(GLO)- Sinh ra với thân thể lành lặn nhưng sau một tai nạn, anh Hoàng Văn Em-Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Gia Lai đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt khi chỉ mới lên 9 tuổi. Bằng nghị lực phi thường của mình, anh đã vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống để vươn lên làm người có ích cho gia đình và xã hội.
Vượt qua nghịch cảnh
Anh Hoàng Văn Em (đeo kính) trong một lần đi trao quà cho người mù neo đơn nhân dịp lễ, Tết. Ảnh: Quang Tấn |
Sinh ra trên mảnh đất miền Trung nghèo khó (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế), năm 1979 theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước đi xây dựng kinh tế mới, gia đình anh Em đã vào định cư tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai khi vừa tròn 3 tuổi.
Cuộc sống gia đình anh sau 6 năm nơi vùng đất mới chưa đem lại sự ấm no, hạnh phúc thì tai họa lại thi nhau ập lên. Mẹ mất sau cơn bạo bệnh, bố bước thêm bước nữa, anh phải về sống với ông bà nội. Chưa dừng lại ở đó, tai họa tiếp tục ập đến khi đôi mắt của anh Em không còn nhìn thấy ánh sáng sau một tai nạn. “Đó là những chuỗi ngày bi quan, buồn bã, chán nản với cuộc sống khi mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào sự trợ giúp của ông bà nội nhưng nhờ sự quan tâm động viên của ông bà nên mình đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn”-anh Em trải lòng.
Cuộc đời anh Hoàng Văn Em bắt đầu sang trang kể từ khi anh được gia đình đưa vào sống tại Trung tâm Hướng nghiệp Trẻ em mù tỉnh Thừa Thiên-Huế, sau khi ông bà nội lần lượt bỏ anh lúc anh chỉ mới 16 tuổi. Sự quan tâm, động viên của các thầy cô trong trung tâm, sự đồng cảm cũng như tìm được tiếng nói chung giữa những người cùng mất đi ánh sáng đã giúp anh tìm lại sự tự tin, niềm vui với cuộc sống.
Sau 3 năm được thầy cô nơi đây tận tình giúp đỡ, dạy học chữ nổi, học nghề làm tăm tre, chổi đót, mình anh với cây gậy trên tay đã rong ruổi khắp nơi từ các tỉnh miền Nam cho đến các tỉnh Tây Nguyên để bán các sản phẩm do chính tay mình và trung tâm làm ra để tự nuôi sống bản thân cũng như tạo thêm thu nhập cho trung tâm.
Người mù trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của Hội Người mù tỉnh nói chung và anh Em nói riêng. Ảnh: Quang Tấn |
Khi nghịch cảnh, sự tự ti, mặt cảm… không còn là rào cản, anh Hoàng Văn Em đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, những rào cản của gia đình và xã hội để rồi anh Em cùng với chị Nguyễn Xuân Phương (một người lành lặn) cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình vào cuối năm 2004.
Vợ mở quán tạp hóa nhỏ tại thị trấn Chư Sê, chồng hàng ngày rong ruổi khắp huyện Chư Sê để bán vé số, kiếm tiền bươn chải cho cuộc sống của 2 vợ chồng những ngày đầu vào lập nghiệp nơi đây (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). “Cuộc sống hiện tại của 2 vợ chồng anh Em và đứa con trai 10 (là một người con ngoan, trò giỏi) ngày càng ấm nó và hạnh phúc, đã có của ăn của để, nhà cửa khang trang đầy đủ tiện nghi”-anh Em phấn khởi khoe.
Đem niềm vui cuộc sống đến với người mù
Hộ ông Phan Tuấn-tổ dân phố 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi 6 người con của ông thì có tới 4 người con bị mù do di chứng của chất độc da cam được Hội hỗ trợ cho vay vốn để phát triển sản xuất. Ảnh: Quang Tấn |
Khi cuộc sống gia đình đã ổn định, như đồng cảm với những khó khăn mà những người đồng cảnh ngộ như mình phải đối mặt trong cuộc sống, từ đó trong anh đã nảy ra suy nghĩ làm thế nào để giúp đỡ những người mù trên địa bàn vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng. “Mình rất đồng cảm với những khó khăn, mất mát của của người mù và nhận thấy người mù không phải vô dụng mà có thể làm việc để tự nuôi sống bản thân mình”-anh Em trải lòng.
Sau những lần tự lên TP. Pleiku tìm hiểu, thăm dò tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, với mong muốn tạo ra ngôi nhà thứ 2 cho người mù trên địa bàn tỉnh. “Tạo môi trường sinh hoạt, học tập và sản xuất cho người mù để tự nuôi sống bản thân cũng như cho người mù tìm được tiếng nói chung và không còn mặt cảm, tự ti với xã hội, tự tin vươn lên sống tốt”-anh Em chia sẻ.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, đến ngày 11-4-2012 Hội Người mù tỉnh Gia Lai chính thức được thành lập và anh Hoàng Văn Em được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội.
Dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của Hội Người mù tỉnh nói chung và anh Hoàng Văn Em nói riêng đã tranh thủ được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban ngành, sự ủng hộ các Mạnh Thường Quân… từ đó đã có những việc làm thiết thực như tạo điều kiện cho người mù đi học chữ, học nghề tạo công ăn việc làm, hỗ trợ vay vốn tăng gia sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình, thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà động viên người mù trong những dịp lễ, tết… góp phần giúp người mù có thêm động lực vượt qua nghịch cảnh vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng.
Qua trao đổi, anh Em cho biết: “Hội đã mở 2 cơ sở dịch vụ xông hơi-xoa bóp bấm huyệt cổ truyền tại 21 Nguyễn Du và 71 Hùng Vương (TP. Pleiku) tạo việc làm cho 10 người mù với thu nhập mỗi tháng 2,5 triệu đồng trở lên, tạo điều kiện cho 20 em mù đi học chữ, học nghề tại các trung tâm của các tỉnh bạn, nhiều em sau khi học xong đã có việc làm ổn định và có thể tự nuôi sống bản thân…”.
Nói về mong muốn cũng như những dự định của mình trong trong thời gian tới, anh Em cho biết: “Vì trong số hơn 2.000 người mù trên địa bàn vẫn còn rất nhiều người còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, đời sống kinh tế cũng như mặc cảm với xã hội cần được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Do đó, mình mong muốn trong thời gian tới, Hội Người mù cần được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cả về vật chất lẫn tinh thần từ UBND tỉnh, các sở, ban ngành, sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh để Hội có điều kiện chăm lo giúp đỡ đời sống cho nhiều người mù trên địa bàn tỉnh hơn, kịp thời động viên người mù lạc quan với cuộc sống xóa bỏ tự ty, mặc cảm vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.
Quang Tấn