Giải mã bí mật về quái vật khổng lồ biết bay thời tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dực long (Pterosaur) là một trong những động vật có xương sống đầu tiên và lớn nhất có khả năng bay. Quái vật thời tiền sử này thường được coi là anh em của loài khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex (T.rex).

Ảnh minh họa dực long -
Ảnh minh họa dực long - "quái vật thời tiền sử" có cổ dài hơn hươu cao cổ. Ảnh: Đại học Portsmouth
Bí mật hàng trăm triệu năm tuổi của loài động vật thời tiền sử biết bay này vừa được các nhà khoa học phát hiện: Dực long có cổ dài hơn hươu cao cổ.
Các nhà cổ sinh vật học Đại học Portsmouth, Anh, đã rất bối rối trong việc lý giải loài dực long khổng lồ biết bay đã xoay sở như thế nào để bay khi cổ dài, nhất là lúc cất cánh hoặc mang theo những con mồi nặng.
Qua ảnh chụp CT của những hóa thạch nguyên vẹn được phát hiện ở Morocco, bí ẩn đã được giải đáp.
Phát hiện được công bố trên tạp chí iScience. Hình ảnh được các nhà khoa học công bố về loài dực long này cho thấy cấu trúc phức tạp được sắp xếp theo hình xoắn quanh ống trung tâm bên trong cột sống cổ, tương tự như bánh xe đạp.
Thiết kế phức tạp này được cho là minh chứng cho thấy loài bò sát bay này đã tiến hóa như thế nào để hỗ trợ chiếc đầu khổng lồ thường dài hơn 1,5 mét của chúng. Các nhà khoa học cho rằng, cấu trúc "nhẹ" này mang lại sức mạnh mà không ảnh hưởng đến khả năng bay của loài dực long.

Ảnh chụp CT xương dực long. Ảnh: Đại học Portsmouth
Ảnh chụp CT xương dực long. Ảnh: Đại học Portsmouth
Dave Martill, giáo sư cổ sinh vật học tại Portsmouth, cho biết: “Nó không giống bất cứ thứ gì từng thấy trước đây ở xương sống của bất kỳ loài động vật nào".
Theo đó, xương hóa thạch của dực long có ống thần kinh được đặt ở vị trí trung tâm bên trong đốt sống và được kết nối với thành ngoài qua một số ống xương mỏng giống hình que, được sắp xếp tỏa tròn giống như các nan hoa của bánh xe đạp và sắp xếp theo hình xoắn ốc dọc theo chiều dài của đốt sống.
“Chúng thậm chí còn vắt ngang như nan hoa của bánh xe đạp. Sự tiến hóa đã định hình những sinh vật này thành những kẻ biết bay tuyệt vời, hiệu quả ngoạn mục" - giáo sư cổ sinh vật học người Anh cho biết.
Phân tích CT cho thấy, có 50 “nan hoa” ở cổ của loài dực long có thể giúp tăng khả năng chống cong vênh lên 90%.
Các nhà khoa học tin rằng, cấu trúc phức tạp này của dực long có thể giúp các kỹ sư phát triển các cấu trúc nhẹ dài hơn, mỏng hơn và chắc chắn hơn.
“Những con vật này có chiếc cổ dài đến kỳ lạ, và ở một số loài, đốt sống thứ năm từ phía đầu dài bằng thân của con vật. Nó khiến một con hươu cao cổ trông hoàn toàn bình thường. Chúng tôi muốn biết một chút về cách hoạt động của chiếc cổ cực kỳ dài này, vì nó dường như có rất ít khả năng di động giữa mỗi đốt sống" - Cariad Williams, tác giả đầu tiên của báo cáo, cho biết.
Dực long xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch từ kỷ Trias (hay kỷ Tam Điệp), khoảng 225 triệu năm trước, nhưng biến mất vào cuối kỷ Phấn trắng, khoảng 66 triệu năm trước cùng với những người anh em họ khủng long của chúng.
Nhờ hóa thạch dực long phát hiện ở Bắc Phi, giới nghiên cứu muốn tìm lời giải cho những câu hỏi cơ bản như khả năng bay của dực long, loài có thể có sải cánh lên đến 12 mét.
“Điều vô cùng đáng chú ý là cấu trúc bên trong được bảo tồn hoàn hảo. Cấu trúc tế bào xương cũng vậy khi xem xét dưới kính hiển vi. Ngay sau khi chúng tôi nhìn thấy mô hình phức tạp của dải xương xuyên tâm, chúng tôi nhận ra rằng có điều gì đó đặc biệt đang xảy ra" - ông Cariad Williams nói thêm về hóa thạch dực long phát hiện ở Morocco.
THANH HÀ (LĐO)

https://laodong.vn/the-gioi/giai-ma-bi-mat-ve-quai-vat-khong-lo-biet-bay-thoi-tien-su-898911.ldo

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Phát hiện rừng hóa thạch 390 triệu năm

Nghiên cứu mới cho thấy những cây hóa thạch được phát hiện tình cờ ở phía tây nam nước Anh thuộc khu rừng được biết đến sớm nhất trên Trái đất. Hóa thạch 390 triệu năm tuổi đã soán ngôi khu rừng lâu đời nhất thế giới của khu rừng hóa thạch Gilboa ở bang New York, có niên đại 386 triệu năm.