Lần đầu phát hiện nước băng ngoài hệ mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kính James Webb của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên phát hiện nước băng bên ngoài hệ mặt trời.

Mô phỏng đĩa sao chứa nước băng xung quanh HD 181327
Mô phỏng đĩa sao chứa nước băng xung quanh HD 181327

Nước băng được tìm thấy bên trong đĩa sao xoay quanh HD 181327, một ngôi sao trẻ, tương tự mặt trời, cách trái đất khoảng 155 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Viễn Vọng Kính.

Băng liên kết với các hạt bụi mịn của đĩa sao và tập trung nhiều hơn ở rìa ngoài, nơi nhiệt độ thấp hơn.

Các nhà thiên văn học gọi băng vừa phát hiện ở hệ sao HD 181327 là "nước băng", để phân biệt với những dạng phân tử đóng băng khác, như carbon dioxide dưới dạng "băng khô".

"Kính James Webb phát hiện rõ ràng không chỉ nước băng, mà còn là nước đá kết tinh", theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature dẫn lời tác giả - nhà thiên văn học Chen Xie của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).

Ông Xie giải thích nước đá kết tinh được tìm thấy ở nhiều nơi trong hệ mặt trời của chúng ta, từ một số mặt trăng của sao Thổ, sao chổi và những thiên thể ở Vành đai Kuiper ở rìa Thái Dương hệ.

Các nhà thiên văn học nhiều thập niên qua đã chờ đợi thông tin xác thực việc phát hiện nước băng trong vũ trụ, dựa trên chứng cứ được thu thập ở hệ mặt trời. Thế nhưng, phải chờ đến khi kính James Webb được phóng lên thì hy vọng mới trở thành hiện thực.

Sau khi nghiên cứu này hoàn tất, đội ngũ chuyên gia sẽ tiếp tục tìm kiếm những ví dụ khác về nước băng trong các đĩa sao và những hệ sao với hành tinh trên khắp Dải Ngân hà.

"Sự hiện diện của nước băng giúp thúc đẩy sự hình thành của các hành tinh", ông Xie cho biết.

Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm