Người Hải Phòng, Quảng Ninh đổ xô mua máy phát điện, xăng dầu, sim điện thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do nhiều khu vực chưa thể khắc phục thiệt hại, sự cố do ảnh hưởng bởi bão số 3, nhiều người tại Hải Phòng và Quảng Ninh đổ xô đi mua máy phát điện, xăng dầu, thay sim điện thoại để phục vụ nhu cầu liên lạc thông tin, sinh hoạt thiết yếu.

Cọc tiền, "xếp lốt" mua máy phát điện

Ngày 10/9, bốn ngày sau bão số 3 đổ bộ, càn quét, Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề. Nhiều ngày sau bão, các tuyến phố trung tâm vẫn ngổn ngang cây xanh, cột điện, cột đèn đổ gãy.

Sau bão, cuộc sống người dân các quận huyện ở Hải Phòng đảo lộn, nhiều nơi vẫn chưa có điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu xăng dầu và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác.

Anh Văn - chủ một cửa hàng bán máy phát điện tại phố Tô Hiệu - chia sẻ, bốn ngày sau bão đổ bộ, nhiều khu vực các quận trung tâm, các huyện ven thành phố vẫn chưa có điện do đó nhu cầu mua máy phát điện rất lớn. Chỉ trong 2-3 ngày sau bão, cửa hàng anh bán hàng trăm máy phát điện, phải thuê thêm người hỗ trợ bán hàng.

Do nhu cầu lớn, cửa hàng chuyển máy về cũng không kịp, nhiều người đặt cọc tiền, "xếp lốt" chờ mua máy phát điện.

Người dân Hải Phòng xếp hàng mua máy phát điện do nhiều khu vực chưa được cấp điện trở lại. Ảnh: H.L.
Người dân Hải Phòng xếp hàng mua máy phát điện do nhiều khu vực chưa được cấp điện trở lại. Ảnh: H.L.

Tại một cửa hàng ở huyện Thủy Nguyên, hàng chục người dân, chủ các cơ sở kinh doanh xếp hàng mua máy phát điện. Nhiều người nộp tiền trước, nhận giấy biên lai để đợi chủ cửa hàng phân phối khi có máy phát điện chuyển về. Khi xe tải chở máy phát điện về tới cửa hàng, nhiều người quây kín xe, giơ phiếu biên lai thu tiền trước đó để nhận máy phát điện.

Anh Quang (42 tuổi, ở xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên) cho biết, đặt cọc tiền trước vẫn chưa yên tâm, anh phải xếp hàng chờ xe tải chở máy về và nhận luôn. Nếu chậm trễ, người khác nhanh tay hơn lấy máy mình lại chờ đợi rất mất thời gian.

Mặc dù máy phát điện khan hiếm, giá đội lên rất cao nhưng anh Quang vẫn "cắn răng" mua vì không có máy phát điện, cửa hàng nhà anh không thể hoạt động, kinh doanh, nhiều thực phẩm đông lạnh sẽ hư hỏng, thiệt hại rất lớn.

Anh Ngọc (ở quận Hồng Bàng) chia sẻ, anh ở phố Phan Bội Châu, trung tâm quận nhất thành phố nhưng sự cố đổ cột điện nên khu phố anh sống vẫn chưa có điện. Gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống nên tìm mua máy phát điện để phục vụ kinh doanh.

Dù đi nhiều cửa hàng trên phố nhưng anh vẫn chưa thể mua máy phát điện, gia đình anh phải chuyển sang sử dụng bếp gas khẩn cấp để tạm thời kinh doanh, phục vụ người dân.

Người dân kiểm tra máy phát điện sau khi xếp hàng mua.

Người dân kiểm tra máy phát điện sau khi xếp hàng mua.

Còn ông Việt (ở xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy) cho biết, từ khi bão độ bộ, khu vực ông sống đến nay chưa có điện, nước sạch. Gia đình ông không kinh doanh nhưng nhu cầu sạc điện thoại, nấu cơm, quạt điện… của gia đình và bà con khu xóm rất lớn. Ông Việt và nhiều hộ khác chung nhau tiền mua máy phát điện về phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Đổ xô đi thay sim điện thoại

Tại Hải Phòng, việc thông tin liên lạc hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều khu vực trung tâm thành phố, các huyện ngoại thành thông tin liên lạc bị ngắt quãng, không có sóng hoặc sóng chập chờn.

Chị Trinh (ở quận Hải An) cho biết, gia đình chị đều sử dụng mạng Mobifone, từ khi bão đổ bộ, việc liên lạc của chị với người thân rất khó khăn. Dù ở phố nhưng liên lạc tậm tịt, ngắt quãng, cả ngày mới kết nối được vài cuộc điện thoại tới cơ quan, đơn vị và người thân. Do đó, công việc và cuộc sống gia đình chị bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn thông tin, liên lạc.

Người dân Hải Phòng đi thay sim, mua sim mới để liên lạc thông tin.

Người dân Hải Phòng đi thay sim, mua sim mới để liên lạc thông tin.

Tương tự, anh Đoàn (ở huyện Thủy Nguyên) cũng sử dụng mạng Mobifone nhưng nhiều ngày qua gần như mất kết nối với người thân, cơ quan. Do đó, anh và nhiều người đã đi mua sim mạng khác để phục vụ công việc, kịp thời thông tin, liên lạc.

Anh Đoàn đã thay sim điện thoại, việc liên lạc thông tin đã cải thiện, có thể liên lạc công việc nhưng nhiều thời điểm sóng bị ngắt quãng, kết nối còn vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), ba ngày sau bão, nhiều khu vực gần như không có điện, sóng điện thoại. Một số người sử dụng mạng Vinaphone mới có sóng liên lạc, trong khi nhiều người khác buộc phải di chuyển tới tận nơi để thông tin, kết nối liên lạc với nhau.

Sau khi bão số 3 càn quét, hệ thống hạ tầng điện, viễn thông tại TP Hạ Long bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều nhà mạng như: Viettel, Vinaphone, Mobiphone... đang tập trung lực lượng khắc phục sự cố.

Anh Phạm Hoàng (ở Hạ Long) cho biết, nhà anh cách trung tâm hành chính thành phố khoảng 4km nhưng không có sóng điện thoại. Theo anh, sử dụng mạng Vinaphone thì có một số khu vực có sóng điện thoại còn các nhà mạng khác bị ảnh hưởng, mất kết nối.

Nhiều người đã phải thay, mua thêm sim nhà mạng Vinaphone để có thể kịp thời kết nối, liên lạc. Đến tối muộn 9/9, nhân viên nhà mạng này ở các cửa hàng dịch vụ hoạt động hết công suất để hỗ trợ, phục vụ nhu cầu của người dân tại Hạ Long.

"Mấy ngày qua, mất điện, mất mạng, sóng điện thoại, việc liên lạc với người thân, gia đình rất khó khăn. Do đó, tôi phải thay sim điện thoại, di chuyển ra trung tâm để hứng sóng gọi điện về quê báo tin cho gia đình", anh Phạm Hoàng nói.

Người dân TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đi thay sim điện thoại để liên lạc.

Người dân TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đi thay sim điện thoại để liên lạc.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, mưa bão đã khiến hạ tầng viễn thông địa phương bị ảnh hưởng, hệ thống dây thông tin, truyền dẫn điện nhiều khu vực bị hư hỏng gây nên tình trạng mất liên lạc. Các đơn vị điện lực, viễn thông đang khẩn trương khắc phục sự cố, sớm cung cấp điện, mạng trở lại.

Mang can đi mua xăng tiếp tế

Không chỉ điện, mạng viễn thông, nhu cầu sử dụng xăng dầu khôi phục việc đi lại, hoạt động sản xuất kinh doanh rất lớn. Nhiều khu vực tại Hải Phòng cạn nhiên liệu.

Anh Cường (ở Cát Bà, Hải Phòng) cho biết, 4 ngày qua người dân trên đảo bị mất kết nối hoàn toàn với đất liền. Mất điện, nước, không sóng điện thoại, thậm chí các trạm xăng dầu cạn kiệt vì nhu cầu đi lại lớn mà đất liền chưa thể tiếp tế xăng dầu kịp thời. Nhiều người xin nhau từng chai xăng nhỏ để có thể đi lại hoặc chạy máy phát điện, phục vụ việc khẩn cấp.

Theo anh, rất nhiều người dân, chủ cơ sở kinh doanh, chủ tàu thuyền chờ được đất liền tiếp tế nhiên liệu. Khi phà hoạt động trở lại, nhiều người về đất liền mua xăng dầu tiếp tế.

Tối 9/9, một xe téc chở xăng dầu ra Cát Bà tiếp tế tuy nhiên, nhu cầu của người dân hiện tại rất lớn, vẫn thiếu nhiên liệu để vận hành thiết bị máy móc dọn dẹp phế liệu, dọn dẹp nhà hàng, khách sạn, tàu thuyền.

Người dân trên đảo Cát Bà mang can lên phà về đất liền mua xăng tiếp tế.

Người dân trên đảo Cát Bà mang can lên phà về đất liền mua xăng tiếp tế.

Người dân xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) xếp hàng đi mua xăng dầu.

Người dân xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) xếp hàng đi mua xăng dầu.

Tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) do mất điện nhiều ngày, một số cây xăng không thể hoạt động bán cho người dân. Do đó, người dân xã Lưu Kiếm phải di chuyển tới khu vực khác, xếp hàng mua xăng chạy máy phát điện, vận hành các máy móc, phương tiện khác.

Theo Nguyễn Hoàn (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

(GLO)- Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng các địa bàn nông thôn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.