Già làng hiến đất làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng già làng Đinh Nonh (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) vẫn không ngần ngại hiến 300 m2 đất để làm đường giao thông. Đối với ông, việc làm ấy là một niềm vui không nhỏ khi nó mang lại nhiều lợi ích cho chính dân làng của mình.

Chúng tôi tìm đến nhà già Đinh Nonh vào một ngày nắng rát. Vì không hẹn trước nên già đã rời nhà lên rẫy từ sớm. Để gặp được già, chúng tôi phải nhờ dân làng lên tận rẫy nhắn gọi già về. Thoạt thấy chúng tôi đợi trước cổng, già Đinh Nonh nhoẻn miệng cười rồi phân trần: “Rẫy cách nhà đến 4 cây số, đi bộ nên nó lâu. Ngày mùa mình thường ở lại đó lâu lâu mới về nhà một lần”.

 

 Già Đinh Nonh tự hào về con đường bê tông có một phần công sức do mình đóng góp. Ảnh: Hồng Thương
Già Đinh Nonh tự hào về con đường bê tông có một phần công sức do mình đóng góp. Ảnh: Hồng Thương

Nói rồi, già kể cho chúng tôi nghe về việc thoát nghèo của gia đình. Hơn 10 năm về trước, do còn ở chung với 2 con, đất sản xuất ít, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất thấp, đời sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Căn nhà sàn nhỏ ngày càng mục nát và chông chênh hơn mà cũng chẳng có điều kiện sửa chữa. Đến năm 2008, khi có được ngôi nhà xây khang trang nhờ Chương trình 134, già Đinh Nonh mới bắt đầu yên tâm dành thời gian khai hoang mở rộng diện tích sản xuất và chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế. Nhờ thế, gia đình đã hoàn toàn thoát nghèo vào năm 2012 và trở thành một trong những hộ có thu nhập cao trong làng. Với hơn 1 ha lúa rẫy, 2 sào lúa nước, 6 sào bắp, 2 con bò và 2 con dê, mỗi năm cho già thu nhập hàng chục triệu đồng.

Khi đề cập đến chuyện hiến đất làm đường, già Đinh Nonh đưa mắt nhìn con đường được làm theo chương trình quốc gia giảm nghèo mà trong đó có một phần đóng góp công sức của mình ở phía trước nhà, rồi mỉm cười nói: “Gì chứ hiến đất làm đường để cho dân làng đi là tôi đồng ý liền. Bởi trước đây dân làng không có đường đi lại, muốn ra quốc lộ phải đi theo đường mòn này rồi băng qua đất của nhau. Việc vận chuyển nông sản phải đi đường vòng cũng rất tốn kém. Nay có đường mới rồi, dân làng mình đi lại cũng dễ dàng hơn. Giá thuê vận chuyển nông sản cũng giảm xuống nên dân làng mình phấn khởi lắm. Giờ thì họ chỉ còn việc chăm chỉ sản xuất để làm ra nhiều nông sản nữa thôi”.

Sống ở làng Leng Tô hơn 64 mùa rẫy, mọi vui buồn hay khó khăn của người dân ở vùng đất này già đều đã thấu. Bởi thế, già không một chút so đo khi quyết định hiến 300 m2 đất của mình để làm đường. Anh Đinh Pó-Trưởng thôn làng Leng Tô cho biết: Để thuận tiện cho việc thi công con đường, già Đinh Nonh đã tự phá bỏ hoa màu, di dời kho lúa vào sâu trong vườn để hiến đất. Ngày ngày, ông cùng đại diện chính quyền đến tận từng gia đình, kiên trì thuyết phục 22 hộ có đường đi qua đất của mình hiến đất, hộ ít thì 100 m2, hộ nhiều cũng 200-300 m2. Già cũng vận động thanh niên tham gia góp sức giải phóng mặt bằng để con đường nhanh chóng được hoàn thành.

Không chỉ xông xáo trong việc hiến đất và vận động hiến đất làm đường, già Đinh Nonh còn gương mẫu đóng các loại quỹ như: Quỹ Quốc phòng-an ninh, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Trong các buổi họp làng, già thường xuyên tham gia phát biểu ý kiến, vận động bà con chấp hành pháp luật, hương ước, xóa bỏ hủ tục, thay đổi tập quán canh tác, phát triển sản xuất để nâng cao đời sống. Tính đến nay, cả làng có 146 hộ với 610 nhân khẩu; có 220 ha đất sản xuất, trong đó, lúa nước 6,5 ha, lúa rẫy 7 ha, bắp 60 ha, mía 130 ha; thu nhập bình quân đầu người trên 6 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, già Đinh Nonh còn thường xuyên giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong làng bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhất là mỗi lần có các ban ngành, đoàn thể như chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ của làng đến vận động đóng góp quỹ giúp đỡ hộ nghèo, người già neo đơn, khi có tiền già ủng hộ tiền, khi không có tiền thì già góp gạo. “Mình tuy đã già nhưng so với nhiều người khác, mình vẫn còn sức khỏe để làm ra hạt gạo nên việc giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn là việc nên làm. Hơn nữa, mình là người lớn trong làng, mình phải gương mẫu để khi mình nói lớp trẻ còn nhìn vào đó mà nghe theo”-già Đinh Nonh bộc bạch.

Nói về già Đinh Nonh,  ông Trần Xuân Tỉnh-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Pơ, nhận xét: Già Đinh Nonh là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Tiếng nói của già với dân làng đã giúp ích rất nhiều cho chính quyền xã trong vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật, tích cực xóa đói giảm nghèo cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Già cũng là một nhân tố hết sức tích cực trong phong trào hiến đất làm đường, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế cũng như làm đẹp bộ mặt nông thôn mà chúng ta cần phải biểu dương và nhân rộng”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.