Kỳ thú tháng 5: Xuất hiện nguyệt thực và mưa sao băng trên bầu trời Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), nguyệt thực nửa tối, mưa sao băng cùng nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ xuất hiện trên bầu trời Việt Nam vào tháng 5 này.

1. Mưa sao băng Eta Aquarids

Tháng 5 là tháng của mưa sao băng Eta Aquarids, kéo dài đến ngày 28.5 và có nguồn gốc từ sao chổi nổi tiếng Halley. Ở nam bán cầu, mưa sao băng này có thể đạt tần suất lên tới 60 vệt/giờ. Trong khi ở bắc bán cầu, con số này chỉ bằng một nửa.

Mưa sao băng Eta Aquarids sẽ đạt cực đại vào ngày 5.5. Ảnh: Huy Huynh

Mưa sao băng Eta Aquarids sẽ đạt cực đại vào ngày 5.5. Ảnh: Huy Huynh

Thật đáng tiếc đêm 5.5, rạng sáng 6.5 năm nay – thời điểm mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đại lại rơi vào đêm trăng gần tròn nên nhiều vệt sao băng sẽ bị ánh trăng sáng “vùi dập” không thương tiếc.

2. Nguyệt thực nửa tối

Cũng vào đêm 5.5, rạng sáng 6.5, người Việt Nam có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc bán phần, mặt trăng trong kỳ nguyệt thực nửa tối chỉ bị tối đi đôi chút, chứ không chuyển sang màu đỏ.

Tại Hà Nội, hiện tượng này bắt đầu lúc 22 giờ 14 phút (ngày 5.5), đạt cực đại lúc 0 giờ 22 phút (ngày 6.5). Nguyệt thực nửa tối kết thúc lúc 2 giờ 41 phút (ngày 6.5).

3. Trăng sữa

Trăng tròn trong tháng 5 sẽ diễn ra vào lúc 17 giờ 36 phút ngày 5.5 theo giờ UTC (tức 0 giờ 36 phút ngày 6.5 giờ Việt Nam). Như đã nói ở trên, pha trăng tròn lần này sẽ diễn ra đồng thời với hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Trăng tròn trong tháng 5 sẽ diễn ra vào lúc 0 giờ 36 phút ngày 6.5 giờ Việt Nam. Ảnh: Huy Huynh

Trăng tròn trong tháng 5 sẽ diễn ra vào lúc 0 giờ 36 phút ngày 6.5 giờ Việt Nam. Ảnh: Huy Huynh

Kỳ trăng tròn tháng 5 được người thổ dân châu Mỹ xưa kia gọi là trăng hoa bởi đây là thời điểm hoa mùa xuân nở rộ. Ngoài ra, trăng tròn lần này cũng còn được gọi là trăng trồng ngô hoặc trăng sữa.

Ngắm miệng hố Copernicus

Trong tháng 5 này, có thể dùng ống nhòm và kính thiên văn để ngắm miệng hố Copernicus. Miệng hố này được đặt tên theo tên của nhà thiên văn học vĩ đại người Ba Lan, N. Copernicus – người đã khởi xướng thuyết nhật tâm, qua đó mở ra một trang sử mới cho thiên văn học. Ngày nay, hố Copernicus với đường kính 90 km được coi là miệng hố đẹp nhất trên mặt trăng, mang biệt danh "Vua của mặt trăng" (the Monarch of the Moon).

4. Ghé thăm “gia đình” các hành tinh

Sao Kim là tiêu điểm của tháng 5. Hành tinh này sẽ tỏa sáng như một “sao Hôm” ở hướng tây, sau khi mặt trời lặn. Vào chiều ngày 23.5, hành tinh này sẽ có một cuộc gặp gỡ (giao hội) với trăng lưỡi liềm đầu tháng. Hai thiên thể sẽ cách nhau chừng 2 độ trên bầu trời chạng vạng tối.

Chờ đón tháng 5 với nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú. Ảnh: Huy Huynh

Chờ đón tháng 5 với nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú. Ảnh: Huy Huynh

Trong khi đó, sao Hỏa tỏa sáng yếu. Hành tinh này sẽ xuất hiện trên bầu trời buổi tối ở phía tây, lặn lúc nửa đêm. Còn sao Thổ trong tháng 5 sẽ mọc lúc nửa đêm về sáng ở hướng đông, càng về cuối tháng sẽ càng mọc sớm hơn. Bạn chỉ có thể quan sát hành tinh này vài tiếng trước khi mặt trời mọc.

Sao Mộc đang ở thời điểm bất lợi cho quan sát. Hành tinh này mọc lúc rạng sáng, nên gần như cả ngày nó chu du cùng ánh sáng chói chang của mặt trời.

Có thể bạn quan tâm