(GLO)- Nhắc đến chị Trần Thị Sen (thôn 6- xã Ia Blang- huyện Chư Sê), ai ai cũng nể phục một tấm gương đi đầu trong việc hiến đất làm đường và cũng là một điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã. Dù chỉ mới tới địa phương lập nghiệp hơn 10 năm nhưng chị đã có những cống hiến không nhỏ cho quê hương thứ hai của mình.
Đã hơn 11 giờ trưa, chúng tôi vẫn thấy chị Trần Thị Sen cùng chồng đang hăng say ghép những chồi bơ booth. Ấn tượng đầu tiên khi gặp chị là người phụ nữ thân thiện, giản dị và vô cùng nghiêm túc trong công việc. Rót vội ly nước mời khách, chị kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đưa anh chị tới làm giàu trên mảnh đất Ia Blang.
Chị Sen đang ghép chồi bơ booth để cung cấp cây giống cho các địa phương lân cận. Ảnh: Mai Ka |
Năm 2003, do làm ăn gặp khó, vợ chồng chị cùng hai con rời mảnh đất Đak Lak để đến thôn 6- xã Ia Blang lập nghiệp. Lúc ấy, con nhỏ, kinh tế còn khó khăn nên chị và chồng cũng không xác định sẽ gắn bó lâu dài ở đây. “Vậy mà ở một thời gian lại thấy “đất mến người”, vợ chồng tôi quyết định sẽ định cư tại đây. Sau khi 2hecta đất trồng tiêu và cà phê không cho lợi nhuận cao, tiêu thì chết rũ, tôi quyết định tìm hiểu và trồng thêm 6 sào bơ booth. Không ngờ sau 3 năm, lợi nhuận từ bơ booth mang về cho gia đình tôi khá cao”- chị Sen kể lại. Vợ chồng chị Sen là hộ tiên phong trong việc mang giống bơ booth về trồng và nhân rộng tại xã Ia Blang. Hiện nay, với 6 sào bơ booth, anh chị thu về gần 300 triệu đồng/ năm. Ngoài thu nhập từ bơ booth, 2.000 trụ tiêu, gần 2 hecta cà phê, sầu riêng, vợ chồng chị Sen còn tăng gia sản xuất, trồng rau sạch… Mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình chị lên tới 1 tỷ đồng.
“Không chỉ là gương điển hình phát triển kinh tế, chị Sen còn tích cực tham gia công tác xã hội cũng như những cống hiến không nhỏ cho địa phương. Mới đây, vợ chồng chị Sen đã gương mẫu hiến đất của mình để xã mở đường”- chị Võ Thị Hồng Gấm, Chủ tịch hội LHPN xã Ia Blang cho biết. Xã Ia Blang có chủ trương mở con đường liên huyện từ thôn 6 (xã Ia Blang) đi qua xã Ia Ròng (huyện Chư Pưh). Con đường này mở ra nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại và trao đổi hàng hóa. Chủ trương này khi thực hiện không đơn giản chút nào, đặc biệt là khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Các cấp chính quyền địa phương, trong đó có hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền vận động các hộ dân trong thôn tự nguyện hiến đất làm đường. Ngay sau khi nghe chủ trương của xã, mặc dù trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình chị Sen đang có tiêu phát triển tốt và cho thu nhập cao, nhưng vì sự phát triển của địa phương, vì lợi ích của chính gia đình mình và nhân dân trong thôn, chị Sen đã bàn với chồng hiến đất cho xã làm đường.
Gia đình chị đã tự nguyện hiến trên 1.500m2 đất để xã mở đường. Ảnh: Mai Ka |
Khi tự nguyện hiến trên 1.500m2 đất, trong đó có 70 trụ tiêu đang cho thu hoạch, vợ chồng chị Sen cũng không khỏi suy nghĩ. Của cải và công sức lao động vất vả suốt cả một quãng thời gian mà họ đã cố gắng và gắn bó. Nhưng sau khi bàn tính, suy xét, cả hai vợ chồng chị thống nhất hiến đất mở đường mà không đòi hỏi phải bồi thường. Chị Sen suy nghĩ: “Lợi ích thì ai cũng cần, nhưng làm đường để phục vụ bà con, phục vụ chính gia đình mình, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương, thấy có ích mình cần phải làm”. Suy nghĩ bình dị đó của chị Sen đã khiến chúng tôi không khỏi cảm phục.
Một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, một việc làm ý nghĩa của người phụ nữ như chị Sen đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Từ đó thay đổi nhận thức cũng như nâng cao trách nhiệm của mỗi công dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh.
Mai Ka