(GLO)- Tham gia vào sáng kiến “Người vận động” của Tổ chức Handicap International của Vương quốc Bỉ nhằm ủng hộ “Công ước không bom chùm”, ông Phạm Quý Thí (xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), bằng những trải nghiệm của bản thân-một nạn nhân bom mìn, cùng vốn sống được tích lũy trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các nạn nhân bom, mìn tại cộng đồng đã đi rất nhiều nước trên thế giới để thực hiện sứ mạng là người vận động tích cực của công ước quan trọng này.
Như nỗi buồn đã qua…
Năm 22 tuổi, cái tuổi đang căng tràn nhựa sống với biết bao dự định ấp ủ cho tương lai, chàng thanh niên mạnh khỏe Phạm Quý Thí bỗng chốc trở thành người tàn phế. Trong một lần đi làm đồng, một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh bất ngờ phát nổ, anh Thí bị mất đi nửa cánh tay phải cùng với rất nhiều vết thương trên cơ thể. Đó là năm 1977, đất nước đã hòa bình, thống nhất được hai năm.
Ông Phạm Quý Thí (phải) tại Hội thảo ở Bali, Indonesia, năm 2009, (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Sau 5 tháng ròng rã điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, Phạm Quý Thí được xuất viện với rất nhiều mảnh đạn nhỏ còn nằm trong cơ thể và chỉ một cánh tay còn nguyên vẹn. Ông bắt đầu tập làm quen với mọi việc chỉ bằng một tay, từ sinh hoạt cá nhân cho đến những công việc vốn đã từng quen tay. Không quá khó để hình dung những khó khăn, chật vật của ông ở thời điểm ấy. Tuy đông anh chị em nhưng bố mất sớm, các anh chị đều đã có gia đình riêng nên ông vẫn phải là trụ cột đỡ gánh nặng mưu sinh cho mẹ già. “Công việc của người nông dân thì vẫn phải quay về với đồng ruộng, với cái cày, con trâu, không có nhiều sự lựa chọn cho một người khuyết tật như mình”-nghĩ như vậy nên ông Thí quyết tâm tự làm tất cả mọi việc như trước đây mình đã từng làm. Cũng làm ruộng, cày bừa, gặt lúa, tuy có chật vật nhưng rồi mọi việc cũng gọn gàng đâu vào đấy.
Những cố gắng, nỗ lực của chàng trai Phạm Quý Thí cũng lọt vào “mắt xanh” của một thiếu nữ cùng làng. “Việc lấy vợ của tôi giống như một bước ngoặt lớn của cuộc đời. Chính sự quyết tâm lựa chọn của cô ấy làm cho cuộc đời tôi hồi sinh lần thứ hai, giúp tôi có niềm tin để sống lạc quan” - ông Thí nói về vợ với sự trìu mến và tôn trọng người phụ nữ đã không chê ông khiếm khuyết cơ thể, không sợ khó khăn để gắn bó cả cuộc đời, sinh cho ông ba đứa con khỏe mạnh, chăm ngoan học hành giỏi giang. Ông bù đắp cho sự thua thiệt của vợ bằng cách tự mình kham hết tất cả mọi việc, từ việc đồng áng đến chăn nuôi, vườn tược ở nhà. Với 5 sào ruộng khoán, ông Thí làm tất tật từ khâu gieo, bơm thuốc, gặt, xóc lúa…
Đến nay, ông Phạm Quý Thí còn là một Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật của xã Hải Thọ, rất nhiều người như ông đã và đang bị tổn thương và bị tàn phế do bom mìn gây ra. Ông giúp tổ chức các lớp dạy nghề cho người khuyết tật để họ có thể tự tạo thu nhập và tái hòa nhập cộng đồng.
Hành trình trở thành “người vận động”
Ông Phạm Quý Thí |
Những năm 2000, vào thời điểm nông nhàn, ở xã Hải Thọ rộ lên phong trào người dân đổ xô đi rà phế liệu kiếm thêm thu nhập. Rất nhiều máu đã đổ xuống, thậm chí đã có không ít người thiệt mạng vì bom, mìn còn lại sau chiến tranh phát nổ. Từng là nạn nhân của bom, mìn, ông Thí thấm thía những đau đớn, mất mát nên ông kiên trì đến từng nhà vận động bà con bỏ nghề rà phế liệu, tìm công việc khác an toàn hơn để mưu sinh. Tấm lòng chân thành cùng sự kiên trì của ông rồi cũng đã được đền đáp. Không chỉ dừng ở đó, ông Thí còn nộp đơn tình nguyện đi tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn tại các trường học, khu dân cư. Từ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình tiếp xúc, làm việc với các nạn nhân bom mìn, ông đã mạnh dạn tham gia vào sáng kiến “Người vận động” do Tổ chức Handicaf International (Bỉ) tài trợ nhằm ủng hộ “Công ước bom mìn”. Đây là một công cụ quan trọng của pháp luật quốc tế cấm sử dụng, sản xuất, vận chuyển và tàng trữ bom chùm, đồng thời hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Đến bây giờ, người dân xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng cũng đã quen với việc ông Phạm Quý Thí, một nông dân cụt tay thường xuyên đi nước ngoài để làm cái công việc mà đối với họ vẫn luôn rất mới mẻ và đặc biệt, đi thuyết trình và vận động. Tháng 5-2008, ông Phạm Quý Thí có chuyến xuất ngoại đầu tiên, mở đầu cho hành trình trở thành sứ giả của công ước không bom mìn. Vào thời điểm này, Ailen chủ trì Hội nghị ở Dublin với sự tham dự của 107 quốc gia đã đi đến được một cam kết quan trọng đặt nền móng cho việc ký kết Công ước bom mìn tại Oslo vào tháng 12-2008.
Tham gia đoàn đại biểu Việt Nam, ông Thí đã cùng với nhóm của mình gặp và kể chuyện về những hậu quả do bom chùm, bom bi gây ra đối với những nạn nhân như ông cho các đại biểu tham gia hội nghị hiểu rõ về tác hại, sự nguy hiểm của nó. Sau chuyến đi này, ông liên tục được mời đi các nước Nauy, Bỉ, Indonesia, Đức, Lào, Campuchia, Li-băng... vận động các nước ký vào Công ước bom chùm. Còn nhớ lần một phóng viên người Mỹ hỏi: “Tại sao ông lại bị thương? Tại sao ông đến với hội nghị này?”. Câu trả lời của ông khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt: “Tôi là một người nông dân, hàng ngày phải vác cuốc ra đồng lao động vất vả để mưu sinh. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm rồi nhưng vẫn còn tiếng bom nổ, người dân vẫn phải đổ máu vì bom đạn chiến tranh còn sót lại. Hôm nay tôi đến đây để góp tiếng nói mong muốn một cuộc sống thanh bình không chỉ cho riêng dân tộc mình”.
Ông Phạm Quý Thí còn được mời đi các nước để tập huấn các kỹ năng vận động cho những người khuyết tật cũng tham gia vào sáng kiến “Người vận động” như mình. Không thù lao, không trợ cấp, ông tình nguyện làm những công việc này với trái tim và tâm huyết của một người luôn ấp ủ giấc mơ về một thế giới hòa bình, thế hệ con cháu mình được sống trong một môi trường an toàn.
Hà An