Biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang ảnh hưởng đến nhà vườn ĐBSCL. Từ vùng đất trù phú là vựa trái cây, lúa gạo, giờ đây người nông dân xứ 'chín rồng' đang đối mặt nhiều thách thức lớn. Phải sống chung với nó hay phải vượt qua thế nào?
|
Xoài Cao Lãnh thu hút khách hàng. Ảnh: T.NHƠN |
Việt Nam là nước nhiều trái cây nhưng chủ yếu bán trái, mà thiếu hẳn ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch để đa dạng thị trường và tăng thêm giá trị lợi nhuận. Nhà nước cần nhanh chóng có chiến lược hỗ trợ doanh nhân xây dựng hiệu quả ngành công nghiệp chế biến trái cây này. Anh Nguyễn Văn Thiệu (chủ nhà vườn huyện Đức Huệ, Long An) |
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, một lãnh đạo tâm huyết với nông nghiệp ĐBSCL.
* Thưa ông, thời gian qua hạn mặn rồi dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến nông dân, đặc biệt là nhà vườn trồng cây ăn trái tại ĐBSCL. Họ đang đối diện nhiều khó khăn, nhất là định hướng trồng cây gì để thích ứng tình hình. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Ông Lê Minh Hoan: Đúng là chúng ta đang gặp khó, đôi khi có lời giải cho vấn đề này nhưng lại mâu thuẫn với vấn đề khác.
Ví dụ như có thể tìm ra cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn mặn nhưng cây trồng đó lại không có lợi thế cạnh tranh với các nước xung quanh có cùng điều kiện tương tự như chúng ta.
Như vậy, vấn đề ở đây không chỉ là chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải phù hợp xu thế của thị trường. Tuy nhiên, thị trường thì luôn vận động và có sự khác biệt ở những thị trường khác nhau.
Thời gian qua, nông dân ĐBSCL đã năng động có nhiều mô hình mới sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, những mô hình đó vẫn còn đơn lẻ nên cần được chăm chút cả về mặt vốn đầu tư, khoa học công nghệ, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nếu không xem xét đầy đủ, toàn diện các yếu tố đó thì sẽ chuyển rủi ro từ cây trồng này sang cây trồng khác như thời gian qua.
Muốn vậy, các cơ quan chức năng chuyên ngành và từng địa phương cần kịp thời tích hợp thông tin quy mô chuyển đổi cho từng loại cây trồng, đồng thời cung cấp thông tin thị trường cho nông dân để định hướng sản xuất phù hợp.
Những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành như chuỗi giá trị giúp tăng lợi nhuận, giảm rủi ro cho nông dân. Đợt dịch COVID-19 khi giá nông sản xuống thấp, nông dân tham gia chuỗi ít bị ảnh hưởng hơn nông dân ở bên ngoài...
Các chuỗi liên kết trong thời gian qua đúng là phần nào đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nông sản, hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thời gian qua phần lớn là chuỗi liên kết, chứ chưa đạt đến bản chất chuỗi giá trị.
Đó là tạo giá trị gia tăng thông qua các hoạt động lai tạo giống, thay đổi quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng cường công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại điện tử...
Đại dịch COVID-19 vừa qua chỉ làm khó khăn thêm những gì mà nền nông nghiệp, nông dân vốn đã gặp trước đó. Dịch bệnh qua đi cũng là thời cơ để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, với tư duy không chỉ dừng lại hỗ trợ đầu vào mà hỗ trợ luôn đầu ra.
Chỉ khi nào thị trường trong và ngoài nước được khơi thông mới kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp. Nếu không, chúng ta lại tiếp tục thấp thỏm với từng mùa vụ, sản xuất nông nghiệp mang tính đối phó ngắn hạn.
* Trong tình hình hiện tại, ông đề xuất giải pháp gì giúp nền nông nghiệp ĐBSCL bền vững hơn, nhà vườn ít bị ảnh hưởng hơn từ thiên tai, nhân tai?
- Thứ nhất, cần sớm hình thành các hiệp hội ngành hàng cây ăn trái. Hiệp hội có sự tham gia của doanh nghiệp nông nghiệp, đại diện nông dân (các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, chủ trang trại...), các nhà khoa học nông nghiệp, chuyên gia thị trường, cơ quan quản lý chuyên ngành.
Hiệp hội sẽ là nơi dự báo, phân tích thông tin thị trường, đưa ra những sáng kiến mới, mô hình nông nghiệp hiện đại, giới thiệu các công nghệ mới trong hoạt động nông nghiệp.
Hiệp hội thảo luận, đưa ra các chiến lược phát triển thị trường trong dài hạn và tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh trong từng mùa vụ, kiến nghị chính sách phát triển từng ngành hàng đối với Chính phủ, các bộ chuyên ngành.
Thứ hai, Chính phủ hỗ trợ thành lập các trung tâm phân loại, bảo quản, chế biến nông sản ở các địa phương có quy mô sản xuất cây ăn trái quy mô lớn. Trung tâm sẽ là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường.
Mô hình trung tâm hoạt động tốt chính là tạo ra giá trị tăng thêm cho nông sản trong vùng, hạn chế rủi ro mùa vụ. Trung tâm sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng logistic trong nông nghiệp. Trung tâm hoạt động theo mô hình hợp tác công - tư.
Thứ ba, Chính phủ hỗ trợ các địa phương trọng điểm hình thành các cụm liên kết ngành công - nông nghiệp thu hút các doanh nghiệp, viện trường nghiên cứu và triển khai nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình kinh tế tuần hoàn: tuần hoàn nguồn tài nguyên thiên nhiên, tuần hoàn nguyên vật liệu sản xuất, tuần hoàn trong chuỗi giá trị, tuần hoàn trong nguồn vốn.
Các cụm liên kết ngành sẽ tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, vật liệu xây dựng mới, năng lượng tái tạo.
Các cụm liên kết ngành sẽ thu hút nguồn nhân lực tri thức trở về nông thôn, hoạt động và tạo ra giá trị cao trong từng khâu của chuỗi ngành hàng, huấn luyện và hình thành tầng lớp nông dân thông minh để có nền nông nghiệp thông minh.
Thực hiện được mô hình trên chính là hiện thực hóa chủ trương chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu".
Nơi nông dân bàn chuyện sản xuất, thị trường | Ông Lê Minh Hoan nói chuyện với nông dân hội quán ở Đồng Tháp - Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Đồng Tháp | 95 - Đó là số lượng hội quán trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tính đến hết tháng 6-2020, một mô hình kết nối nông dân ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc những vấn đề liên quan như kỹ thuật cây trồng, cách thức sản xuất sạch, tìm kiếm đầu ra cho nông sản. Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cũng chính là "người đỡ đầu" của mô hình hội quán. Theo đó hội quán là không gian mở, nơi nông dân kết nối nông dân, nông dân kết nối doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh... Ông Đặng Văn Những - chủ nhiệm Tâm quê hội quán (TP Cao Lãnh) - cho biết từ khi tham gia hội quán thì bà con nhà vườn bắt đầu chú trọng sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, VietGAP và tiến lên GlobalGAP. Mỗi tháng hội quán sinh hoạt ít nhất một lần để trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt giá cả thị trường, tiếp nhận kiến thức về biến đổi khí hậu... Nông dân trồng xoài trong hội quán cũng được doanh nghiệp bao tiêu với giá cả ổn định từ 18.000-22.000 đồng/kg đối với xoài cát chu. "Điểm tui thích nhất trong hội quán là nông dân có thể thoải mái phát biểu, thẳng thắn trình bày ý kiến cá nhân với lãnh đạo, chính quyền, kể cả bí thư tỉnh. Ngoài ra định kỳ đều có các chuyên gia về tập huấn các kiến thức về sản xuất, kinh doanh giúp nông dân tụi tui hiểu hơn về thị trường" - ông Những chia sẻ. |
THÀNH NHƠN - CHÍ CÔNG (TTO)