Nghiên cứu mới thay đổi hiểu biết về nguồn gốc loài người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một nghiên cứu mới về nguồn gốc loài người cho thấy, ADN của người Neanderthal ở người Đông Á ngày nay có thể bắt nguồn từ sự tương tác giữa người Neanderthal và người hiện đại đầu tiên ở Châu Âu cách đây 45.000 năm.
 
Răng hàm dưới của người hiện đại được tìm thấy trong hang Bacho Kiro ở Bulgaria. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Răng hàm dưới của người hiện đại được tìm thấy trong hang Bacho Kiro ở Bulgaria. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature vào tuần trước, những di cốt lâu đời nhất được biết đến của người hiện đại ở Châu Âu đã được xác định trong hang Bacho Kiro ở Bulgaria.
Sử dụng phương pháp định tuổi bằng carbon phóng xạ cho thấy, những di cốt thuộc về 5 cá thể này có niên đại từ 42.580 đến 45.930 năm trước. Người Neanderthal đã chết cách đây khoảng 40.000 năm.
Bằng cách phân tích bộ gene cổ đại từ di tích Bacho Kiro, các nhà nghiên cứu có thể xác định mối quan hệ của họ với con người ngày nay, cũng như mức độ phức tạp của các quần thể khi con người di cư từ Châu Phi đến Á-Âu hàng nghìn năm trước.
 
Hang Bacho Kiro ở Bulgaria. Ảnh: Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Hang Bacho Kiro ở Bulgaria. Ảnh: Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Tổ tiên loài người
Ba di cốt lâu đời nhất trong số những cá thể được tìm thấy trong hang có mối liên hệ chặt chẽ nhất với các quần thể hiện tại ở Đông và Trung Á cũng như Châu Mỹ. Bộ gene của họ tiết lộ từ 3% đến 3,8% ADN của người Neanderthal. Khi giải mã, các nhà nghiên cứu vật liệu di truyền kết luận rằng, các cá nhân có tổ tiên là người Neanderthal từ 5 đến 7 thế hệ trong lịch sử gia đình của họ.
"Điều quan trọng, bộ gene của các cá thể trong hang Bacho Kiro chỉ ra rằng, những nhóm người sơ khai ở Châu Âu thường pha trộn với người Neanderthal" - Mateja Hajdinjak, tác giả nghiên cứu và Marie Skłodowska-Curie, chuyên gia của Phòng thí nghiệm gene cổ đại, Viện Francis Crick ở Anh, cho hay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự pha trộn giữa người hiện đại và người Neanderthal phổ biến hơn nhiều so với những gì họ nghĩ trước đây, đặc biệt là khi những người hiện đại đầu tiên đến Châu Âu.
Di cốt của bốn trong số những người này được tìm thấy cùng với các công cụ bằng đá có liên quan đến thời kỳ đồ đá cũ, hoặc nền văn hóa công cụ đá sớm nhất được biết đến có liên quan đến con người hiện đại ở Âu-Á. Thời kỳ đồ đá cũ bắt đầu cách đây khoảng 40.000 năm.
Những công cụ bằng đá này, cùng với đồ trang trí cá nhân làm từ răng động vật thu được từ hang, tương tự như những công cụ được tìm thấy trên khắp Âu-Á.
Một cá thể thứ năm được tìm thấy trong hang, có niên đại khoảng 35.000 năm trước, thuộc một nhóm khác biệt về mặt di truyền và thuộc một quần thể khác.
Bà Hajdinjak cho biết: “Điều này đã thay đổi hiểu biết trước đây của chúng ta về những cuộc di cư sớm nhất của loài người hiện đại ở Châu Âu".
Hang Bacho Kiro lần đầu tiên được nhà khảo cổ Dorothy Garrod khai quật vào năm 1938 và các cuộc khai quật sau đó diễn ra vào những năm 1970. Các nhà nghiên cứu đã thăm lại và khai quật hang động vào năm 2015, điều tra một lớp chứa hàng nghìn xương động vật, các công cụ làm từ đá và xương, mặt dây chuyền, chuỗi hạt và những mảnh di cốt của 5 người Homo.
 
Khai quật hang Bacho Kiro. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Khai quật hang Bacho Kiro. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Bà Hajdinjak nói rằng, các bước tiếp theo sẽ là truy cập dữ liệu bộ gene từ các địa điểm khác có liên quan đến thời kỳ đồ đá cũ trên khắp Âu-Á.
"Bức tranh mới nổi về các nhóm người sơ khai ngay sau khi di cư ra khỏi Châu Phi là một bức tranh phức tạp, và sẽ thật ngạc nhiên nếu nền văn hóa khảo cổ được tìm thấy trên khắp khu vực địa lý rộng lớn (trải dài từ Đông Âu đến Mông Cổ) này được tạo ra bởi những con người thuộc các nhóm khác nhau, cách họ liên hệ với nhau và quan trọng là cách họ liên hệ với các nhóm người cổ xưa" - bà Hajdinjak cho hay.
Một quần thể khác
Nhiều nghiên cứu khác được công bố vào tuần trước đã làm sáng tỏ một quần thể người hiện đại khác.
Một hộp sọ được tìm thấy ở Cộng hòa Czech thuộc về một trong những quần thể người hiện đại sớm nhất ở Âu-Á có nguồn gốc từ những cuộc di cư ra khỏi Châu Phi.
Hộp sọ được tìm thấy tại địa điểm Zlatý kůň thuộc về một phụ nữ mang 3% ADN của tổ tiên Neanderthal. Nhóm của người phụ nữ này ở Âu-Á không đóng góp về mặt di truyền cho các quần thể sau này ở Châu Âu hoặc Châu Á. Đây có thể là bộ gene người hiện đại lâu đời nhất được tái tạo cho đến nay.
 
Hộp sọ được tìm thấy ở Zlatý kůň. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Hộp sọ được tìm thấy ở Zlatý kůň. Ảnh: Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck
Các nỗ lực xác định niên đại bằng carbon phóng xạ của hộp sọ đã thất bại do sự ô nhiễm collagen từ gia súc, có khả năng là keo động vật được sử dụng để bảo quản các bộ phận của hộp sọ trong thế kỷ trước. Tuy nhiên, các phân đoạn của người Neanderthal trong bộ gene cho thấy hộp sọ có thể có niên đại hơn 45.000 năm.
Các bộ phận của hộp sọ lần đầu tiên được phục hồi vào năm 1950. Các nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng nó chỉ 15.000 năm tuổi.
"Chúng tôi đã phát hiện ra rằng người phụ nữ ở Zlatý kůň thuộc nhóm người hiện đại nằm trong số những người đầu tiên định cư ở Châu Âu sau khi người hiện đại rời Châu Phi cách đây hơn 50.000 năm" - Kay Prüfer, đồng tác giả của một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, cho biết. Prüfer cũng là trưởng nhóm tại Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck.
Nghiên cứu trước đây cho rằng con người hiện đại đã di cư đến đông nam Châu Âu từ 43.000 đến 47.000 năm trước, nhưng hồ sơ hóa thạch không chứng tỏ điều này.
Prüfer nói: “Có thể hai nhóm người hiện đại khác nhau đã định cư ở Châu Âu vào thời gian trước 45.000 năm. Những phát hiện về Bacho Kiro và Zlatý kůň cho chúng ta biết những phần khác nhau về câu chuyện người hiện đại định cư ở Châu Âu lần đầu tiên như thế nào, nhưng chúng ta không biết các nhóm do những cá nhân này đại diện có quan hệ với nhau ra sao. Đó rõ ràng là câu hỏi tiếp theo để chúng ta trả lời".
SONG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm