Nhận diện "thủ phạm" gây ra dịch sốt xuất huyết ở vùng biên giới Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong 2 năm qua, ở huyện biên giới Ea Súp, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục xuất hiện, tăng cao hơn các địa phương khác trong tỉnh. Hiện nay, các ngành chức năng đã nhận diện được "thủ phạm"  và đang phối hợp với người dân khẩn trương dập dịch. 

Một trường hợp mắc sốt xuất huyết ở huyện Ea Súp đang được các bác sĩ thăm khám, điều trị. Ảnh: Thế Hùng
Một trường hợp mắc sốt xuất huyết ở huyện Ea Súp đang được các bác sĩ thăm khám, điều trị. Ảnh: Thế Hùng
Nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết
Năm 2021, toàn huyện Ea Súp ghi nhận 741 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó, có 1 trường hợp tử vong nghi mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2022 đến ngày 20.5, địa phương này tiếp tục ghi nhận 117 ca mắc sốt xuất huyết ở 6/10 xã, thị trấn. So sánh với cùng kỳ năm 2021, tăng 115 trường hợp.
Qua thực tế cho thấy, có 2 ổ dịch sốt xuất huyết được ghi nhận nhiều nhất là tại thị trấn Ea Súp (81 ca) và xã Cư M’lan (30 ca). Trong đó, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã tiếp nhận, điều trị cho 113 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Các bệnh nhân khi nhập viện đa phần rơi vào tình trạng bệnh nặng, sốt cao, nôn mửa… 
Mới đây, anh T., ở xã Cư K’bang phải nhập viện để điều trị bệnh sốt xuất huyết. Khi bị đau đầu, nôn ói, anh T. đã tự ý mua thuốc về uống. Uống thuốc được mấy ngày thuốc nhưng bệnh tình của anh T. không hề thuyên giảm. Thậm chí, lúc này, anh T. còn bị sốt cao liên tục. Lo lắng trước sự việc, gia đình đã đưa anh T. đến bệnh viện điều trị thì được các bác sỹ chẩn đoán đã mắc sốt xuất huyết.
Chia sẻ về nguyên nhân bị sốt xuất huyết anh T. nhận định: “Xung quanh nơi tôi ở có nhiều chum, vại trữ nước nhưng không có đậy nắp. Do đó, lăng quăng, bọ gậy đã sản sinh ra nhiều muỗi. Với lại, khi đi ngủ tôi cũng không có thói quen mắc mùng màn. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tôi bị mắc sốt xuất huyêt”.
Đây là vùng đất hạn, thiếu nước tưới và nước sinh hoạt, vì vậy người dân có thói quen trữ nước mưa mọi lúc, mọi nơi.
Người dân không nên chủ quan, lơ là
Theo Bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, hiện nay, thời tiết ở địa phương đang bước vào mùa mưa. Đây là yếu tố thuận lợi để cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Nguyên nhân khiến số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Ea Súp gia tăng nhanh là do người dân còn chủ quan, ý thức phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Trong đó, người dân còn tích trữ nước mưa bằng các vật dụng không có nắp đậy. Xung quanh nhà có nhiều vật dụng chứa nước không cần thiết đã tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi, phát triển.
Điều đáng nói, khi mắc bệnh, người dân không đến ngay cơ sở y tế để khám chữa bệnh mà tự ý mua thuốc về uống. Chỉ khi bệnh quá nặng mới đến bệnh viện để điều trị. 
Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, để kịp thời ngăn chặn dịch bên lây lan rộng, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh đến từng địa bàn dân cư.
Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã phối hợp với các trạm y tế các xã, thị trấn có ổ dịch triển khai các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Đặc biệt, đơn vị này đã kiện toàn 12 đội chống dịch cơ động; trong đó, Trung tâm Y tế huyện có 2 đội và 10 Trạm Y tế xã, thị trấn mỗi đơn vị 1 đội.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã chỉ đạo các trạm y tế tăng cường xử lý môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch. Cùng với đó, đơn vị này còn cử cán bộ bám sát cơ sở, điều tra, giám sát véc-tơ truyền bệnh ở các điểm nóng như: Thị trấn Ea Súp, xã Cư M’lan, Cư K'bang.
Bên cạnh các biện pháp chuyên môn, dập dịch, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết đến người dân bằng nhiều hình thức…
Cũng theo Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, triệu chứng mắc bệnh của trẻ em và người lớn giống nhau. Tuy nhiên, ở người lớn thì số ngày sốt kéo dài hơn, triệu chứng nặng hơn và biến chứng cũng nhiều hơn.
Đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt và xuất huyết tương, suy tạng nặng, có thể gây viêm não. “Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao” - Bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà cho biết. 
Trước thực tế nêu trên, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cảnh báo mỗi người dân, gia đình nêu cao ý thức, chủ động tự bảo vệ bản thân không để bị muỗi đốt. Ngoài ra, người dân cần chủ động tiêu diệt loăng quang, bọ gậy - nguồn lây bệnh ở nơi sinh mình đang sinh sống, cứ trú mỗi ngày.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.