở nơi cách ly F1, điều trị bệnh nhân F0 bình thường đã phải rất cẩn thận, rất nghiêm ngặt rồi, ở đây, những F1, F0 lại là những người nghiện ma túy, có người có tiền án, tiền sự, không ít người trong số họ còn mắc rất nhiều bệnh như ung thư, lao phổi, thậm chí nhiễm cả HIV/AIDS.
Em Công cho biết, tỉnh Khánh Hòa thành lập khu cách ly và điều trị các trường hợp nghiện ma túy, tệ nạn xã hội dương tính với SARS-CoV-2 từ ngày 16/8, tại khu vực Trường Bắn, thuộc xã Phước Đồng; đến ngày 26/8 chuyển về khu ký túc xá Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang ở đây. Hiện cơ sở này được giao cho Ban Chỉ huy Quân sự TP Nha Trang chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh phối hợp quản lý.
Mặc đồ bảo hộ, sát khuẩn kỹ lưỡng, không khí làm việc cẩn trọng, nghiêm ngặt ở đây khiến tôi căng thẳng. Đi đứng thận trọng, ý tứ. Bảo hộ kín mít. Quả thật, những ai chưa mặc đồ bảo hộ sẽ chẳng thể hình dung được một cảm giác vừa nóng, vừa bức bối và nhiều áp lực đến như vậy. Cho nên cứ mỗi lần mặc bộ đồ này, tôi càng thêm khâm phục những người ngày đêm chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch; quả thật, họ là những người rất đáng ngưỡng mộ. Một chi tiết rất nhỏ thôi, chẳng hạn như có khát, muốn uống chút nước cũng ngại. Hôm nay, tôi xác định sẽ mặc bộ đồ ấy suốt cả ngày. Không chỉ vậy, trước khi vào đây, Trung tá Võ Thành Tâm, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự TP Nha Trang căn dặn tôi phải hết sức cẩn thận trong phòng dịch bệnh cũng như đề phòng những bất trắc có thể xảy ra từ phía bệnh nhân. 
Bệnh nhân được chia làm hai khu vực, một của F0 và một của F1. Lực lượng an ninh, y tế ở cùng khu vực của bệnh nhân. Thiếu tá Nguyễn Văn Chí Công và anh em cả y tế lẫn an ninh ở đây luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với những biểu hiện bất thường của bệnh nhân. Mất ngủ. Căng thẳng. Trong cơn đói thuốc, nhiều bệnh nhân F0 vật vã, la hét, đập phá làm náo loạn cả khu cách ly. Các lực lượng phải phối hợp tiêm thuốc giải độc, cắt cơn nghiện cho bệnh nhân. Hoặc cách đây mấy ngày, một F0 liều lĩnh leo rào trốn ra ngoài. Các lực lượng phải truy tìm thâu đêm. Trong lúc ôm giữ bệnh nhân, nhiều anh em bị cào cấu làm cho rách bao tay, trầy xước… trong khi bệnh nhân F0 mà không hề mang khẩu trang. Xong việc, anh em lại cùng nhau rà soát các khâu, cẩn thận khử khuẩn khắp chân tay, giày dép, phương tiện. Vậy mà mừng. Vì nếu để bệnh nhân F0 lọt ra ngoài sẽ là mối nguy hiểm lớn cho cộng đồng.

 Phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Phong Nguyên
Phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Phong Nguyên
Đã quen với công tác cai nghiện, nhưng y sĩ Phạm Phú Bình tỏ ra rất căng thẳng, bởi bệnh nhân của em hiện tại lại là những F1, F0. Tâm trạng bất ổn, dễ bị sốc, những người nghiện sẵn sàng tấn công lực lượng y tế bất kỳ lúc nào. Ngày đầu tiên ở Trường Bắn, Bình bị đám đông bệnh nhân la ó, bao vây và tấn công nhằm tìm cách trốn ra ngoài. May mà không bị vết thương hở, nếu không, lại còn lo nhiễm cả HIV/AIDS nữa. Vậy là rút kinh nghiệm ngay, đi khám bệnh, phát thuốc… đều phải đi cùng lực lượng an ninh.
Bình cho biết, hầu hết bệnh nhân có thể trạng suy kiệt; hội chứng cai ma túy khiến cơ bắp đau nhức, người có dị cảm như giòi bò trong xương cho nên vật vã dữ lắm, suốt ngày đêm. Nỗi đau thân xác dày vò, nhiều người không trung thực, bịa đặt triệu chứng; không chịu đeo khẩu trang khi tiếp xúc, khạc nhổ bừa bãi khiến việc chẩn đoán, chữa trị bệnh lại càng khó khăn và nguy hiểm. Anh em ở đây nhận thức được điều ấy nên rất cẩn thận, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, cả về cai nghiện lẫn phòng, chống Covid-19.
- Chúng tôi ở đây lo cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa lo cai nghiện, chữa bệnh có liên quan tới cai nghiện vừa chữa Covid-19. Khi bệnh nhân lên cơn nghiện, phải tiến hành cắt cơn, giải độc theo phác đồ của Bộ Y tế; tiếp đó phải tư vấn, giáo dục tâm lý, sức khỏe để bệnh nhân đỡ đau đớn, vật vã. Hằng ngày anh em tổ chức theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân F0 và các trường hợp F1 để có chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho họ. Mà vừa làm chuyên môn vừa phải cảnh giác tối đa anh ạ. Bệnh nhân họ bất thường lắm.
Bình chia sẻ.
Như vậy là ba, bốn trong một. Quả thật, trong môi trường ấy, trong điều kiện ấy, không có bản lĩnh, không có tình thương con người với con người sẽ khó lòng làm được việc gì.
Đã đến giờ phát thuốc, tôi theo chân Bình đến các phòng bệnh nhân. Khổ, em cứ nhắc tôi phải hết sức cẩn thận. Ở đây có 150 giường bệnh, hiện đang cách ly, điều trị 55 ca F0 và 46 ca F1. Trước mặt tôi là những người nghiện thân hình gầy guộc, xăm trổ khắp người, ánh mắt đờ đẫn vì đói thuốc. 
- Thầy ơi, em nhức đầu quá!
- Thầy ơi, tiêm thuốc cho em đi!
… 
Họ nhao nhao lên với Bình. Và em từ tốn xử lý từng trường hợp một, dặn dò cụ thể. Trong lúc ấy, một bệnh nhân trừng mắt, nạt tôi:
- Thầy chụp hình làm gì đó, cất máy đi!
Đã được chuẩn bị sẵn, tôi không bất ngờ trước tình huống ấy. Nhưng bị bất ngờ trước một hình ảnh: Một người mẹ trẻ bế đứa bé chừng 3 tuổi đến bên Bình nhận thuốc. Cha mẹ nghiện cho nên cháu phải vào đây. Không gian đặc quánh những bệnh tật. Mà cháu lại nhỏ quá, non nớt quá! Không biết có chống chịu được không? Cháu bị đau ở tay, Bình khám và vệ sinh, bôi thuốc. Và, tôi bất ngờ thêm một lần nữa, khi Bình lấy trong túi ra mấy lọ sữa trao cho em bé, kèm theo lời dặn dò: “Cháu ngoan nhé!”. Bình bảo ở đây có 3 cháu hoàn cảnh như vậy. Các cháu ốm yếu, sức khỏe kém hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng trang lứa nên anh em ở đây thương lắm, thường xuyên cho sữa, cho quà. Có cách nào nữa không? Không hiểu sao, tôi cứ băn khoăn mãi cùng câu hỏi ấy.
Bỗng phía sau lưng chúng tôi có tiếng la hét thất thanh. Như một phản xạ, một người trong nhóm đi cùng chúng tôi lao nhanh về phía ấy. Tôi đã từng nhiều lần đi cùng bác sĩ thăm khám, chữa trị cho bệnh nhân khi thì trong khoa lao, khi thì trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng chưa lần nào lo như lần này. Chữa trị làm sao, cả hai căn bệnh song hành? Công việc gian nan, nguy hiểm quá, trong khi lực lượng ở đây lại còn mỏng quá. Mà đường phía trước hãy còn dài. 

 Khám, đo thân nhiệt bệnh nhân. Ảnh: Phong Nguyên
Khám, đo thân nhiệt bệnh nhân. Ảnh: Phong Nguyên
Câu chuyện của y sĩ Bình thuộc “vòng trong”. Còn “vòng ngoài” do lực lượng quân đội, công an đảm nhiệm. Một khuôn viên không lớn mà có tới 3 vọng gác, trực suốt 24/24. Người nghiện luôn tìm cách trốn khỏi nơi cách ly, điều trị để ra ngoài tìm thuốc. Tối đến, anh em cứ đi kiểm tra liên tục. Thậm chí, có ca bệnh chuyển từ khu F1 qua F0, y tế phải phối hợp cùng lực lượng an ninh, không làm một mình được. Quân đội lo cơm nước. An ninh, y tế, bệnh nhân, các cháu nhỏ dùng bữa tiêu chuẩn như nhau. Các anh tự nấu.
Trung tá Võ Thành Tâm, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Nha Trang chia sẻ: 
- Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, nguy hiểm. Trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, làm việc phải thường xuyên mặc quần áo bảo hộ nóng bức, và căng thẳng trong tâm thế luôn sẵn sàng cơ động để khống chế đối tượng nghiện khi họ lên cơn quậy phá, nhưng anh em ở đây nhắc nhở nhau quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, cố gắng chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh, trở về với gia đình. 
Theo số liệu của Công an tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn một nghìn đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó TP Nha Trang chiếm phần lớn. Việc quản lý đối tượng này rất khó khăn vì họ cư trú không ổn định, nay đây mai đó cho nên có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Công an TP Nha Trang đang truy quét, đưa các đối tượng này đi cách ly và điều trị nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh từ người nghiện.
Giờ cơm. Anh em quân đội mang các suất ăn vào. Có bệnh nhân ăn được. Cũng có bệnh nhân ngồi nhìn cơm như một vật thể lạ. Họ đang đói thuốc. Lầm lỡ, đường về của họ sao xa quá. Mà bao nhiêu bệnh tật nguy hiểm lại cứ bủa vây. Tôi cứ nhớ ánh mắt đau đáu của cháu bé khi nhận sữa từ tay Bình, ánh mắt như nói được sự vui mừng và hàm ơn. Có lẽ, Bình cũng cảm nhận được điều ấy.
Chiều trôi thật nặng. Tôi phải về trước 19 giờ, theo quy định của thành phố.
PHONG NGUYÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.