(GLO)- Trong năm 2011, toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 25 vụ cháy. Điển hình như vụ cháy cửa hàng bán đồ điện lạnh của ông Ngô Quang Ninh, ở tổ dân phố 1, thị trấn Phú Thiện ngày 27-6-2011, thiệt hại gần 2,2 tỷ đồng; vụ cháy cửa hàng bán chăn, màn tại số 29 đường Ngô Gia Tự, tổ 3, phường Diên Hồng, thiệt hại 1,3 tỷ đồng...
Tình trạng mất cảnh giác, chủ quan trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của đại đa số người dân vẫn còn, như vi phạm các quy định về an toàn cháy, nổ trong sử dụng các thiết bị điện, xăng dầu, sử dụng ga, khí đốt hóa lỏng, điển hình: Vào lúc 7 giờ ngày 18-3-2011, anh Trần Văn Duy, trú tại làng Cam, xã Ia Krai, huyện Ia Grai đang đổ xăng từ can sang cây xăng bán lẻ, do không để ý nên xăng tràn ra ngoài vào khu vực nhà bếp gây ra cháy. Hậu quả, anh Duy bị bỏng nặng, cháy 1 xe mô tô, và nhiều vật dụng khác trong gia đình.
Diễn tập phòng cháy chữa cháy. |
Không những thiệt hại về tài sản, nhiều vụ cháy gây ra nhiều cái chết thương tâm, như vụ cháy do chập điện xảy ra vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 31-5-2011, tại nhà anh Nguyễn Quốc Khánh (SN 1981) thuộc thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, làm chết 2 cháu Nguyễn Thị Kiều Như (SN 2006) và Nguyễn Thị Kiều Khanh (SN 2008) là con của anh Khánh.
Gần đây nhiều vụ cháy mía, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người nông dân, nguyên nhân cũng vì bất cẩn trong sinh hoạt, như ngày 2-2-2011, Đinh Khiếp (SN 1993), Đinh Khiết (SN 1995) trú làng Tờng, thị trấn Kông Chro cùng với Hậu, Út, Khương trú tại huyện Đak Pơ tổ chức thui bê, do bất cẩn dẫn đến lửa cháy lan làm cháy 9 ha mía của ông Nguyễn Văn Hạnh (SN 1970) làng Hra, xã Kông Yang, huyện Kông Chro...
Rất may, khi các vụ cháy xảy ra lực lượng Cảnh sát PCCC đã đến hiện trường kịp thời, triển khai nhanh các biện pháp nghiệp vụ, khống chế, ngăn chặn ngọn lửa, không để lửa lây lan ra các khu vực lân cận, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Do đó, để không xảy ra những thiệt hại đáng tiếc và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra, ngoài việc các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng về công tác PCCC đến từng hộ dân, từng đơn vị, chủ cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các khu trung tâm thương mại, chợ, bến bãi, kho tàng, nhà xưởng, quầy hàng, thì các ngành chức năng xử lý nghiêm đối tượng và cơ sở vi phạm về PCCC.
Tuy nhiên, trên hết mỗi người dân và các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tự ý thức và nâng cao trách nhiệm trong PCCC, nhất là cảnh giác và tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn-2012. Để đảm bảo an toàn trong PCCC, chú ý thực hiện nghiêm ngặt các quy định về PCCC, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị điện, bếp đun để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy nổ, tắt nguồn lửa và những thiết bị điện khi không sử dụng, cẩn trọng trong việc đốt đèn cầy, thắp hương trong dịp Tết; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, nước chữa cháy, các phương án chữa cháy và cứu nạn khi có tình huống cháy xảy ra.
Nguyễn Thành Huy