Hơn ba năm qua, dịch vụ 3G đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam, song hành cùng các dịch vụ di động. Với hàng triệu thuê bao, 3G là công cụ không thể thiếu để lướt web, đọc tin tức, vào mạng xã hội mỗi ngày. Chính vì thế, ngay khi nghe tin 3G điều chỉnh cước, nhiều người dùng đã tìm cách để “khống chế” chi phí này.
Chia sẻ trên một diễn đàn công nghệ, ý kiến của bạn Dương Chí Đạt về ba giải pháp tiết kiệm cước 3G nhận được hàng trăm like. Đó là tắt 3G khi không sử dụng; tải phim, nhạc bằng laptop rồi copy sang điện thoại để xem; đánh dấu bookmark các website yêu thích.
Ảnh minh họa |
Đạt chia sẻ: "Lỗi người dùng 3G hay mắc nhất là quên tắt dữ liệu di động khi không dùng, chính nó làm phát sinh cước khủng. Ngay cả khi bạn dùng gói dịch vụ không giới hạn, sự vô tình đó cũng khiến lãng phí data tốc độ cao.
Phim, nhạc thường có dung lượng khá cao, xem trực tiếp hay tải qua "dế" vừa lâu, vừa tốn phí 3G. Thay vào đó, bạn hãy thực hiện trên laptop rồi copy sang điện thoại. Một việc làm nhỏ nữa, đánh dấu bookmark những website hay truy cập sẽ giúp bạn bỏ qua một vài bước trung gian, từ đó tiết kiệm thời gian và dung lượng hơn."
Ngoài công thức tiết kiệm 3G chung mang tính chất rộng, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn là làm sao để cắt giảm chi phí dịch vụ này một cách hợp lý và hiệu quả nhất khi mới đây giá đã tăng thêm 20.000 đồng, từ 50.000 đồng lến 70.000 đồng.
Giải pháp được nhiều thuê bao đưa ra là ngâm cứu lại các gói cước và chọn gói phù hợp với nhu cầu sử dụng. Bởi việc tăng cước 3G mới đây không áp dụng chung cho tất cả các dịch vụ, thậm chí một số gói cước còn được giảm giá.
HungMoon, nhân viên kỹ thuật của một công ty phần mềm chia sẻ: “Chính sách tăng giá chỉ thực hiện với gói 3G không giới hạn, tăng 20.000 đồng, đồng thời thêm 100MB truy cập ở tốc độ cao.
Vì vậy, ai dùng 3G nhiều thì mới cần gói data không giới hạn, còn ai dùng 3G ít cũng có gói dữ liệu ít, giá rẻ mà, tùy nhu cầu bản thân để chọn gói cước phù hợp là tiết kiệm nhất."
Theo HungMoon, lấy đơn cử về bảng cước 3G của Viettel những người có nhu cầu “xài” 3G khá nhiều, khoảng 500MB đến 1GB mỗi tháng, hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý cước thì nên chọn dịch vụ 3G không giới hạn Mimax. Mỗi tháng, với 70.000 đồng, thuê bao được sử dụng 600MB tốc độ cao.
Hết dung lượng trên, người dùng vẫn được truy cập Internet mà không mất bất kỳ chi phí nào nhưng ở tốc độ trung bình.
Nếu ai có nhu dùng 3G thường xuyên, thì nên mua thêm lưu lượng tốc độ cao với gói Max10 (10k được 100MB), Max30 (30k được 500MB) hoặc đăng ký Dmax, Dmax200.
Còn những người sử dụng 3G ít, từ 100MB đến dưới 500MB mỗi tháng, tương đương 30-100 phút truy cập mạng mỗi ngày, thì có thể chọn gói MI10, MI30 hoặc MI50. Đó là những gói dịch vụ tính cước theo lưu lượng, cước thuê bao tháng lần lượt là 10.000 đồng, 30.000 đồng hoặc 50.000 đồng, tương ứng với lượng data miễn phí là 50MB, 200MB hoặc 450MB. Sau khi sử dụng hết phần lưu lượng miễn phí, cước phát sinh cho mỗi 50KB là 25 đồng.
Hiện nay, nhiều gia đình và công sở đã trang bị Wifi, nên nếu việc lướt web, facebook trên di động khi “di động” thì chỉ cần chọn các gói data theo lưu lượng là đủ. Nếu nhu cầu dùng ít nữa thì nên tham khảo gói Mimin, Hùng chia sẻ.
Trước sức “nóng” về vấn đề cước 3G, các chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cũng nhấn mạnh hiện các nhà mạng đều đa dạng gói dịch vụ 3G, không phải gói cước 3G nào cũng tăng giá.
Để thực sự tiết kiệm, đúng hơn là không lãng phí, người dùng nên cân đối giữa số tiền bỏ ra và hiệu quả sử dụng. Các thuê bao nên tham khảo bảng cước, chọn gói cước phù hợp nhu cầu, thậm chí thay đổi thường xuyên cho phù hợp với nhu cầu từng thời điểm.
Mai Thương (theo TTXVN)