(GLO)- Đã có một thời nhắc đến xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là nhắc đến sự xa xôi cách trở, nhắc đến nghèo đói và lạc hậu. Thế nhưng, từ khi có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, người dân ở xã đặc biệt khó khăn này đã có thêm luồng sinh khí mới để vươn lên thoát nghèo.
Đưa nước sạch về làng
Một trong nhiều việc làm ý nghĩa mà dự án hỗ trợ cho bà con nghèo Kon Chiêng phải kể đ
Cán bộ dự án đang hướng dẫn bà con làng Tar cách chăm sóc lúa lai. Ảnh: Đinh Yến |
Trưởng thôn Đinh Hưth, cho biết: Gần 5 năm qua, hệ thống nước tự chảy của làng Đak Lah bị hỏng, bà con phải đi hàng cây số mới tới được suối lấy nước. Nước suối đục và bị ô nhiễm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Trước thực trạng này, cuối năm 2014, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã khảo sát và quyết định hỗ trợ trên 400 triệu đồng để sửa chữa lại hệ thống nước tự chảy cho làng Đak Lah.
Những ngày cuối năm 2015 công trình bắt đầu được sửa chữa, bà con tập trung đông đủ tham gia góp ngày công. Người thì đào đất, người thì bắc đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về. Với sự hỗ trợ máy móc, cùng với sức người, đường ống được thay mới kiên cố, một bể chứa nước chính được xây bằng xi măng đặt ở giữa làng, một bồn nước bằng inox 2.000 lít đặt ở điểm cuối làng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lấy nước dùng. Sau nhiều năm hệ thống nước tự chảy cũ bị hư hỏng, nguồn nước sạch đã về lại với dân làng. Đây cũng là niềm mơ ước mà không phải thôn làng đặc biệt khó khăn nào cũng có được.
Chị Đinh Bơi-Hội trưởng Hội Phụ nữ làng Đak Lah cho biết, từ khi có nước sạch, mọi sinh hoạt trong gia đình của chị em ở đây trở nên dễ dàng hơn. “Trước đây, mỗi khi mưa lớn là nguồn nước tự chảy dẫn về có màu đục kèm theo rác nên bà con rất bất an trong việc sử dụng nấu nướng, sinh hoạt. Giờ thì nhà nào cũng yên tâm sử dụng nước sạch, hết nước sinh hoạt là ra bể lấy”-chị Đinh Bơi nói.
Để tránh gây lãng phí trong quá trình sử dụng nước sinh hoạt, ông Chu Nghệ Tĩnh-cán bộ sinh kế và phát triển thị trường Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mang Yang, cho biết: “Tuy số tiền mà dự án hỗ trợ không lớn nhưng việc tu sửa lại công trình nước tự chảy cho dân làng là một việc làm hết sức ý nghĩa. Thông qua việc được dùng nước sạch sẽ tác động đến tư duy của bà con trong cách chăm sóc sức khỏe, ăn uống hợp vệ sinh để ngăn ngừa bệnh tật”.
Đến những hiệu quả bước đầu
Về xã Kon Chiêng vào thời điểm này, đi đến đâu chúng tôi cũng thấy người dân nói về những việc làm mà dự án hỗ trợ. Ngoài hỗ trợ sửa chữa nước tự chảy cho làng Đak Lah, dự án còn hỗ trợ cho 10 hộ nghèo làng Đak Ó nuôi bò lai sinh sản. Mỗi hộ được dự án hỗ trợ 1 con bò lai giống, hỗ trợ làm chuồng, trồng cỏ, thức ăn tinh trong 6 tháng đầu và cán bộ thú y hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò… Anh Bam-Trưởng nhóm LEG nuôi bò lai sinh sản làng Đak Lah vui mừng: “Sau 5 tháng được dự án hỗ trợ, các thành viên trong nhóm đã cùng nhau chăm sóc, những con bò lớn nhanh, khỏe mạnh. Hiện nhóm của mình đã có 3 con bò mang thai. Ít thời gian nữa thôi, những con bê ra đời, các thành viên trong nhóm sẽ rất vui. Từ đó, các hộ không chỉ có thêm việc làm, có thêm thu nhập mà cuộc sống cũng được ổn định hơn”.
Ở các làng Bơ Chắc, Thương và Hya, chúng tôi cũng dễ bắt gặp hình ảnh những vườn rau xanh mướt với các loại rau mồng tơi, cải ngọt, rau muống, đậu cô ve, cải cay và bí… được bao bọc kỹ lưỡng bởi những hàng rào lưới B40. Bên ngoài vườn rau là những đàn gà lớn, nhỏ đang thảnh thơi kiếm ăn. Tất cả những vườn rau và đàn gà của 30 hộ thuộc 3 nhóm cải tạo vườn hộ của 3 làng kể trên đều được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ giúp cải thiện dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày cho các hộ tham gia dự án. Còn tại 2 làng Toăk và Tar, các thành viên của 2 nhóm sản xuất lúa lai cũng đang vui mừng không kém khi 2 ha lúa lai của bà con nơi đây được dự án hướng dẫn triển khai vụ đầu tiên. Chia sẻ về niềm vui này, chị Lyơch-Trưởng nhóm sản xuất lúa lai làng Tar, kể: “Khi các hộ tự nguyện tham gia vào nhóm sản xuất lúa, có cán bộ dự án đến hướng dẫn bà con làm nên ai cũng vui. Trước đây, bà con trong làng chưa biết áp dụng khoa học-kỹ thuật nên năng suất lúa đạt thấp lắm. Sau khi có dự án hỗ trợ, hướng dẫn cách làm, các thành viên trong nhóm làm theo, dù lúa mới đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng nhưng thấy lúa tốt lắm. Hy vọng, đây là tiền đề để những vụ sản xuất tiếp theo, bà con tự làm được lúa nước cho năng suất cao”.
Bà Đinh Thị Kuenh-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng, kiêm Phó Trưởng ban Phát triển xã, cho biết: “Năm 2015, nhờ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, xã Kon Chiêng đã có hàng trăm hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 67% theo tiêu chí mới”.
Đinh Yến