Ngôi nhà giữa đại ngàn nuôi dưỡng 107 trẻ em bị bỏ rơi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hơn 100 em nhỏ bị bỏ rơi đã có một mái ấm đúng nghĩa khi được nuôi dưỡng, lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ ở Mái ấm Tín Thác, xã Lộc Thạnh (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Sơ đi thật khẽ, mở cửa thật nhẹ. Trên chiếc giường nhỏ, đứa bé đang ngủ vùi. Người bé nhỏ nhưng đầu bé lớn, sơ nói với chúng tôi, cháu bị não úng thủy ngay từ lúc mới vào mái ấm.
 
Trẻ ở mái ấm Tín Thác ngủ trưa
Gian nan nuôi trẻ
Chúng tôi đến thăm mái ấm Tín Thác (xã Lộc Thạnh, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) vào buổi trưa. Các cửa phòng đều đóng kín. Không một chút gió. Nắng thật gắt. Hàng cây bất động.
Mái ấm Tín Thác thuộc hội Dòng mến Thánh giá Đà Lạt. Đây là nơi cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi được các sơ chăm sóc và nuôi dưỡng. Những đứa trẻ tưởng chừng như bất hạnh đã được bàn tay của các sơ nâng niu nay đã dần lớn khôn. Bên cạnh đó, những bé sơ sinh còn đỏ hỏn luôn được ôm ấp bằng tình thương yêu của các tình nguyện viên, những bảo mẫu giàu kinh nghiệm.
 
Mái ấm Tín Thác
 
Tiếp chúng tôi, sơ Hoàng Thị Cúc 73 tuổi kể lại ban đầu các sơ chúng tôi không có chủ trương thành lập mái ấm vì không ai có khả năng nuôi trẻ. Thế nhưng - có lẽ do duyên số - trong một lần nhặt xác thai nhi về chôn, sơ Nguyễn Thị Hường có gặp một thùng giấy trong đó có một bé trai sơ sinh nặng 1,3kg. Người bé tím tái được đậy lại bằng một tấm áo phụ nữ. Sơ đưa bé về tắm rồi sưởi ấm và cho bé bú...
Được 3 tháng, bé lớn thấy rõ. Để bé lên bàn cân, 3.2kg, ai nấy cũng vui mừng hớn hở. Bé được đặt tên là Phúc Ân. Sau Phúc Ân, các sơ chúng tôi tiếp tục bắt gặp tiếng khóc của trẻ thơ phát ra từ trong lùm cây, bên vệ đường, trước cổng bệnh viện. Chúng tôi đem về và sơ Hường lại mở rộng vòng tay.
Số trẻ ngày một nhiều khiến cho việc chăm các bé trở nên lúng túng. Chúng tôi đã phải nhờ đến những gia đình thiện nguyện nuôi giúp vài tháng. Cũng chính từ đó, ý tưởng thành lập mái ấm chớm nở và hình hành.
Năm ấy là năm 2009 được nhà dòng cho phép, chúng tôi mua đất xây dựng từ nhỏ đến lớn dần theo số trẻ nhận được. Mái ấm được đặt tên tín Thác và sơ Hường được giao nhiệm vụ phụ trách.
 
Bé bị não úng thuỷ
Thú thật những ngày đầu chúng tôi gặp vô vàn khó khăn bởi các sơ không ai có kinh nghiệm nuôi trẻ. Trải qua một thời gian quen với công việc, hiện nay mái ấm có 107 em và được 6 sơ trực tiếp chăm sóc cùng các tình nguyện viên giúp sức.
Phúc Ân cùng những bạn Bảo Ân, Gia Ân, Hồng Ân và Giang Ân nay đã lớn. Phúc Ân trở thành anh cả của hơn 100 em. Hầu hết các em đều khỏe mạnh, học tốt. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để giáo dục các bé trở thành nhưng công dân tốt sau này.
Chỉ tiếc - sơ Cúc cho biết - hiện sơ Hường đang bị bệnh nặng nên không thể cáng đáng được công việc. Lời sơ Hường từng nói: "Tôi luôn yêu thương những đứa trẻ ở đây như con mình. Chúng tôi và các cộng sự luôn sẵn sàng làm mẹ để nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng nên người", đã tác động chúng tôi rất nhiều.
Những thiên thần nhỏ
 
Sơ (Soeur) Hoàng Thị Cúc
Sơ Cúc đưa chúng tôi đến thăm các bé. Buổi trưa, các bé còn ngủ. Sơ đi thật nhẹ, mở cửa thật khẽ. Trong những chiếc nôi, các bé sơ sinh nằm ngủ như những thiên thần. Cũng khăn, cũng tã..., các bé có mọi thứ như những đứa trẻ đang sống trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Đến trước chiếc nôi, bên trong bé nằm hơi nghiêng. Chị tình nguyện viên mở chăn sửa lại tư thế cho bé. Bình sữa rời ra khỏi miệng bé. Sơ Cúc nói, lúc đầu còn nhiều khó khăn có lúc chúng tôi thiếu sữa nhưng nay thì ổn rồi. Sữa các bé đang bú không phải là sữa hộp hay sữa bột nữa mà chính là sữa được các bà mẹ thừa sữa quyên tặng. Lượng sữa này hiện đang được cung cấp khá đầy đủ bởi nhiều nguồn.
Đến dãy nhà bên ngoài, chỉ lác đác vài bé nằm ngủ. Nhiều giường bỏ trống. Sơ Cúc cho biết trong số 107 bé chỉ còn 66 bé ở lại mái ấm. Một số được các sơ sáng đưa đến các lớp mẫu giáo mầm chồi lá, chiều mới đón về. Một số khác được gởi vào các trường nội trú để theo học các lớp tiểu học.
 
Một bé sơ sinh ở mái ấm Tín Thác 
Đến chiếc giường gần cánh cửa ra vào, một đứa bé đang nằm ngủ. Sơ Cúc cho biết, Phúc Ân đó. Nó 10 tuổi rồi. Nhớ ngày đầu tìm thấy nó trong chiếc thùng mà giờ đây đã lớn. Những đứa trẻ như nó đã bắt đầu có suy nghĩ tại sao chúng phải sống nơi đây...
Ở mái ấm, các bé không chỉ được ăn được mặc mà chúng tôi muốn tạo ra một môi trường gia đình để các bé sống quây quần bên nhau. Những bé lớn sẽ yêu thương đùm bọc các em nhỏ như anh em một nhà. Thấy các bé ngày một lớn lên, biết yêu thương nhau, biết giúp đỡ nhau, chúng tôi vô cùng hạnh phúc.
 
10 năm ở mái ấm, Phúc Ân đã lớn
Các bé được nhận vào mái ấm đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi. Các bé còn cả dây rốn. Các bé được gói vào túi nylon, bỏ vào thùng nhựa, thùng giấy nên thường bị nhiễm lạnh và khát sữa. Có bé bị côn trùng tấn công. Những yếu tố đó khiến cho công việc chăm trẻ vô cùng khó khăn nhưng rất may mắn, các bé được lớn lên bằng tình thương bao la của các sơ, các tình nguyện viên đầy thiện tâm.
Ông Nguyễn Minh Hiếu chủ tịch UBND xã Lộc Thanh bày tỏ sự ủng hộ của địa phương trước việc làm đầy tính nhân văn của các sơ. Nếu không có mái ấm Tín Thác này không biết những đứa trẻ vô tội kia trôi dạt về đâu. Ông Hiếu cho biết thêm, địa phương luôn tạo điều kiện về pháp lý giúp cho các bé được hưởng các quyền lợi theo qui định của pháp luật. Ông cũng kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên cả nước quan tâm đến mái ấm để giúp các sơ vượt qua khó khăn.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng Bằng khen cho Mái ấm Tín Thác vì có thành tích xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2018.

Đồng thời, đơn vị cũng được Ban Tuyên giáo Trung ương lựa chọn tham gia chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019.

Lê Du An (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.