Người Việt có thể ngắm những trận mưa sao băng lớn nhất năm 2023 khi nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dựa vào lịch trình hằng năm, người yêu thiên văn có thể sắp xếp để quan sát được những trận mưa sao băng rực rỡ trên bầu trời.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam VACA, sao băng hay mưa sao băng là hiện tượng đã được quan sát từ nhiều thế kỷ ở nhiều nền văn hoá, thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Đêm nào cũng có thể quan sát được sao băng

Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), thiên thạch (meteoroid) là các vật thể nhỏ có thể di chuyển trên bất kỳ quỹ đạo nào trong không gian. Kích thước của thiên thạch có thể chỉ vài centimet cho tới vài mét hay thậm chí lớn hơn.

Nhiều trận mưa sao băng xuất hiện trên bầu trời hằng năm. Ảnh: VACA

Nhiều trận mưa sao băng xuất hiện trên bầu trời hằng năm. Ảnh: VACA

Trên thực tế, có hàng triệu thiên thạch lao vào trái đất hằng ngày, hầu hết chúng rất nhỏ và bị nghiền nát ngay khi va chạm với tầng cao khí quyển. Những thiên thạch có kích thước lớn hơn (khoảng 10 cm trở lên) bị đốt nóng do áp suất nén của khí quyển và phát sáng thành vệt dài trên đường chuyển động.

Thông thường, vệt sáng này được quan sát thấy khi thiên thạch ở độ cao khoảng 75 - 120 km so với mặt đất (nếu khi tới đó nó chưa cháy hết). Hiện tượng đó được gọi là sao băng (meteor, hay shooting star, falling star).

Khi trời không mây và ít ô nhiễm ánh sáng, bất cứ đêm nào người quan sát cũng có thể thấy được một vài sao băng. Ảnh: HUY HUYNH

Khi trời không mây và ít ô nhiễm ánh sáng, bất cứ đêm nào người quan sát cũng có thể thấy được một vài sao băng. Ảnh: HUY HUYNH

“Khi trời không mây và ít ô nhiễm ánh sáng, bất cứ đêm nào người quan sát cũng có thể thấy được một vài sao băng, mặc dù vậy sự xuất hiện của chúng là không có chu kỳ cụ thể. Những sao băng sáng nhất có thể kéo dài một vài giây, nhưng hầu hết sao băng thông thường chỉ kéo dài chưa tới 1 giây trước khi tắt do thiên thạch cháy rất nhanh trong khí quyển”, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn nói thêm.

Mưa sao băng và bão sao băng

Ông Sơn cũng cho biết mưa sao băng (meteor shower) là hiện tượng quang học xảy ra khi nhiều sao băng xuất hiện cùng lúc hoặc liên tiếp với điểm xuất phát chung trên bầu trời. Mưa sao băng bắt nguồn từ đám mảnh vụn gồm rất nhiều thiên thạch trên quỹ đạo trái đất, thường là phần sót lại của các tiểu hành tinh hay sao chổi khi chúng đi qua quỹ đạo hành tinh.

Những đám thiên thạch này thường chứa nhiều thiên thạch, không đi toàn bộ vào khí quyển trái đất khi hành tinh của chúng ta đi qua khu vực của chúng. Do đó hầu hết mưa sao băng là hiện tượng diễn ra hàng năm theo định kỳ.

“Mưa sao băng thường kéo dài nhiều ngày, nhưng chỉ có một khoảng cực điểm ngắn. Tại cực điểm, một mưa sao băng có thể cho phép người quan sát nhìn thấy từ 10 đến hơn 100 sao băng (hoặc hơn) mỗi giờ (tuỳ thuộc vào mưa sao băng lớn hay nhỏ)”, chuyên gia nói thêm.

Đặc biệt, đã có một số mưa sao băng đặc biệt lớn với mật độ hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sao băng mỗi giờ từng được ghi nhận, được gọi là các trận bão sao băng (meteor storm). Nổi tiếng về khả năng tạo bão nhất là mưa sao băng Leonids được ghi nhận đã gây ra bão sao băng vào các năm 1799, 1833 và 1966.

Theo chuyên gia, sao băng và mưa sao băng chỉ có thể quan sát vào ban đêm, mặc dù ban ngày các thiên thạch vẫn lao vào khí quyển trái đất nhưng chúng quá mờ nhạt so với ánh sáng mặt trời.

Để quan sát được mưa sao băng cần "sự ủng hộ" của thời tiết. Ảnh: HUY HYUNH

Để quan sát được mưa sao băng cần "sự ủng hộ" của thời tiết. Ảnh: HUY HYUNH

Việc quan sát sao băng đòi hỏi yếu tố khí quyển rất quan trọng. Các đám mây mang nước ở thấp hơn nhiều so với độ cao mà thiên thạch cháy sáng, do đó những đêm mây mù hay có mưa hoàn toàn không có khả năng quan sát hiện tượng này.

Tại các khu vực ô nhiễm khí quyển như các đô thị lớn, các công trường xây dựng khả năng quan sát cũng hạn chế. Trăng sáng hoặc ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt cũng làm giảm mạnh khả năng quan sát sao băng.

Tên của các trận mưa sao băng được đặt theo tên chòm sao có chứa tâm của nó (nơi xuất phát của tất cả sao băng). Dưới đây là bảng thống kê các mưa sao băng định kì hằng năm. Lưu ý rằng bảng này chỉ đưa thông tin về thời điểm hiện tượng diễn ra, việc quan sát hiện tượng mỗi năm cần kết hợp với dự báo thời tiết và theo dõi các điều kiện liên quan như đã nêu.

Lịch mưa sao băng năm 2023

Lịch mưa sao băng năm 2023

* Lưu ý:

- Bảng trên chỉ đưa thông tin lịch trình, việc quan sát cần dựa vào điều kiện thời tiết, mặt trăng và vị trí từng khu vực.

- Bảng chỉ đưa thông tin về các mưa sao băng có mật độ trên giờ là trên 10.

- Không nhất thiết mưa sao băng có mật độ cao hơn thì lớn hơn, độ sáng của sao băng và độ dài của khoảng cực điểm cũng là những yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, Quadrantids có mật độ cao nhưng không được tính là mưa sao băng lớn như Perseids hay Geminids.

- Cực điểm mang tính tương đối, có thể rơi vào ban ngày, do đó thời điểm phù hợp nhất để quan sát hiện tượng đôi khi có thể chênh lệch 1 ngày so với bảng trên.

Có thể bạn quan tâm