Nguy cơ sạt lở cận kề bên khu tập thể giữa phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm sâu trong con hẻm 58 Phạm Văn Đồng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Hàng chục năm nay, 33 hộ dân ở khu tập thể Công ty Xây Lắp 1 đang phải “nương nhờ” bên khu tập thể “lụp xụp”. Nguy hiểm hơn, hàng tấn đất đá đang treo “lơ lửng” trên đầu người dân chỉ chờ ngày ụp xuống.

“Nguy hiểm” rình rập

 

 Hơn 33 hộ dân “nương nhờ” khu tập thể xập xệ. Ảnh: Hải Băng
Hơn 33 hộ dân “nương nhờ” khu tập thể xập xệ. Ảnh: Hải Băng

Được biết, năm 1986 Công ty Xây Lắp tỉnh Gia Lai (nay đã giải thể) có xây dựng một khu tập thể tại tổ 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku: gồm 5 dãy nhà, 33 căn phòng được bố trí cho 33 hộ gia đình công nhân ở khu tập thể. Tuy nhiên khi giải thể công ty, toàn bộ tài sản này không được đánh giá vào tài sản để thực hiện thủ tục giải thể theo quy định. Vì vậy, quỹ đất cũng như số tài sản trên đất không có cơ quan chủ thể quản lý cho đến thời điểm hiện nay.

Phó mặc nguy hiểm, hàng chục hộ dân trong khu tập thể Xây Lắp 1 vẫn phải “nương nhờ” ở khu tập thể “lụp xụp”. Theo quan sát của chúng tôi, đây là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, sau dãy nhà khu tập thể nói riêng và dọc hẻm 58 Phạm Văn Đồng là những sườn đồi cao hơn 10 mét. Phía trên đồi là những căn nhà được xây dựng và các cây to hàng chục năm tuổi đang “treo” trên đầu khu tập thể. Ngoài ra những hộ dân phía trên còn đổ đất, đá bên vách đồi nên khi mưa trút xuống, toàn bộ đất trên vách đồi bị sạt lở, trôi theo dòng nước ập xuống những ngôi nhà của các hộ dân gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của họ.

Theo thống kê của UBND phường Hoa Lư, vừa qua đã có khoảng 6 lần sạt lở, đất đá, nước từ trên vách đồi đổ xuống làm sụt lún, nứt nhà của các hộ dân. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã báo cáo với UBND TP. Pleiku để tiến hành giải quyết. Các hộ đã tự khắc phục bằng cách dựng nhà tạm ra phía trước khu đất để ở và sinh hoạt cho an toàn hơn. Tuy nhiên tình trạng sạt lở, sụt lún vẫn tiếp diễn, tính mạng của người dân vẫn “lơ lửng” từng ngày.

Một hộ dân đã gắn bó với khu đất này gần 35 năm bà Nguyễn Thị Em (58 tuổi) bức xúc: “Nhà tôi ở sát dưới chân đồi, mỗi khi mưa to toàn bộ đất đá, nước mưa đều đổ xuống. Trận mưa lớn vừa rồi đất đá lại sạt lở xuống ngay cạnh nhà kho của tôi, may mà có nhà kho đỡ đi một phần chứ không thôi cũng sập luôn nhà rồi. Nhà tôi cũng như các hộ dân ở đây có nguyện vọng được tịch tiến ra phía trước khu đất để xây dựng nhà mới, và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sửa chữa, xây dựng lại nhà mới chứ sống kiểu này giống theo kiểu sống nay chết mai biết đâu mà lần”.

Ông Lê Đình Thắng-Tổ trưởng tổ dân phố 2, phường Hoa Lư, TP. Pleiku cho biết: “Trước đây, khu vực này đã bị sạt lở nhiều lần, đặc biệt là vào mùa mưa bão, đất đá từ trên đồi lăn xuống làm nứt nhà và có nguy cơ bị sập. Sau đó thì người dân đã rà soát sửa chữa theo kiểu sống được ngày nào hay ngày ấy, tính mạng người dân dưới chân đồi hiện đang bấp bênh”.

Dân mong chờ được ổn định


 

 Nguy hiểm sạt lở tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Ảnh: Hải Băng
Nguy hiểm sạt lở tại hẻm 58 Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Ảnh: Hải Băng

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, cũng như để nắm rõ được tâm tư nguyện vọng của người dân. UBND phường Hoa Lư đã tổ chức họp toàn bộ nhân dân khu vực Công ty Xây Lắp 1 và các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở để lấy các ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân về việc lập phương án di dời, bố trí nơi ở khác.

Hiện nay, các căn nhà đã cũ, xuống cấp trầm trọng lại nằm sát vách dưới chân đồi bị ảnh hưởng sạt lở nên các hộ đề nghị được di chuyển tạm ra phía trước để sinh hoạt. Tại cuộc họp, nhiều hộ dân đã đề nghị các cấp sớm khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở. Nếu việc sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng người dân, không tiếp tục được thì các hộ thống nhất thực hiện theo chủ trương của Nhà nước là di dời đi nơi ở khác. Nếu vẫn đảm bảo, thì xem xét hóa giá để các hộ dân sửa chữa, xây lại nhà và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Hồ Thị Nhâm-Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku nói: “đã nhiều lần ý kiến khu vực này vì ở sát chân đồi cao rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, môi trường khu vực này không đảm bảo vì một số hộ che tạm công trình phụ ra phía trước để sinh hoạt đã gây ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan đô thị.  Tuy nhiên các hộ dân đã sống ở đây rất lâu, nếu ở được thì giải quyết cho toàn bộ các hộ dịch chuyển ra phía trước khu đất để xây dựng nhà ở nhằm ổn định cuộc sống cho bà con”.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch phường Hoa Lư cho biết: “Trước tình hình sạt lỡ tại khu tập thể Công ty Xây Lắp, chúng tôi đã rà soát và kiểm tra cụ thể thực trạng. Ngoài ra đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến, nguyện vọng của các hộ dân tại khu tập thể Công ty Xây Lắp để lập phương án di dời, bố trí nơi ở mới. Tại cuộc họp ngày 29-7 vừa qua, UBND phường Hoa Lư đã ghi nhận các ý kiến của các hộ dân. Qua đó, phường cũng đã có báo cáo, kiến nghị lên UBND thành phố để sớm có hướng giải quyết”.

Hải Băng

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.