“Chúng tôi lướt đi trong điệu Tango nhịp nhàng và tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Cứ thế, chúng tôi hòa vào điệu nhạc với những bước nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tôi không khiêu vũ bằng đôi chân nữa mà bằng cả tâm hồn đang bay bổng, vượt ra khỏi thân xác hữu hình... Đó là những trang viết về cảm giác thăng hoa của Hướng Dương- Người phụ nữ với đôi chân giả nhưng vẫn bay bổng lả lướt trong từng điệu nhảy.
9 lần lên bàn mổ
Năm 1996, một tai nạn khủng khiếp trên đường tàu đã cướp đi đôi chân của cô gái trẻ xinh đẹp Nguyễn Hướng Dương. Không chỉ cướp đi đôi chân, tai nạn còn cướp đi tương lai rạng rỡ khi mà thời sinh viên cô đã là một hướng dẫn viên du lịch được yêu thích, một CTV của đài phát thanh. Hướng Dương kể: “Tai nạn khủng khiếp khiến tôi chỉ nghĩ đến cái chết, chỉ có chết mới thoát ra khỏi cái đau và cái khổ tới tận cùng này”.
Hướng Dương trong chương trình văn nghệ. |
May mắn cho Hướng Dương là trong những lúc tuyệt vọng nhất của cuộc đời, bên cạnh Hướng Dương luôn có những người tốt kịp thời động viên nâng đỡ cô. Từ những người thân trong gia đình cho tới các cô y tá, các bác sỹ trong bệnh viện. Nhưng Hướng Dương nhớ nhất là một cậu bé bệnh nhân nằm cùng phòng với Hướng Dương. Cậu bé đó bị tai nạn lao động chấn thương cột sống phải nằm liệt giường, chỉ cử động được cái đầu. Nhưng cậu không bi quan mà vẫn vui vẻ, còn hát véo von bên giường bệnh. Hát nghêu ngao chán, cậu bé quay sang dụ Hướng Dương hát cùng. “Ban đầu tôi đâu có ý định hát, nhưng cậu bé cứ năn nỉ. Thấy cậu bé lém lỉnh dễ thương, dù tai nạn nghiêm trọng thế mà cậu vẫn lạc quan thì sao tôi có thể từ chối được. Tôi đã hát một ca khúc như động viên chính tôi, bài Tôi ơi đừng tuyệt vọng của Trịnh Công Sơn. Khi tôi hát, nhiều bệnh nhân đang ủ ê và đau đớn trong phòng bỗng hào hứng, có người đã nở nụ cười. Giọng hát của tôi góp được chút vui cho mọi người. Vậy là tôi hát, rồi mọi người cũng hát. Chúng tôi đã làm liveshow trên giường bệnh không có đàn, không son phấn với bệnh nhân và ca sỹ đều nằm trên giường bệnh. Đêm nào chúng tôi cũng hát, không khí của phòng bệnh dường như vui hơn, thoải mái hơn. Ai cũng cảm thấy phấn chấn hào hứng hơn hơn sau khi hát. Riêng tôi vì phải hát phục vụ cả phòng nên không còn thời gian gặm nhấm nỗi buồn của mình”- Hướng Dương kể. Cô thú nhận không biết Trịnh Công Sơn có nghĩ là những ca khúc của ông là những viên thuốc nhiệm màu tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những bệnh nhân chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo.
Nhưng vượt qua cú sốc tai nạn chỉ mới là bước đầu trong hành trình đi tìm lại cuộc sống của chính bản thân mình. Tai nạn quá nặng khiến Hướng Dương phải chịu đựng đau đớn trong suốt nhiều năm. 9 lần lên bàn mổ, mỗi lần mổ là vài tháng liên tục phải chích thuốc cường độ cao. Đầu xương cụt ở chân cứ bị cắt dần sau mỗi lần mổ. Sau khi mổ lại là thời gian dài phải cắn răng chịu đau để luyện tập phục hồi chức năng. Những đau đớn về thể xác đã khiến Hướng Dương bị trầm cảm nặng.
“Tôi mất ngủ triền miên, tâm trí lúc nào cũng trong trạng thái bần thần mệt mỏi, luôn suy nghĩ lung tung và thậm chí nhiều lần tôi lại nghĩ đến chuyện tự tử. Cha tôi phải giấu tất cả những gì có thể gây sát thương cho tôi. Đau thể xác kéo theo nỗi đau tinh thần, tôi cảm thấy hết cả sức lực và sự tận cùng của sự chịu đựng. Tôi phải uống thuốc chống trầm cảm liên tục, nhiều tới mức cơ thể tăng mấy chục ký, từ người mảnh mai tôi đã trở lên mập ú như vầy”- Hướng Dương kể.
Giọng nói chị Hướng Dương
Hướng Dương trong phòng thu. |
Khi đang sống vật vờ chán nản thì một lần tình cờ Hướng Dương được người quen làm tại trung tâm khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu mời đến chơi. Mẹ Hướng Dương chở con tới với hy vọng khi gặp các em khiếm thị, Hướng Dương sẽ nhận được sự đồng cảm, chia sẻ với các em ở đây. Nào ngờ khi gặp Hướng Dương, vừa nghe giọng nói nhiều em đã thốt lên “Chị Hướng Dương. Sao lâu lắm em không thấy chị lên đài phát thanh”. Lúc đó Hướng Dương mới biết trước đây, khi còn tham gia cộng tác với đài phát thanh các em khiếm thị đã nhớ giọng đọc ngọt ngào của chị. Ngày hôm đó ở trường, các em đã nhờ Hướng Dương đọc truyện cho nghe. Hướng Dương kể: “Hôm đó các em xúm lại nghe tôi đọc say mê, đến giờ ăn mà các em không chịu rời đi. Từ đó, ngày nào tôi cũng đem sách truyện tới đọc cho các em nghe. Rồi chuyện tôi đọc sách lan ra nhiều trường khiếm thị khác. Các em ở nơi khác thắc mắc là tại sao tôi chỉ đọc ở một trường mà không tới những trường khác để đọc. Thế là tôi nghĩ đến việc thu âm mỗi lần tôi đọc để gửi cho các em. Tôi gọi những cuốn băng do tôi đọc là sách nói. Tôi thấy mình diễm phúc hơn người mù, khi còn được nhìn thấy mọi việc xung quanh, được đọc sách. Tôi muốn đem niềm hạnh phúc đó chia sẻ cho họ và muốn làm tất cả để bù đắp những bất hạnh của họ”- Hướng Dương tâm sự.
Ban đầu, những cuốn sách nói do Hướng Dương được làm khá nghiệp dư. Chỉ một chiếc cát- sét bên cạnh và Hướng Dương tự đọc, tự thu âm và chỉnh sửa kỹ thuật. Không có phòng thu nên âm thanh chập chờn, đầy tạp âm. Nhưng các em rất thích và cuốn băng nào ra đều được đón nhận hồ hởi. Nhận thấy nhu cầu sách nói của các em rất lớn và nếu làm theo kiểu thủ công thì chỉ phục vụ được cho mỗi trường Nguyễn Đình Chiểu, trong khi nhiều trường khiếm thị khác cũng viết thư, nhờ Hướng Dương cung cấp sách nói. Từ những yêu cầu đó, Hướng Dương tính đến chuyện mở rộng thành Thư viện sách nói. Nhưng mở rộng thì phải có kinh phí? Một lần nữa may mắn lại đến với Hướng Dương khi đã có những mạnh thường quân xuất hiện. Người thì tặng máy thu âm chuyên nghiệp, người thì tặng băng đĩa trắng, người thì tình nguyện tới đọc sách thu âm cùng với Hướng Dương… Từ thư viện này đã có hàng ngàn cuốn băng cát- sét, đĩa CD đã ra đời, cung cấp miễn phí cho các trường khiếm thị khắp cả nước.
Sự cố gắng của Hướng Dương bao ngày đã “Đơm hoa kết trái” khi năm 2013, Thư viện sách nói của cô được UBND TPHCM cấp đất, những mạnh thường quân ủng hộ tiền để xây dựng cho Thư viện sách nói có một cơ ngơi bề thế với đầy đủ trang thiết bị có thể phục vụ các hoạt động như sản xuất sách nói, dạy nghề miễn phí cho các trung tâm khiếm thị khắp Việt Nam. Hướng Dương khoe hiện mỗi năm thư viện cho ra khoảng 35 ngàn băng đĩa sách nói phát miễn phí cho hơn 2 triệu người khiếm thị khắp cả nước. Thư viện còn xây dựng được các chương trình học bổng như học bổng “Ánh Sen” dành cho học sinh khiếm thị tại các trường phổ thông. Học bổng “Hướng Dương” dành cho sinh viên khiếm thị tai các trường đại học, chương trình “Thắp sáng niềm tin” giúp người khiếm thị tham gia các chương trình xã hội…
Ai cũng có thể bay lên
Hơn 20 năm, từ một cô gái bị tai nạn khủng khiếp tưởng chừng phải tìm đến cái chết vì tuyệt vọng, Hướng Dương đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng Thư viện sách nói duy nhất tại Việt Nam, giúp đỡ cho những người khiếm thị khắp cả nước. Giọng nói của Hướng Dương đã quen thuộc với bất cứ người khiếm thị nào nhưng Hướng Dương vẫn chưa hài lòng với chính mình.
Hướng Dương đã viết tự truyện Đứng dậy và bước đi với mục đích chia sẻ, động viên những người kém may mắn như mình vượt qua bế tắc, nghịch cảnh. Với những nỗ lực đóng góp của mình, Hướng Dương nhận được nhiều giải thưởng như Giải thưởng Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, Huy chương “Vì hạnh phúc cho người mù”, Huân chương Lao động hạng 2. Và năm 2017, Hội đồng bình chọn cấp Quốc gia đã chọn Hướng Dương là một trong danh sách 30 tập thể cá nhân tiêu biểu được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam- Dấu ấn 30 năm đổi mới”. |
Trong một lần giao lưu với Trung tâm câm điếc, Hướng Dương đã mạnh dạn đứng lên mời một thành viên của trung tâm nhảy một điệu nhạc. “Chúng tôi lướt đi trong điệu Tango nhịp nhàng và tiếng reo hò cổ vũ của mọi người. Anh bạn nhảy không nghe được nhạc thì tôi giữ nhịp, đôi chân tôi loạng choạng thì có cánh tay vững chắc của anh ấy giữ lấy. Cứ thế, chúng tôi hòa vào điệu nhạc với những bước nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tôi không khiêu vũ bằng đôi chân nữa mà bằng cả tâm hồn đang bay bổng, vượt ra khỏi thân xác hữu hình. Tôi ngộ ra rằng khi cái chân thật không còn là chân thật nữa thì mình mới tìm thấy sự “Chân thật” trong cuộc đời. Tôi đã bay với đôi chân giả của mình”- Hướng Dương tự hào.
Trọng Thịnh/tienphong