(GLO)- Cảm thương trước những mảnh đời nghèo khó và kém may mắn, hơn 2 năm qua, anh Nguyễn Thanh Truyền (thôn 11, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) luôn tìm mọi cách để quyên góp tiền, nhu yếu phẩm… nhằm hỗ trợ, động viên họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Với anh, đơn giản “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Làm từ thiện bằng… tiếng hát
Khi biết chúng tôi hẹn gặp để viết báo, anh Truyền cười hiền nói rằng, việc anh làm chẳng có gì lớn lao nên tỏ ý khước từ. Nhưng rồi sau nhiều lần thuyết phục, anh mở lòng và bắt đầu kể cho tôi nghe về cái duyên thiện nguyện của mình.
Sinh năm 1981, khi trưởng thành, anh Truyền lập gia đình và luôn cố gắng vun đắp cho tổ ấm nhỏ của mình. Vợ mang thai đứa con đầu lòng, anh vui mừng khôn xiết. Thế nhưng niềm hân hoan ấy không kéo dài được bao lâu. Trong lần khám thai định kỳ 3 tháng, bác sĩ thông báo đứa bé có độ mờ da gáy cao, nguy cơ bị hội chứng Down là rất lớn. “Lúc ấy, vợ chồng tôi buồn và hụt hẫng vô cùng, song vẫn quyết định giữ bé lại. May mắn là khi sinh ra (năm 2008-N.V), cháu chỉ bị Down ở thể nhẹ, hơi thiểu năng trí tuệ. Đến năm 2012, vợ chồng tôi có được đứa con trai thứ 2, trời thương nên cháu khỏe mạnh bình thường”-anh Truyền nhớ lại.
Anh Nguyễn Thanh Truyền (bìa phải) đi hát từ thiện nhằm hỗ trợ gia đình ông Lê Minh Hướng (thôn 9, xã Nghĩa Hưng). Ảnh: M.T |
Ngày ngày nhìn đứa con trai đầu khôn lớn, anh tự nhủ sẽ làm một điều gì đó để “tích đức” cho con, cầu mong bé có được cuộc sống vui vẻ và an yên sau này, song bản thân thì vẫn chưa hình dung cụ thể sẽ phải làm gì. Cho đến một ngày cuối năm 2016, anh Truyền vô tình gặp lại cô em Mai Thị Kim Yến thân thiết thuở xưa đang bán chè tại chợ Nghĩa Hưng. Thật bất ngờ khi thấy đôi mắt Yến đã vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng sau một vụ tai nạn. Anh Truyền tâm sự: “Thấy Yến tội quá, tôi rất muốn giúp Yến có thêm ít đồng trang trải cuộc sống. Rồi tôi nảy ra ý định dùng cái loa kẹo kéo vừa mới mua, mang ra chợ ngồi hát để mọi người quyên góp tiền giúp đỡ Yến. Chẳng ngờ những ngày giáp Tết trời lạnh, 3 ngày tôi đến chợ đều không thấy Yến ra bán. Cuối cùng, tôi đành phải nhờ người bạn đến nhà chở Yến tới. Hôm đó, tôi hát, bà con xung quanh quyên góp được cho Yến số tiền 2,8 triệu đồng. Dẫu chỉ là số tiền nhỏ nhưng lòng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng”.
Khi trò chuyện cùng chúng tôi, chị Yến vẫn không thể ngăn được dòng nước mắt, nghẹn ngào nói: “Từ khi bị mù 2 mắt, tôi luôn mặc cảm với mọi người xung quanh. Lúc nào cũng nghĩ rằng, bản thân tật nguyền thì người ta sẽ xa lánh chứ chẳng ai để ý chi đến mình. Vậy nên khi nhận được sự quan tâm từ anh Truyền, tôi cảm thấy rất ấm lòng. Đó là món quà vật chất lẫn tinh thần to lớn giúp tôi sống lạc quan hơn”.
Nhân lên tình yêu thương
Sau ngày ca hát giúp chị Yến, người dân trong vùng đã “đánh tiếng” nhờ anh Truyền tiếp tục giúp đỡ một vài hoàn cảnh khó khăn khác tại thôn 8 và thôn 9 (xã Nghĩa Hưng). Với 6 triệu đồng quyên góp được, anh trao cho 4 trường hợp kém may mắn, mỗi người 1,5 triệu đồng. Và cũng từ đây, anh cũng bắt đầu “gửi gắm” tấm lòng thiện nguyện của mình đến những ai cần giúp đỡ trên địa bàn xã Nghĩa Hưng. Bất kể mưa nắng, ngày đêm, hễ ai cần là anh đều sẵn sàng nhận lời giúp đỡ.
Cảm phục và trân quý tấm lòng bao dung, yêu thương người khó khổ của anh Truyền, năm 2017, một số người dân trong xã đã ngỏ ý được cùng anh tham gia các hoạt động thiện nguyện. Và Hội Thiện nguyện Nguyễn Chí Thanh-xã Nghĩa Hưng cũng chính thức ra đời từ đó. “Nguyễn Chí Thanh là tên đứa con trai đầu của tôi. Đây chính là hành động ý nghĩa nhất mà tôi cùng mọi người trong Hội muốn làm cho người nghèo khó, bệnh tật, kém may mắn ở Nghĩa Hưng và là cho cả thằng bé”-anh Truyền bày tỏ.
Đến nay, Hội đã thu hút hơn 20 thành viên, đa số đều là những tiểu thương ở chợ, người kinh doanh, buôn bán trên địa bàn xã. Bà Nguyễn Thị Đi-chủ Cơ sở dịch vụ tiệc cưới Phú Quý (thôn 2, xã Nghĩa Hưng) cho hay: “Tôi biết Truyền từ lúc nhỏ. Tôi thấy việc làm của Truyền khá hay và ý nghĩa nên đề nghị tham gia cùng suốt hơn 1 năm nay. Khi nào không thể có mặt góp công, tôi đều ủng hộ ít tiền để giúp đỡ các trường hợp khốn khó”.
Ngoài biểu diễn văn nghệ, anh Truyền cùng các thành viên còn tổ chức bán hàng quyên góp, cắt tóc miễn phí, nấu cháo từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện…; tặng gạo, mì gói, nhu yếu phẩm cần thiết; phát quà cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu, Tết Nguyên đán; tặng quần áo cũ, sách giáo khoa cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số; tặng học bổng để học sinh khó khăn tiếp tục đến trường… với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 70 triệu đồng. “Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tổ chức hát từ thiện kết hợp bán hàng quyên góp 2 lần, có hôm được cả chục triệu đồng, có ngày chỉ được vài trăm ngàn đồng. Thậm chí lắm lúc còn bị nhiều người cản trở hoạt động, chế giễu là “đồ dở hơi, nghèo mà bày đặt làm sang”, chỉ biết “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi nản chí. Nghe ở đâu có trường hợp cần giúp đỡ là tôi lại kéo loa đi hát, báo tin cả Hội cùng lên đường. Tôi nghĩ đơn giản là họ cần mình cốt chính là ở tấm lòng chứ vật chất mình giúp họ cũng chẳng nhiều nhặn gì”-anh Truyền nói.
Sau những giờ phút sống hết mình vì cộng đồng, anh Truyền lại trở về với công việc chăm sóc 600 gốc cà phê của gia đình hay phụ vợ chăm con, làm nghề tóc. Ngoài ra, anh còn làm quản lý cho Câu lạc bộ Bi-a Thu Thủy (thôn 6, xã Nghĩa Hưng) với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Nói về điều khiến mình trăn trở trong hành trình thiện nguyện hơn 2 năm qua, anh chỉ khẽ mỉm cười rồi nhẹ nhàng đáp: “Có làm từ thiện tôi mới thấy nhiều người còn khổ và éo le hơn mình. Vậy nên lúc nào còn sức khỏe, còn khả năng, tôi vẫn cứ muốn làm việc thiện này, không chỉ là trong xã như bây giờ mà có thể còn mở rộng phạm vi giúp đỡ ra toàn huyện cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh”.
MỘC TRÀ