Người dân mong sớm được tháo gỡ 'treo' thủ tục tại dự án khu dân cư 6B ở Bảo Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nguyện vọng người dân mua 54 lô đất tại khu dân cư 6B phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Thông tin từ các hộ dân mua 54 lô đất tại dự án khu dân cư 6B (tên thương mại là Ruby City do Công ty cổ phần bất động sản Mãi Thành làm chủ đầu tư, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) cho biết vừa có buổi làm việc với Tổ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Một góc dự án khu dân cư 6B, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc.

Một góc dự án khu dân cư 6B, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc.

Tổ Thanh tra này được thành lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, do ông Lê Thành Phi, Trưởng phòng giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng.

Tổ thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, xem xét đề nghị trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với 54 lô đất mà họ đã mua và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu dân cư 6B.

Theo Tổ thanh tra, đến nay trong 54 lô đất thì 22 lô đã chuyển nhượng cho chủ sử dụng thứ nhất, 20 lô đã chuyển nhượng đến chủ thứ 2, 6 lô đã chuyển nhượng chủ thứ 3, 3 lô đã chuyển nhượng đến chủ thứ 4, 2 lô đã chuyển nhượng đến chủ thứ 5, 1 lô chuyển nhượng đến chủ thứ 6.

Ông Đặng Văn Khương (chủ 1 lô đất trong 54 lô) khẳng định, các lô đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc chuyển nhượng thực hiện đúng theo các quy định. Trong lúc mua bán thì cơ quan chức năng không có văn bản nào yêu cầu các lô đất phải xây nhà thô xong mới được chuyển nhượng.

"Do đó tôi cùng nhiều hộ dân ở đây tin tưởng đi vay mượn mua đất tại dự án. Không ngờ 2 năm qua bị ngăn chặn giao dịch, không được xây dựng nhà ở, mang sổ đỏ đi thế chấp cũng bị ngân hàng từ chối nên hoàn cảnh của ai cũng hết sức khó khăn, bức xúc" - ông Khương nói với phóng viên.

Ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tấn cho biết mình mua đất trong dự án đến nay đã qua 3 đời chủ với mục đích xây dựng nhà ở. Vốn liếng vay mượn mua đất với hy vọng chuyển cả gia đình từ TP HCM về Bảo Lộc sinh sống nhưng lại bất ngờ bị ngăn chặn giao dịch nên mọi dự định đều ngừng lại, trong khi tiền đã đưa hết cho chủ đất cũ. Do đó, ông Tấn đề nghị được đứng tên theo hợp đồng chuyển nhượng đã ký và thực hiện xây dựng nhà ở theo thiết kế đô thị đã được UBND TP Bảo Lộc phê duyệt vừa qua.

Còn ông Phạm Anh Thu, người đại diện đứng đơn kiến nghị việc đúng sai tại dự án đã được làm rõ theo kết luận thanh tra đã ban hành nên mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh tỉnh sớm có quyết định xử lý dứt điểm vụ việc để người dân được thực hiện quyền sử dụng đất của mình.

"Đất mua thì nằm đó không được làm gì, sổ đỏ phải cất trong tủ không khác gì tờ giấy lộn vì mang đi vay tiền xây nhà thì ngân hàng không nhận. Không thể vì sai phạm của chủ đầu tư và các bên khác mà đến nay vẫn khiến người dân chúng tôi gánh hậu quả như vậy" - ông Thu chia sẻ với phóng viên.

Ngoài các hộ dân mua 54 lô đất, chủ các lô đất khác trong dự án khu dân cư 6B cũng than thở về việc bị "vạ lây" khi cơ quan chức năng không rõ ràng về việc tạm dừng giao dịch đối với 54 lô đất nêu trên. "Đất tôi mua nằm ngoài 54 lô bị tạm dừng nhưng khi sang tên thì không thực hiện được do vướng văn bản tạm dừng của tỉnh" - ông Trần Bảo Lâm, chủ lô đất C1-106 trình bày.

Cũng là người đại diện các hộ dân, ông Nguyễn Văn Thương mong muốn Tổ Thanh tra sớm có văn bản tham mưu Thanh tra tỉnh, kiến nghị lên UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết dứt điểm các vướng mắc của người dân mua đất tại dự án này. Trong đó, người dân mong muốn sớm được gỡ bỏ việc tạm ngưng giao dịch chuyển nhượng đối với 54 lô đất.

Nhiều hộ dân đang trong tình cảnh có đất nhưng không làm được nhà ở, có sổ đỏ cũng không được thế chấp vay vốn.

Nhiều hộ dân đang trong tình cảnh có đất nhưng không làm được nhà ở, có sổ đỏ cũng không được thế chấp vay vốn.

Ông Thương khẳng định: "Nếu được gỡ bỏ vướng mắc, chúng tôi xây nhà sẽ tuân thủ thiết kế đô thị mà UBND TP Bảo Lộc đã phê duyệt".

Cuối buổi làm việc, ông Lê Thành Phi, Tổ trưởng Tổ thanh tra, ghi nhận kiến nghị và nguyện vọng của các hộ dân. Việc trước mắt, ông Phi đề nghị các hộ dân tổng hợp lại các nhu cầu của từng nhóm hộ (nhóm nào muốn xây nhà ở, nhóm nào muốn thế chấp sổ đỏ vay vốn, nhóm nào muốn được chuyển nhượng…) gửi cho Tổ Thanh tra trước ngày 23-8.

Sau đó Tổ Thanh tra sẽ ghi nhận kết quả làm việc, nguyện vọng của từng nhóm hộ dân để tham mưu Thanh tra tỉnh báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có hướng xử lý theo quy định.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, diện tích dự án khu dân cư 6B ban đầu 3,7 ha, sau đó tăng lên hơn 5,14 ha. Trong đó, đất ở hơn 2,6 ha, đất công viên hơn 2.100 m2, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật hơn 1,8 ha, đất thương mại - dịch vụ gần 4.800 m2. Tổng vốn đầu tư 125 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra số 79/KL-TTr ngày 5-10-2022 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, việc Công ty Mãi Thành chuyển nhượng quyền sử dụng 54 lô đất nêu trên khi chưa hoàn thành xây dựng nhà thô là không đúng quy định. Trong 54 lô đất này, có 32 lô sau khi chuyển nhượng thì người mua tiếp tục chuyển nhượng cho cá nhân khác nên không thể thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến cuối tháng 6-2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu Công ty Mãi Thành chấp hành nghiêm kết luận thanh tra và chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến những tồn tại, sai phạm tại dự án này.

Đại diện Công ty Mãi Thành cũng thừa nhận việc chuyển nhượng 54 lô đất thuộc diện phải xây nhà thô (nhưng thời điểm chuyển nhượng thì chưa xây nhà thô - PV) là không tuân thủ đúng theo giấy chứng nhận đầu tư.

Người đại diện thay mặt công ty trực tiếp xin lỗi và hứa thực hiện các công việc liên quan đến dự án để tháo gỡ vướng mắc.

Có thể bạn quan tâm

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.