Nghịch lý thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau khi nhiều xã ở Gia Lai, Kon Tum được công nhận thoát nghèo hoặc đạt chuẩn nông thôn mới, thì hàng ngàn học sinh có nguy cơ thất học. Vì sao có nghịch lý này?
 

Không còn được thụ hưởng chính sách

Từ 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định hỗ trợ gạo bằng 40% mức lương cơ bản cho học sinh (HS) tại các vùng đặc biệt khó khăn. Khoản hỗ trợ này rất thiết thực, kịp thời với các HS dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa.

Từ nguồn hỗ trợ này, HS được tạo điều kiện để ăn ở, sinh hoạt và học tập trung tại các trường bán trú. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021 - 2022, sau khi nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc được công nhận thoát nghèo, thì rất nhiều HS không còn được thụ hưởng chính sách này.


 

 Việc dạy học ở vùng đồng bào thiểu số đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Hiếu
Việc dạy học ở vùng đồng bào thiểu số đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Hiếu


Tại H.K’bang (Gia Lai), nhiều xã sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thì nhiều HS không còn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, qua đó đã gây không ít áp lực đối với các trường phổ thông trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Krong, dù đã bước vào năm học mới hơn một tháng song vẫn chưa đủ HS đến lớp, nhiều chỗ ngồi còn trống. Giáo viên của trường phải thường xuyên xuống tận làng, vào tận nhà từng HS để vận động phụ huynh cho con em trở lại lớp.

Theo thống kê, năm học này H.K’bang có 558 HS không còn nhận chế độ hỗ trợ bằng gạo. Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD-ĐT H.K’bang, nói: “HS không còn nhận chế độ hỗ trợ sẽ ảnh hưởng nhiều thứ. Chúng tôi nhận thấy rằng việc này gây rất nhiều khó khăn cho cả các hiệu trưởng. Bởi vì nếu hiệu trưởng đúng theo chức trách nhiệm vụ mà thi hành thì các em không được hưởng chế độ sẽ không được nuôi dạy ở trường bán trú”.

 

Phụ huynh lo lắng

Tại H.Kon Plông (Kon Tum) cũng có hàng trăm HS của 9 trường tại 2 xã Măng Cành, Pờ Ê và TT.Măng Đen bị cắt chế độ. Theo thầy Đặng Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học TT.Măng Đen, trường cách trung tâm thị trấn hơn 10 km, trước đây trường thuộc xã Đăk Long (xã vùng 3 đặc biệt khó khăn), nhưng sau khi xã này sáp nhập vào TT.Măng Đen thì trở thành vùng 1. Theo đó, nhiều HS được hỗ trợ tiền ăn bán trú trước đây đều bị cắt chế độ.

“Trường phụ trách dạy học 5 thôn làng trên địa bàn thị trấn. Các thôn làng cách trường từ trên 10 km, thậm chí có làng cách trường hơn 25 km. Trường có 226 em thì 225 em là người đồng bào thiểu số. 86 HS ở bán trú tại trường thì chỉ có 21 em có chế độ, còn lại 65 em không có chế độ. Do không có chế độ, nhà trường vận động phụ huynh góp tiền nuôi các em, tuy nhiên phụ huynh gây khó khăn. Họ cho rằng, cuộc sống khó khăn không góp tiền được nên không cho con em đến lớp”, thầy Sơn thông tin.

Tương tự, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Măng Cành cũng có hàng trăm HS bị cắt hỗ trợ bữa cơm bán trú. Thầy Trần Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết toàn trường có 255 HS. Năm học 2020 - 2021 trường có 136 HS hưởng chế độ bán trú, mức 596.000 đồng/tháng. Năm nay toàn trường có 143 em trong diện được thụ hưởng chính sách này. Tuy nhiên khi bước vào năm học mới, các em bị cắt hoàn toàn chế độ hỗ trợ do xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Một lớp học ở xã Krong, H.K’Bang (Gia Lai) chỉ lèo tèo vài học sinh khi không còn chế độ hỗ trợ gạo. Ảnh: Trần Hiếu
Một lớp học ở xã Krong, H.K’Bang (Gia Lai) chỉ lèo tèo vài học sinh khi không còn chế độ hỗ trợ gạo. Ảnh: Trần Hiếu


“143 học sinh này nhà cách trường từ 10 - 15 km. Để đảm bảo học tập, các em phải ăn ở tại trường. Khi bị cắt chế độ bán trú, phụ huynh HS phải góp tiền, góp gạo nuôi con em của mình. Thời gian đầu khi chế độ của các em bị cắt và phải đóng tiền ăn uống, nhiều phụ huynh phản ứng rất gay gắt và dọa sẽ cho con em nghỉ học”, thầy Thanh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ đóng tiền ăn bán trú cho con em, nhiều phụ huynh tại 3 xã, thị trấn nói trên ở H.Kon Plông còn phải đóng thêm nhiều khoản khác như sách vở, bảo hiểm y tế, trong khi người dân nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, không có việc làm.

Anh A Nghị ở thôn Đăk Ne, xã Măng Cành, cho biết kể từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, gia đình anh cũng bắt đầu lo lắng về các khoản chi phí cho con đi học. “Con mình đang học lớp 3, các năm trước không phải đóng gì cả, nhưng năm nay phải đóng học phí, bảo hiểm y tế, mua sách cho con. Ngoài ra, gia đình phải nộp 200.000 đồng và 12 kg gạo mỗi tháng cho con ăn uống tại trường. Bị đóng nhiều loại phí thế này, không chỉ nhà mình mà nhiều gia đình khác cũng gặp khó khăn”, anh Nghị than thở.

 

Nhà xa nên các em phải ăn ở tại trường. Ảnh: Đức Nhật
Nhà xa nên các em phải ăn ở tại trường. Ảnh: Đức Nhật


Địa phương tìm cách xoay trở

Theo Phòng GD-ĐT H.Kon Plông, năm học 2021 - 2022, huyện này có đến 920 HS của 9 trường bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú, tập trung chủ yếu ở xã Măng Cành, xã Pờ Ê và TT.Măng Đen. Lo ngại các em bỏ học giữa chừng, ngành giáo dục đã liên tục vận động phụ huynh HS quyên góp gạo, tiền, tùy theo điều kiện tự có của mỗi gia đình để nâng bước các em đến trường. Ngoài ra, nhà trường cũng vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn hỗ trợ các em. Hưởng ứng lời kêu gọi, Trung tâm tình nguyện quốc gia - Hội Liên hiệp Thanh niên VN đã đồng ý hỗ trợ những HS trong diện bán trú trên địa bàn H.Kon Plông trong 1 năm với mức 17.000 đồng/ngày/HS.

 


Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, Sở cũng đã đề xuất UBND, HĐND tỉnh quan tâm, xem xét vì hiện nay số HS người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách còn rất nhiều. Vì vậy, rất cần thiết để địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp các em có điều kiện tham gia học tập, góp phần duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Thực tế những năm gần đây, cuộc sống của người dân vùng sâu vùng xa tuy có sự cải thiện, song vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chuyện ăn, chuyện học cho con em vẫn là một gánh nặng quá sức với không ít gia đình.



Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, cho biết khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ vùng 2, 3 sẽ trở thành vùng 1 thì các chế độ về bảo hiểm y tế, chế độ HS bán trú bị cắt. Sau khi thay đổi chính sách, một số hộ dân chưa hiểu nên đã có phản ứng.

“Từ trước đến giờ bà con mình được bao cấp rồi. Đến bây giờ tự nhiên cắt đi thì đương nhiên là có sự khó khăn ban đầu. Theo ý kiến cá nhân của tôi, nếu được thì cắt giảm chế độ dần dần, ví dụ năm nay giảm 50%, vài năm nữa giảm tiếp 50%. Phải có bước chuyển tiếp để bà con làm quen. Nếu như tỉnh ban hành một nghị quyết đặc thù, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ HS thì sẽ dễ thở hơn”, ông Mậu đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND H.K’bang, cho biết: “Trước đây, các cháu được hỗ trợ 15 kg gạo và hơn 400.000 đồng/tháng. Sau khi một số xã chuyển từ vùng 3 xuống vùng 2, vùng 1 nên các cháu không còn nhận được khoản này. Các cháu đi học xa, phải ở bán trú. Không có hỗ trợ thực sự là khó khăn. Trước mắt chúng tôi đang huy động nhiều nguồn từ nhà hảo tâm để giúp các cháu tiếp tục tới trường, giúp phụ huynh yên tâm, nếu không các cháu sẽ bỏ học. Chúng tôi đã báo cáo lên tỉnh, tỉnh cũng báo ra T.Ư nhưng chưa có phản hồi. Chúng tôi đang rất lo lắng!”.

Theo TRẦN HIẾU-ĐỨC NHẬT (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.