Người trồng hoa Lâm Đồng "hoa mắt" nhìn giá điện tăng phi mã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi những người trồng hoa ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) còn chưa hết đau đầu vì tình hình dịch bệnh hoành hành thì việc giá điện tăng, đẩy chi phí sản xuất lên cao khiến bà con đã khổ nay càng thêm khổ.
Nông dân các làng hoa, nhà vườn công nghệ cao tại TP. Đà Lạt và các vùng lân cận như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng đang lâm vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, chi phí điện cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Làng hoa Thái Phiên là nơi có mật độ nhà kính dày đặc, các nhà vườn phải thắp điện suốt đêm, chưa kể các thiết bị khác cũng tiêu thụ nguồn điện đáng kể. Vì vậy tiền điện tại các vườn này khá lớn, trung bình mỗi nhà kính thắp sáng tiêu thụ từ một đến vài chục triệu đồng/tháng (tùy diện tích và mật độ bóng, thời gian thắp sáng).
 
 Hoa cúc là loại hoa khiến người dân phải sử dụng điện nhiều nhất.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở làng hoa Thái Phiên có 3.000m2 trồng hoa cúc, trước đây mỗi tháng tiêu thụ hơn 1 triệu đồng tiền điện nhưng đến tháng 4/2019 đã tăng lên 1,8 triệu đồng.
Vừa tỉ mẩn ngắt từng ngọn hoa cúc trong khu nhà kính, chị Huyền vừa thở dài nói: “Người trồng hoa ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là virus gây hại trên hoa cúc đang hoành hành, khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Đã có nhiều nhà đổ nợ phải bán đất hay cho thuê vườn nhưng cũng chẳng ai hỏi vì mua cũng không sản xuất được. Việc giá điện tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân”.
 
Người làm nông nghiệp tại Lâm Đồng đang gặp khó khi giá điện tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Ron - Chủ tịch UBND phường 12, TP. Đà Lạt, cho biết riêng làng hoa Thái Phiên, các hộ dân ở đây trung bình 1 năm trồng 4 vụ hoa. Để cây phát triển tốt, 1ha nhà vườn thắp từ 1.000 - 1.200 bóng điện. Với việc tăng giá điện phi mã như hiện nay, mỗi năm các nhà vườn ở đây phải chi khoảng 40 tỷ đồng tiền điện cho sản xuất.
Cũng là một hộ sản xuất hoa cúc, anh Nguyễn Văn Thịnh (phường 12, TP. Đà Lạt) cho hay, sản xuất hoa cúc lệ thuộc rất lớn vào nguồn điện. Trong khi đó, dịch bệnh hoa cúc ngày càng nhiều, nay thêm việc tăng giá điện, kéo theo giá cả các mặt hàng trong sản xuất cũng tăng khiến nhà vườn bị ảnh hưởng đáng kể. Nhiều hộ dân đã chuyển sáng thắp đèn led nhưng tiền điện vẫn không giảm bao nhiêu. Anh Thịnh mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ, giảm giá điện cho người dân để ổn định cuộc sống.
 
 Anh Thịnh cho biết, việc giá điện tăng lên khiến nhà vườn bị ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, hiện nay tại địa phương có hơn 700 ha sản xuất rau, hoa công nghệ cao. Sau khi giá điện tăng lên, tiền điện mỗi tháng tại các nhà vườn đã tăng từ 15 - 20%. Đặc biệt, tại các nhà vườn trồng hoa cúc, lượng điện sử dụng rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng kiến nghị ngành điện nên có chính sách riêng cho nông dân nếu không nhiều người sẽ không kham nổi. Việc tăng giá điện trong thời gian qua ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con, đến thu nhập của nông dân. Thế nhưng giá trị nông sản trong thời gian qua không tăng, khiến cho nông dân phải thêm chi phí sản xuất.
 
Các nhà vườn làm nông nghiệp ở Lâm Đồng phải chi tiền điện khá nhiều với các thiết bị mô tơ, tưới nhỏ giọt, chong đèn cho hoa...
Lâm Đồng hiện có gần 9.000 ha sản xuất hoa như hoa cúc, hồng và lay ơn. Trong đó, hoa cúc chiếm hơn 37%. Ngoài ra, các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện như quạt gió, máy bơm nước, hệ thống nhỏ giọt, máy sấy… tiêu thụ rất nhiều điện năng. Việc tăng giá điện đang khiến cho hàng ngàn nhà vườn lâm vào khó khăn.
Văn Long (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.