Cơ chế đấu thầu khiến nhiều người lo lắng cho số phận của của nhà đầu tư điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi khi nhiều dự án có thể không kịp tiến độ để về “đích” trước ngày 31.10.2021 để hưởng cơ chế giá cố định (giá FIT). Bởi sau thời điểm này, cơ chế giá sẽ thay đổi.
Đấu thầu làm khó nhà đầu tư
Trao đổi với Lao Động, ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind - cho hay, điện gió hiện nay không chỉ giới hạn trong việc tạo ra điện năng, kết nối lưới điện quốc gia, mà còn được tích hợp với hệ thống điện phân nước, độc lập với lưới điện, tạo ra nhiên liệu khí hydro, thay thế nhiên liệu hóa thạch, phục vụ cho phát điện từ các nhà máy tuốc bin khí, giao thông vận tải, hóa chất, tích trữ năng lượng.
Tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam cho phép Việt Nam phát triển đồng bộ các mục tiêu trên, không chỉ phục vụ trong nước mà tiến tới xuất khẩu khí nhiên liệu hydro xanh.
"Chúng tôi đã đề xuất nội dung này tới Chính phủ và Bộ Công Thương. Đó cũng là các lý do mà Nhóm Ngân hàng thế giới và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị nâng công suất điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030 là 10 GW đến 20GW so với dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện nay" - ông lan Hatton nói.
Khi được hỏi cơ chế đấu thầu sắp tới liệu có làm khó các dự án điện gió không kịp COD trước thời hạn 1.11.2021, ông lan Hatton cho rằng, việc đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi đã được các quốc gia trong khu vực Châu Á và trên thế giới phổ biến rộng rãi, trên cơ sở đó Nhóm Ngân hàng thế giới đã tổng hợp và có kiến nghị cụ thể.
"Chúng tôi đã có kiến nghị tới Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép áp dụng cơ chế đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của dự án Thăng Long Wind theo các nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và phải giảm dần do sự phát triển của công nghệ và chuỗi cung ứng" - ông lan Hatton chia sẻ.
Cần thực hiện cuộc điều tra tổng thể
Trao đổi với Lao Động, TS Đinh Văn Nguyên - Trưởng Dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn quốc, Trung tâm Quốc gia Năng lượng, Khí hậu và Biển (MaREI Centre), Đại học Tổng hợp Cork, CH Ireland - cho biết, để phát triển một dự án điện gió, trong đó có dự án trên bờ, gần bờ ngoài khơi và điện gió ngoài khơi - được hình thành dựa trên chuỗi cung ứng đủ lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao đặc biệt về nhân lực, thiết bị, tàu, máy móc và công nghệ thi công và cần nhà đầu tư, nhà thầu có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính.
Trong thời gian tới, nếu nhà chức trách xác định bỏ cơ chế giá FIT với điện gió thì cần phải có một cuộc điều tra tổng thể, xem các doanh nghiệp điện gió trong nước có nhân lực, vật lực và tài chính như thế nào, khả năng thắng thầu ra sao.
Bên cạnh đó, để tránh những hệ luỵ có thể xảy ra như điện mặt trời trong thời gian vừa qua, nhà chức trách cần trả lời được các câu hỏi: Năng lực nhà thầu điện gió đáp ứng được bao nhiêu kWh/năm và liệu đấu thầu thì đấu thầu bao nhiêu kWh/năm; đấu thầu như thế nào để các doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực.
“Tôi cho rằng, với điện gió trên bờ, hiện nay chủ đầu tư và các doanh nghiệp xây lắp cơ bản tự chủ rồi, có tiềm lực tài chính nên thực hiện cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đấu thầu thì cần đạt mục tiêu quan trọng nhất, đó là tối ưu hiệu quả của giá đấu thầu, giá mua điện cuối cùng. Làm sao để việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có lộ trình cụ thể, diễn ra liên tục trong 5 năm" - TS Đinh Văn Nguyên nói.
Còn với điện gió ngoài khơi, theo chuyên gia này, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu nên được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bởi, không giống như điện gió trên bờ, đầu tư của ngành điện gió ngoài khơi rất phức tạp, cần sự hợp tác giữa các nhà phát triển dự án và chính quyền, xây dựng được chuỗi cung ứng ngay tại địa phương. Cơ chế giá gắn với việc đầu tư theo từng giai đoạn, chuyển từ FIT sang thực hiện đấu thầu, sẽ giúp các bên liên quan có thêm thời gian học hỏi, tăng thêm kinh nghiệm.
Theo Cường Ngô (LĐO)