28 năm trước, cô Đỗ Thị Nga (SN 1951, ngụ quận 4, TP HCM) vì thương lũ trẻ chịu khiếm khuyết, thiệt thòi mà tự nguyện gắn bó với công việc giảng dạy ở Trung tâm Trẻ em khuyết tật quận 4 (TP Hồ Chí Minh).
Đến nay cô đã quá tuổi nghỉ hưu cả chục năm, nhưng thay vì nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, người phụ nữ này vẫn hàng ngày cần mẫn lên lớp giảng bài cho lũ trẻ khuyết tật mà cô yêu quý như con cháu với tất cả say mê, tâm huyết.
Cô Nga nhớ lại, cô được xem là một trong những người “khai quốc công thần” gầy dựng nên trung tâm từ năm 1989. Hồi đó trung tâm còn khá sơ sài, cơ sở vật chất nghèo nàn, trẻ đăng ký học cũng lác đác. Ngày đó cô Nga đã phải đến từng hộ gia đình có trẻ bị khuyết tật để động viên các em đi học. Từ chỗ e ngại, hoài nghi, dần dần tình yêu thương và sự tận tâm của cô và quan trọng nhất là sự tiến bộ của đám trẻ tội nghiệp đã khiến các gia đình tin tưởng trung tâm. Tiếng lành đồn xa, các gia đình có trẻ khiếm khuyết tìm đến xin học ngày càng đông. Đến nay cô Nga trở thành giáo viên lớn tuổi nhất và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc dạy dỗ trẻ khuyết tật tại trung tâm.
Cô Nga chia sẻ, được dạy dỗ, chăm sóc các em học sinh đặc biệt này mang đến cho cô tình cảm và tình yêu vô giá. Đó là động lực khiến cô gắn bó không ngừng nghỉ với bao lớp học trò, trừ những lúc vì lý do sức khỏe hoặc nhà có việc như con dâu sinh cháu nội nên cô phải nghỉ bế cháu, còn không cô luôn có mặt ở trung tâm công tác. Có người hỏi: “Cô có tuổi rồi sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Để con cháu vô trường dạy là được rồi?”. Cô không tự ái mà chỉ mỉm cười. Cô không sợ người ta hiểu lầm là cô “tham quyền cố vị” hay hưởng lợi lộc gì ở cái công việc “bao đồng” này. Đơn giản là cô yêu và gắn bó với lũ trẻ chịu nhiều khiếm khuyết, thiệt thòi. Niềm hạnh phúc của cô đơn giản là khi nhận được tin có những em ra trường đã hòa nhập tốt cộng đồng và tìm được việc làm tốt.
Người bạn đời của cô Nga là họa sĩ kiêm võ sĩ Nguyễn Văn Minh. Năm 1989, khi cô Nga chuyển sang công tác tại Trung tâm Giáo dục Trẻ em khuyết tật quận 4 thì đến năm 1990, chú Minh cũng nối bước theo vợ giảng dạy cho những học sinh đặc biệt và phụ trách dạy vẽ, thể dục và múa cho các em. Bên cạnh đó, chú Minh là một trong những người hiếm hoi đưa bộ môn võ vào giảng dạy cho trẻ em khuyết tật. Vì lý do sức khỏe, hiện chú Minh đã nghỉ dạy ở trung tâm. Còn cô Nga vẫn đảm nhiệm dạy lớp trẻ khuyết tật ở cấp độ 3- cũng là lớp khó nhất. Vất vả là thế nhưng lúc nào cô cũng ân cần, kiên trì, nhẹ nhàng. “Cô chỉ mong có sức khỏe để dạy dỗ, giúp đỡ những học trò đặc biệt này càng lâu dài càng tốt…”- cô giáo già cười hiền từ chia sẻ.
Thu Trà/phapluat