(GLO)- Chỉ xuất hiện bên góc phố vào những ngày cuối năm, chủ yếu là vào khoảng từ 20 tháng Chạp trở đi, từ lâu, nghề đánh bóng lư đồng đã được “mệnh danh” là nghề của riêng ngày Tết. Những ngày này, dạo qua một vài tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Hùng Vương của Phố núi Pleiku, ta lại dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người thợ cần mẫn làm việc bên cạnh những tấm bảng hiệu “Nhận đánh bóng đồ đồng” được đặt ngay ngắn bên phố. Những người thợ ấy đa số là thợ sửa xe, thợ hồ, thợ xây, có cả một vài sinh viên nhân dịp nghỉ Tết kiếm việc làm thêm…
Lê Xuân Vững đang tỉ mẩn đánh bóng lư đồng cho khách. Ảnh: Thái Bình |
Gặp tôi khi đang tỉ mẩn đánh bóng chiếc bình bông cho khách ở ngay vỉa hè trước số nhà 35A-Hoàng Văn Thụ; chàng trai 21 tuổi Lê Xuân Vững-sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tươi cười trò chuyện. Vững cho hay, đây là năm đầu tiên em làm nghề này, cũng là do những năm trước thấy mấy anh, mấy chú làm nghề đánh lư đồng trên đường Hai Bà Trưng. “Đông khách và kiếm được kha khá nên em lén học để làm theo, dù năm nay mới ngồi ở đây nhưng cũng đã nhận được rất nhiều hàng của khách, hy vọng tự kiếm được tiền chi tiêu trong dịp Tết và gom một phần để trang trải học hành”. Đồ nghề của Vững khá đơn giản: “Mô tơ em mượn của bố, chỉ mua thêm vài tấm bánh cáp bằng vải nữa là đủ. Làm nghề đánh bóng đồ đồng không khó, chỉ cần sự chịu khó, tỉ mỉ và quan trọng nhất là sự cẩn thận, có hàng, một ngày em có thể đánh bóng được 3-4 bộ lư đồng”-Vững vui vẻ nói.
Lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Tuyến (tổ 14, phường Hội Thương, TP. Pleiku)-người nãy giờ chỉ đứng chăm chú xem cách thức làm việc của Vững bèn đưa một hộp đựng rượu nhỏ bằng inox yêu cầu Vững đánh bóng. Dõi theo đôi bàn tay khéo léo của người thợ sinh viên khoảng dăm phút, ông Tuyến gật gù tỏ ý hài lòng rồi quay sang chuyện vãn với tôi: “Cậu này còn trẻ nhưng tay nghề xem ra cũng được, đến chiều tôi sẽ đem bộ lư đồng trong nhà lên đây để đánh”. Trò chuyện thêm, ông Tuyến cho hay, bộ lư đồng nhà ông có từ trước năm 1975, thường thì hàng năm ông chỉ dùng khăn bông sạch thấm với ít mẻ và tro bếp để lau chùi lại, làm như thế chỉ sạch nhưng không sáng bóng. Cũng theo ông Tuyến, số lượng gia đình sở hữu những bộ lư đồng ở trên địa bàn Pleiku không phải là ít, nhưng tùy quan niệm và sở thích của từng người, người thích đánh bóng, người lại thích để đồ đồng lên xanh cho có vẻ cổ kính; tuy nhiên, thường thì ai cũng muốn có một bộ lư đồng đẹp nhất, sạch nhất, mới nhất để thờ cúng gia tiên trong dịp Tết đến Xuân về.
Có thâm niên làm nghề nhiều hơn Vững, anh Võ Minh Tuấn (tổ 3, phường Thống Nhất) từ 5 năm trở lại đây năm nào cũng bỏ tiền thuê một khoảng vỉa hè trước cửa hiệu buôn Sen (số 30-Hai Bà Trưng) để tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Anh Tuấn cho hay: “Một bộ lư đồng (hay bộ tam sự theo cách gọi của một số người dân) thông thường gồm: một lư đồng, một cặp chân đèn, một cặp bình bông, đầy đủ hơn thì còn có bát hương, lọ cắm nhang, cổ bồng (để trái cây), tráp trầu cau. Giá để đánh bóng một bộ lư đồng, tùy loại to-nhỏ, nhiều món-ít món; mức độ cầu kỳ mà có giá khác nhau, thường dao động từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ. Muốn làm nghề này chỉ cần sắm bộ máy hơn 2 triệu đồng, gồm mô tơ loại mạnh, tua lớn và những tấm bánh cáp bằng vải (phốt vải). Để làm bóng lư đồng thì đầu tiên là rửa sạch, lau khô rồi tiếp đến là bắt đầu đánh từng góc cạnh bằng phốt vải gắn trên mô tơ điện, cuối cùng chùi qua bột làm sáng là có ngay một bộ lư đồng bóng loáng. Mặc dù nói là đơn giản nhưng để làm được công việc này đòi hỏi người làm phải cẩn thận tỉ mỉ, vì chỉ cần một chút sơ suất nhỏ có thể làm hỏng bộ lư đồng. Nói là thế nhưng một bộ lư đồng tôi cũng ít nhất mất 2 tiếng đồng hồ để đánh nó; có bộ thì đơn giản nhưng cũng có bộ tốn rất nhiều thời gian”.
Thái Bình