Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VN Pharma bị cáo buộc buôn lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại phiên tòa. |
Trong phiên xét xử vụ án buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma diễn ra sáng 22-8 tại Tòa án nhân dân TPHCM, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM tiến hành luận tội và đề nghị mức án cụ thể đối với từng bị cáo.
Theo đó, bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường-Giám đốc Công ty Hàng hải Quốc tế H&C được xác định là đứng đầu vụ án, có vai trò như nhau trong việc buôn lậu trót lọt 9.300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trị giá 5 tỉ đồng. Viện kiểm sát bác bỏ lời khai của cả hai khi cho rằng không biết, không hiểu và chỉ sau khi điều tra vụ án mới biết...
Viện kiểm sát nhấn mạnh, hành vi buôn lậu thuốc kém chất lượng này ảnh hưởng, tổn thất về nhiều mặt cần xử nghiêm. Tuy nhiên cũng xét số thuốc này đã bị phát hiện ngăn chặn kịp thời chưa phân phối đến các bệnh viện... Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt mỗi bị cáo từ 10 đến 12 năm tù.
7 đồng phạm khác bị đề nghị mức án từ 2-3 năm đến 7-9 năm tù về một trong hai tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đồng thời Viện kiểm sát cũng đề nghị toà kiến nghị làm rõ một số cá nhân có liên quan đến vụ án...
Trước đó, đầu năm 2013, Hùng thông qua môi giới là Cường đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc Capicitabine 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư.
Khi công ty VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg về kho, do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc, không cho bán ra thị trường.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Tháng 8-2014, Cục Quản lý dược có công văn gửi Bộ Công an đề nghị xác minh.
Kết quả điều tra cho thấy các giấy chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả; không có công ty nào đăng ký kinh doanh như giấy tờ của VN Pharma nộp cho Cục Quản lý dược. Đồng thời, dấu hợp pháp lãnh sự, chữ ký của Tham tán Đại sứ Việt Nam tại giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc, giấy chứng nhận bán hàng tự do đều là giả.
Chiều 22-8, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Tiến Dũng (VOV)